Đánh bom khủng bố ở Bỉ: Chuyện an toàn hàng không "thời IS"

Thế giới - Ngày đăng : 10:15, 23/03/2016

Vụ đánh bom khủng bố ở Brussels một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề an ninh hàng không trước nguy cơ tấn công của các nhóm cực đoan, nhất là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)...

Đánh bom khủng bố ở Bỉ: Chuyện an toàn hàng không

Những nghi phạm vụ đánh bom khủng bố ở sân bay Zaventem trong vai hành kháchđợc camera an ninh ghi lại

“Trái tim châu Âu” bị tấn công

Nếu gọi Thủ đô Brussels (Bỉ) là “trái tim châu Âu” có lẽ cũng không quá lời khi mà nơi đây đặt trụ sở đầu não của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO). Thế nhưng giờ đây, sau một loạt vụ đánh bom khủng bố, Bỉ đã quyết định đóng cửa các tuyến ra vào Thủ đô, đồng thời đặt mức báo động an ninh cao nhất.

Sân bay Brussels với 3 đường băng hình chữ Z nối trung tâm châu Âu với 226 điểm đến trên toàn thế giới và phục vụ tới hơn 23 triệu lượt khách mỗi năm. Vì vậy, việc những kẻ tấn công lên kế hoạch nhắm mục tiêu vào Brussels, đồng nghĩa với việc những tuyến giao thông huyết mạch sẽ bị “tắc nghẽn”, thậm chí… phá vỡ.

Sau khi những kẻ khủng bố tấn công sân bay Brussels - Zaventem khiến 34 người thiệt mạng và 200 người bị thương, các hãng hàng không trên toàn châu Âu buộc phải thông báo hủy hàng trăm chuyến bay. Hơn 500 chuyến bay đến và đi tại sân bay này buộc phải hoãn hoặc đổi hướng.

Tại thời điểm này, Tổ chức An toàn Hàng không châu Âu Eurocontrol đã xác nhận sân bay Brussels bị đóng cửa cho đến khi có thông báo mới.

Đánh bom khủng bố ở Bỉ: Chuyện an toàn hàng không

Brussels là nơi đặt trụ sở đầu não quan trọng của châu Âu

Ngành hàng không - mục tiêu “lớn” của khủng bố

Vài ngày trước khi xảy ra vụ tấn công tại sân bay ở Brussels, một vụ tai nạn thảm khốc khác đã cướp đi sinh mạng của toàn bộ 55 hành khách (trong đó phần lớn là người Nga) và 7 thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay FZ981. Hôm 19/3, chiếc Boeing 737-800 của hãng FlyDubai (Các tiểu vương quốc Arập thống nhất - UAE) bị rơi ở Rostov-on-Don, thành phố miền nam nước Nga khi đang hạ cánh.

Kịch bản về nguyên nhân vụ tai nạn hàng không mới nhất này là do trục trặc kỹ thuật, hoặc điều kiện thời tiết bất lợi, dẫn đến phi công bị kém tầm nhìn. Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy đây là một vụ tấn công khủng bố. Thế nhưng, điều này không ngoại lệ!

Ngày 31/10/2015, chiếc Airbus A321, do hãng hàng không Kogalymavia (Metrojet) của Nga điều hành, đã bị rơi ở bán đảo Sinai (Ai Cập) sau khi cất cánh được khoảng 23 phút. A321 trở thành thảm họa lớn nhất trong lịch sử hàng không nước Nga khi toàn bộ 224 con người có mặt trên chiếc máy bay định mệnh đó không bao giờ có thể trở về với người thân của mình được nữa. Và trong số các nạn nhân của A321, cũng đa phần là công dân Nga.

Đánh bom khủng bố ở Bỉ: Chuyện an toàn hàng không

Mảnh vỡ chiếc Airbus A321 của hãng hàng không Metrojet (Nga) rơi ở bán đảo Sinai ngày 31/10/2015.

Thảm họa A321 xảy ra khi Không quân Nga vừa bắt đầu chiến dịch không kích chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria được một tháng. Khi đó, giả thuyết thủ phạm là các tay súng IS đã được phần lớn các nhà lãnh đạo đưa ra, kể cả Tổng thống Mỹ Barack Obama. Chính một nhóm cực đoan hoạt động ở Ai Cập cũng lên tiếng thừa nhận trách nhiệm. Song “kịch bản IS” bị bác bỏ. Tuy nhiên, sau nhiều lần “lời qua tiếng lại” trên truyền thông, cuối cùng, Ai Cập buộc phải thừa nhận đây là âm mưu khủng bố. Cơ quan An ninh Liên bang Nga xác nhận có một quả bom tự chế trên máy bay.

Còn nhớ, ngày 24/3/2015, khi chiếc Airbus A320 mang số hiệu 4U9525 của hãng Germanwings bị rơi ở dãy núi Alps (Pháp), khiến toàn bộ 150 người trên máy bay thiệt mạng, yếu tố đầu tiên được nghĩ đến chính là… khủng bố. Và mặc dù các điều tra viên sau đó xác nhận chính cơ phó Andreas Lubitz đã cố ý cho A320 nổ tung để tự sát do thất tình, trầm cảm… thì họ vẫn cố gắng tìm hiểu xem liệu Lubitz có mối liên hệ nào với tổ chức Hồi giáo cực đoan hay không. Thậm chí, truyền thông còn đưa tin, trang facebook cá nhân của Lubitz trước khi bị xóa đã gọi anh ta là “anh hùng nước Pháp”.

Kết

Thực tế, chủ nghĩa khủng bố luôn là một vấn đề lớn ảnh hưởng đến sự an toàn của ngành hàng không. Philip Baum, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn an toàn hàng không Green Light, trụ sở tại London, Anh từng nhận định: “Hàng không đã và sẽ luôn là mục tiêu hàng đầu của các vụ tấn công”. Bọn khủng bố chỉ cần xác định xong “đối tượng” là sẽ lên kế hoạch đánh bom, thậm chí “tự sát” cùng máy bay, bởi mục tiêu của chúng là khi thảm họa xảy ra, thương vong lớn, truyền thông sẽ rất quan tâm. Như vậy, về một mặt nào đó, chúng đã thành công vì “gây được tiếng vang” và có thể khiến “đối phương” khiếp sợ!?

Đánh bom khủng bố ở Bỉ: Chuyện an toàn hàng không

Hình ảnh kinh hoàng của vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001

Xin được nhắc lại vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001. Mặc dù trong sự kiện 11/9, máy bay không phải là mục tiêu tấn công, song đã được bọn khủng bố sử dụng làm “phương tiện” (tấn công) - gây thảm họa khủng khiếp nhất trong lịch sử hàng không thế giới (làm tổng cộng gần 3.000 người thiệt mạng).

Và khi mà thế giới đang phải đương đầu với cuộc chiến phức tạp chống lại các nhóm khủng bố cực đoan, đặc biệt là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), thì việc đảm bảo an toàn cho ngành hàng không càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi, xét về mức độ tàn bạo và phi nhân tính, các chuyên gia đã đánh giá ngay từ khi IS mới xuất hiện rằng, “đến Al-Qaeda cũng phải chào thua”. Hệ tư tưởng của IS là chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan nhất, phản động nhất, tàn bạo nhất cho đến nay.

Nhật Minh