Vệ tinh mới phóng của Triều Tiên bị xáo trộn mạnh trong quỹ đạo

Thế giới - Ngày đăng : 12:51, 19/02/2016

Vệ tinh Triều Tiên vừa phóng hôm 7/2 hiện đang gặp trục trặc trong quỹ đạo, Reuters đưa tin ngày 19/2.

Vệ tinh mới phóng của Triều Tiên bị xáo trộn mạnh trong quỹ đạo

Đây là bức ảnh hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố hôm 7/2, được cho là vụ phóng vệ tinh quan sát Trái Đất Kwangmyong 4, tuy nhiên không rõ địa điểm phóng

Dẫn lời một quan chức Mỹ cùng hai nguồn tin khác, Reuters cho biết, vệ tinh quan sát Trái Đất Kwangmyongsong-4 - như thông tin mà Bình Nhưỡng công bố - được phóng lên quỹ đạo phi địa tĩnh đang bị xáo trộn mạnh sau khi ổn định một thời gian ngắn.

Việc này có vẻ tương tự như sự cố mà vệ tinh Kwangmyongsong-3 gặp phải. Kwangmyongsong-3 được Triều Tiên phóng thành công vào quỹ đạo hồi tháng 12/2012, nhưng sau đó không truyền được tín hiệu nào về mặt đất.

Quan chức Mỹ cùng hai nguồn tin nêu trên còn nhận định thêm rằng, có vẻ họ ít quan tâm đến chức năng của vệ tinh hơn so với công nghệ đẩy vệ tinh. Theo họ, việc Triều Tiên phóng tên lửa rõ ràng nhằm chứng minh khả năng có thể khởi động một tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Trước đó, khi Bình Nhưỡng thông báo kế hoạch phóng vệ tinh Kwangmyongsong-4, Mỹ, Hàn Quốc đã lên tiếng chỉ trích, cho đây là một vụ phóng “tên lửa tầm xa”.  

Bản tin cập nhật vệ tinh được đưa ra trong bối Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ (GAO), bộ phận nghiên cứu quan trọng của Quốc hội Mỹ, tỏ ra lo ngại trước một báo cáo công bố hôm 17/2, trong đó chỉ ra rằng quân đội đã không thể chứng minh được khả năng bảo vệ nước Mỹ trước các cuộc tấn công tên lửa từ phía Triều Tiên.

Vệ tinh mới phóng của Triều Tiên bị xáo trộn mạnh trong quỹ đạo

Trong khi Bình Nhưỡng ca ngợi vụ phóng vệ tinh mới, thì nhiều nước lại tỏ ra quan ngại, cho đây là một vụ phóng tên lửa tầm xa

Theo GAO, các chuyến bay thử nghiệm cho tên lửa thuộc chương trình chế tạo hệ thống phòng thủ triển khai trên mặt đất đánh chặn tên lửa đạn đạo trong quỹ đạo tầm trung (GMD), cho đến lúc này, chưa đủ để chứng minh khả năng phòng vệ hiện hữu.

Báo cáo của GAO chỉ ra, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ chỉ chứng minh được một phần khả năng chống lại một số lượng rất nhỏ các mối đe dọa tên lửa đạn đạo đơn giản.

Còn Ken Todorov, cựu Phó giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) cho biết, MDA  phải đối mặt với việc cân bằng hành động nhằm đáp ứng nhu cầu của quân đội Mỹ, trong khi lại phải tiến hành hoạt động thử nghiệm chỉ với các nguồn lực hạn chế.

Tháng trước, MDA đã thử nghiệm thành công hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất do Tập đoàn Boeing quản lý nhằm chứng minh tính hiệu quả của “cỗ máy giết người” do Công ty Raytheon phát triển với mục đích thay đổi hướng hoạt động của các đầu đạn hạt nhân.

Cuộc thử nghiệm nhằm chứng tỏ khả năng “đẩy chuyển hướng” mới của hệ thống này; và không bao gồm mục đích chứng tỏ khả năng đánh chặn từ hệ thống đánh chặn trên mặt đất, Reuters cho biết.

Minh Thi