UBCK nói gì về giải pháp phát triển và tăng thanh khoản TTCK?
Kinh tế - Ngày đăng : 14:26, 07/06/2014
Hội thảo “Nâng cao tính thanh khoản cho thị trường chứng khoán” do Sở GDCK TPHCM (HOSE) tổ chức ngày 06/06. |
Thanh khoản thấp: Do có ít cổ phiếu tự do chuyển nhượng?
Suốt một thời gian dài (năm 2013 và 5 tháng đầu năm 2014) thị trường chứng khoán đã có sự bứt phá về thanh khoản, đạt trung bình khoảng 2 nghìn tỷ đồng mỗi phiên. Tuy nhiên, từ nửa cuối tháng 5 trở lại đây, nhất là những phiên giao dịch đầu tháng 6/2014, thanh khoản bình quân ở mức dưới 1 ngàn tỷ.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Sơn – Vụ Trưởng Vụ Phát triển thị trường UBCKNN cho biết ngoài những ảnh hưởng thời gian gần đây về địa chính trị thì TTCK VN vốn cũng đã tồn tại những vấn đề từ trước.
Cụ thể, ông Sơn cho rằng quy mô TTCK Viêt Nam hiện nay khoảng từ 50-55 tỷ USD. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa Việt Nam và thị trường quốc tế là phần lớn các doanh nghiệp niêm yết trong nước là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực hiện IPO có tỷ lệ vốn hóa rất lớn nhưng tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free float) lại ở mức rất nhỏ, chiếm từ 10-30%.
Trong khi đó, phần lớn 70-80% được nắm giữ bởi cơ quan quản lý vốn Nhà nước hoặc là các tập đoàn, cơ quan chủ quản của các ngành đó. Chính điều này đã hạn chế đến độ sâu của thị trường cũng như ảnh hưởng lên thanh khoản. Vấn đề hết sức quan trọng này chỉ có cách giải quyết là Nhà nước nên thoái vốn khỏi các doanh nghiệp đã thực hiện IPO, ông Sơn nói thêm.
Cơ chế thoái vốn hiện nay cũng đang trái với nguyên tắc của thị trường khi mà doanh nghiệp muốn thoái vốn mà vẫn bảo toàn vốn đầu tư, tức là không thấp hơn giá trị đầu tư ban đầu. Theo giải thích của ông Sơn, khi đầu tư thì lãi có thể gấp đôi, gấp ba thì không sao. Hoặc thậm chí bán đi một nửa và đã có lãi hơn vốn đầu tư rồi mà vẫn không chấp nhận thoái vốn dưới giá trị đầu tư.
“Hiện nay Bộ Tài chính đang hoàn thiện để Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ cơ chế thoái dưới giá vốn đầu tư, dưới mệnh giá”., ông Sơn chia sẻ.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc IPO thông qua thúc đẩy cầu đầu tư để hấp thụ số cổ phần chào bán. Việc đưa vào niêm yết 30 ngày sau khi cổ phần hóa cũng cần phải đẩy mạnh để tránh câu chuyện là sau khi IPO thì đến 2, 3 hay 5 năm sau mới đưa vào niêm yết, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Tiếp tục chờ… nới room
Ông Sơn cho biết, có hai điểm trong một nội dung trong tờ trình lên Thủ tướng Chính phủ về sửa Quyết định 55. Thứ nhất là nâng room của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty niêm yết và đại chúng; thứ hai là cho phép các tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài góp vốn mua cổ phần, nắm giữ đến 100% (từ 49-100%) vốn các CTCK trong nước.
Đối với đề án nới room, ông Sơn cho biết vẫn đang trong giai đoạn chờ đợi. Đối với công ty đại chúng, trên nền cổ phiếu có quyền biểu quyết thì gắn liền với những quy định liên quan các nhóm ngành nghề mà Việt Nam đang đàm phám trong Hiệp định TPP cũng như hiệp định thương mại tự do với EU nên cần có thời gian để xử lý.
Trong bối cảnh đó, một giải pháp mới được đưa ra là phát triển sản phẩm NVDR (cổ phiếu không có quyền biểu quyết) nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhưng vẫn đảm bảo khả năng kiểm soát doanh nghiệp bởi nhà đầu tư trong nước hoặc chính người điều hành công ty.
Về nguyên tắc thì đây là một giải pháp hữu dụng, tuy nhiên điều này lại gặp trở ngại về hành lang pháp lý. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp Việt Nam, các vấn đề liên quan đến việc triệu tập ĐHĐCĐ hay biểu quyết sẽ bị phá vỡ nếu tỷ lệ NVDR chiếm khoảng 20-30%, ông Sơn chia sẻ.
Vấn đề thứ hai theo ông Sơn là sau thời gian tăng trưởng nóng của thị trường, các công ty chứng khoán (CTCK) trong nước dù có số lượng khá lớn nhưng hầu hết đều có quy mô tài chính, quản trị rủi ro hay năng lực chống đỡ rủi ro còn yếu kém. Do đó, cần tổ chức triệt để tái cấu trúc các CTCK trên cơ sở hợp nhất, giải thể, đặc biệt khi cho các tổ chức nước ngoài vào để mua lại 100% vốn và chuyển thành công ty 100% vốn nước ngoài. Sau này, những tổ chức này sẽ được lựa chọn để tham gia thị trường chứng khoán phái sinh.
Liên quan đến việc tổ chức tài chính giải thể, phá sản, UBCK đang nghiên cứu xây dựng quỹ bảo vệ nhà đầu tư.
Ngoài ra, ông Sơn còn cho biết đề án hợp nhất hai Sở GDCK sẽ được trình Chính phủ trong tháng 6 năm nay nhằm phát triển phân định các khu vực của thị trường gồm thị trường cổ phiếu, trái phiếu và thị trường phái sinh để nâng cao vị thế của Sở trong khu vực ASEAN.
Sanh Tín