Đòn phủ đầu Jarabulus: Mỹ khuyến khích, Nga chỉ trích, Ankara liệu chơi trò "con nít"?
Thế giới - Ngày đăng : 09:24, 26/08/2016
Ngày 24/8, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tiến hành chiến dịch mang tên Euphrates Shield nhàm chiếm lại Jarabulus và nhanh chóng tuyên bố giành thắng lợi
16h00 ngày 24/8 (giờ địa phương, tức 01h00 giờ GMT), Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tiến hành chiến dịch mang tên Euphrates Shield (Đòn phủ đầu) nhằm vào các mục tiêu của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) kiểm soát ở thị trấn chiến lược Jarabulus, miền Bắc Syria. Rất nhanh chóng, truyền thông Ankara đưa tin, “Jarabulus hoàn toàn được giải phóng”; trong khi các tay súng IS được cho biết là đã bỏ trốn theo hướng Al-Bab, tới khu vực phía Tây Nam Syria.
Theo hãng thông tấn Anadolu, chiến dịch tái chiếm Jarabulus từ tay IS nhằm mục tiêu “ngăn chặn dòng người di cư, cung cấp cứu trợ nhân đạo cho thường dân và quét sạch các phần tử khủng bố trong vùng”. Quyết định được đưa ra sau khi nhiều ngôi nhà sát biên giới với Syria bị trúng đạn pháo cối trước đó một ngày (23/8).
Nằm đối diện với thị trấn biên giới Karkamis ở Thổ Nhĩ Kỳ, Jarablus được Ankara xem như một yếu tố quan trọng đối với an ninh quốc gia. Chính vì thế, chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hoàn toàn không hề muốn Jarablus bị rơi vào tay lực lượng dân quân người Kurd (YPG).
Đặc biệt, trong bối cảnh kể từ sau nỗ lực đảo chính bất thành đêm 15/7, Jarablus thường xuyên trở thành mục tiêu tấn công của cả đảng Công nhân người Kurd (PKK), lực lượng dân quân tự vệ người Kurd (YPG) và IS, thì vấn đề then chốt mà Ankara cần sớm giải quyết lúc này chính là phải khẩn trương hành động để giành lại Jarablus càng sớm càng tốt. Bởi, tiếp tục để Jarablus nằm trong tay IS có thể sẽ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Ankara ngày 23/8, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ tối đa chiến dịch “Đòn phủ đầu”. Và thực tế là, lực lượng bộ binh và pháo binh của quân đội chính phủ cùng hàng trăm tay súng thuộc lực lượng đối lập Quân đội Syria Tự do đã tham gia chiến dịch Jarablus.
Xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ ở biên giới Karkami.
Khá bất ngờ, sau khi Ankara tiến hành chiến dịch Euphrates Shield, Nhà Trắng đã nhanh chóng lên tiếng ủng hộ, “khuyến khích”. Theo người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest, Thổ Nhĩ Kỳ cần phải có hành động dứt khoát trong vấn đề biên giới với Syria. Thậm chí, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden còn khẳng định, Washington tin tưởng mạnh mẽ rằng, “biên giới Thổ Nhĩ Kỳ phải được kiểm soát bởi Thổ Nhĩ Kỳ, và không nên có sự chiếm đóng bởi bất kỳ nhóm nào khác”.
Đồng thời trong phát biểu của mình, ông Biden còn nhấn mạnh, Mỹ sẽ tiếp tục yểm trợ trên không cho chiến dịch chống các nhóm khủng bố mà Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành ở miền Bắc Syria. Tuyên bố của Phó Tổng thống Mỹ được giới phân tích nhận định là khá trùng khớp với một số nguồn tin khi cho rằng, chính các chiến đấu cơ lực lượng đồng minh do Mỹ dẫn đầu đã yểm trợ cho những con “quái vật sắt” của Thổ Nhĩ Kỳ rầm rập tiến vào lãnh thổ Syria hôm 24/8 với nhiệm vụ dốc sức đánh bật IS ra khỏi Jarabulus (?).
Đáng chú ý, thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch tấn công xuyên biên giới ở trong bối cảnh Phó Tổng thống Biden vừa đặt chân tới Ankara, nhằm cam kết với chính quyền Tổng thống Erdogan rằng, Washington không liên quan đến nỗ lực đảo chính quân sự bất thành vào đêm 15/7 vừa qua. Chính vì thế, theo giới phân tích, với chiến dịch Jarablus, sự ủng hộ của Washington đối với Ankara, rất có thể sẽ giúp cho quan hệ hợp tác giữa Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ trở nên nồng ấm hơn. Không chỉ có vậy, chiến dịch Jarablus còn có thể tạo cân bằng quyền lực giữa người Arập và người Kurd ở phía Bắc Syria, tạo thuận lợi cho cuộc chiến chống các phần tử khủng bố IS.
Thổ Nhĩ Kỳ liệu có một lần nữa "đâm lén sau lưng" Nga như vụ bắn rơi Su-24 khi mà vừa mới chấp nhận xuống nước xin lỗi?
Trái ngược với quan điểm của Nhà Trắng, Điện Kremlin lại bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Moscow cũng cảnh báo nguy cơ leo thang căng thẳng liên quan đến việc Ankara nhằm mục tiêu vào những chiến binh thuộc lực lượng YPG ở khu vực biên giới. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, “tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn nữa trong vùng xung đột” và “làm bùng lên những căng thẳng sắc tộc giữa người Kurd và người Arập”. Bởi, trong chiến dịch chống IS ở Syria, các tay súng người Kurd được cho là đội quân hoạt động hiệu quả nhất, theo nhận định của cả truyền thông Nga và Mỹ.
Trong khi đó, về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan tuyên bố, chiến dịch quân sự bên trong lãnh thổ Syria không chỉ nhằm mục tiêu chống lại IS mà còn cả lực lượng dân Đảng Liên minh dân chủ người Kurd (PYD), đặc biệt, sẽ chấm dứt vĩnh viễn “các vấn đề ở biên giới hai nước”. Ông Erdogan cũng khẳng định rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đảm bảo “vẹn toàn lãnh thổ” Syria, và rằng, Ankara chỉ đang tìm cách “giúp nhân dân Syria”, chứ không hề có ý định nào ẩn chứa đằng sau (!?).
Thế nhưng, theo nhận định của giới phân tích, tất cả các bên liên quan trong trận chiến Jarablus đều có những toan tính của riêng mình. Riêng với Ankara, đây có thể là đòn tấn công phủ đầu nhằm ngăn chặn kế hoạch hình thành một vùng lãnh thổ liên tục ở phía Bắc Syria của người Kurd. Ngoài ra, chiến thắng ở Jarablus cũng sẽ phần nào chứng minh được năng lực chống khủng bố của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (chứ không phải chỉ có lực lượng người Kurd PYD mới là đội quân chống IS hiệu quả nhất, như đã nói ở trên).
Vậy là trong khi Tổng thống Erdogan vừa mới viết thư xin lỗi Tổng thống Nga Vladimir Putin, Moscow và Ankara đang nỗ lực bình thường hóa quan hệ, thì hành động bất ngờ của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch áp sát biên giới với Syria tỏ ra hoài nghi về cái gọi là “thiện chí thực sự” của ông Erdogan đối với người lãnh đạo xứ Bạch Dương! Giới quan sát lại tiếp tục đặt ra câu hỏi, liệu rằng, ông Erdogan có tiếp tục chơi trò “đâm lén sau lưng” như đã từng làm với nước Nga trong vụ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 hồi tháng 11 năm ngoái?