Hàng loạt ngân hàng muốn tăng vốn năm 2014
Kinh tế - Ngày đăng : 10:12, 22/04/2014
Trong năm 2013, khá nhiều ngân hàng đã thông qua kế hoạch tăng vốn từ những tháng đầu năm nhưng đa phần đều không thành công do chưa tìm kiếm được nhà đầu tư rót vốn. Qua năm 2014, nhiều nhà băng vẫn tiếp tục kế hoạch tăng vốn với tỷ lệ khá cao, thậm chí lên đến gần 40% vốn.
Theo thống kê từ khoảng 20 ngân hàng đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2014, có ít nhất 8 nhà băng muốn tăng vốn trong năm nay với tổng số vốn lên đến hơn 11,600 tỷ đồng, chưa kể nhiều ngân hàng cũng muốn phát hành cho cổ đông chiến lược hoặc nhà đầu tư ngoại nhưng chưa công bố chi tiết tỷ lệ bao nhiêu.
Kế hoạch tăng vốn năm 2014 của một số ngân hàng Đvt: tỷ đồng |
Các ngân hàng trình kế hoạch tăng vốn thông qua nhiều hình thức như chia cổ tức bằng cổ phiếu, chia cổ phiếu thưởng và phát hành cho nhà đầu tư hay đối tác chiến lược.
Một số nhà băng có lợi nhuận dồi dào đã chọn hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn trong năm 2014. Cách tăng vốn của ngân hàng sẽ không khó “nhằn” vì đây chỉ là hình thức chuyển từ lợi nhuận chưa phân phối hoặc các nguồn vốn khác thành vốn điều lệ của ngân hàng. Sacombank (HOSE: STB) và Ngân hàng Quân đội (HOSE: MBB) đã chọn hình thức này.
Sacombank sẽ thưởng cổ phiếu hơn 114.25 triệu cp (gồm 100 triệu cp quỹ và một phần thặng dư vốn cổ phần) theo tỷ lệ 10% và trả cổ tức hơn 91.4 triệu cp với tỷ lệ 8% để tăng vốn điều lệ trong năm 2014. Sacombank đặt chỉ tiêu tăng vốn lên hơn 13,480 tỷ đồng. Còn Ngân hàng Quân đội dự kiến tăng vốn lên 15,500 tỷ đồng, trong đó, MBB sẽ phát hành 33.77 triệu cp trả cổ tức đợt 2/2013 theo tỷ lệ 3% vào quý 2/2014.
Tham vọng muốn tăng vốn của MBB khá mạnh, bên cạnh việc trả cổ tức bằng cổ phiếu MBB dự kiến chào bán 390.6 triệu cp cho cổ đông, đối tác chiến lược trong đợt 2 vào quý 3, 4/2014. Giá chào bán là giá thỏa thuận có chiết khấu tối đa 25% nhưng không thấp hơn mệnh giá.
Bên cạnh MBB, một số nhà băng khác cũng tìm đến con đường phát hành cho đối tác chiến lược như BIDV, LienVietPostBank, SCB. Tuy nhiên, việc tìm kiếm được đối tác chiến lược trong giai đoạn hiện nay của ngành ngân hàng không phải dễ.
Ngân hàng BIDV (HOSE: BID) hiện chưa công bố kế hoạch cụ thể về việc phát hành cho cổ đông chiến lược nhưng đang hướng đến đối tượng là cổ đông nước ngoài. Còn Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) có vẻ thuận lợi khi có sự “đỡ đầu” của cổ đông lớn nhà nước là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost). Ngân hàng này công bố muốn phát hành 18.7 triệu cp bằng mệnh giá cho VNPost trong năm 2014. Dự kiến sau khi phát hành xong, VNPost sẽ nắm 15% vốn của LienVietPostBank.
Riêng Ngân hàng Sài Gòn (SCB) và Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đưa thêm phương án phát hành dự phòng trong trường hợp không thành công. Cụ thể, SCB dự kiến tăng vốn bằng nguồn ủy thác từ nước ngoài – cổ đông ngoại Macquarie Capital, trong trường hợp không thành công ngân hàng sẽ tăng vốn thêm 2,000 tỷ đồng lên 14,295 tỷ đồng bằng cách phát hành 200 triệu cp cho các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước trước 31/12/2014.
Còn SHB, ĐHĐCĐ thường niên 2014 đã thông qua việc nâng vốn điều lệ lên 11,082.2 tỷ đồng bằng cách phát hành cổ phiếu theo tỷ lệ 4:1 ưu tiên cho các cổ đông hiện hữu, sau đó là nhà đầu tư chiến lược và các nhà đầu tư khác quan tâm. Phát biểu tại đại hội về tính khả thi của việc tăng vốn, ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) cho biết phương án sẽ “rất rất thành công”.
Cùng có kế hoạch tăng vốn lên 4,000 tỷ trong năm 2014, Ngân hàng Nam Á (NamABank) đưa kế hoạch khá cụ thể, phát hành 40 triệu cp cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 10:1.33 và 5 triệu cp cho cán bộ công nhân viên bằng mệnh giá và 55 triệu cp chào bán cho nhà đầu tư tự do trong nước. Còn Ngân hàng Sài Gòn Công thương (Saigonbank) chỉ cho biết sẽ trình cổ đông việc tăng vốn 30% lên 4,000 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ cổ phiếu cho nhà đầu tư.
Riêng đối với DongABank, ngân hàng sẽ tiếp tục trình cổ đông phương án tăng vốn từ năm trước đã thất bại là tăng vốn từ 5,000 tỷ lên 6,000 tỷ đồng bằng cách phát hành 100 triệu cp bằng mệnh giá cho cổ đông hiện hữu.
Có thể thấy, phần lớn các nhà băng này đều chưa công bố đối tác muốn mua cổ phần phát hành và tỷ lệ tăng vốn thành công tất nhiên là chưa thể chắc chắn. Kinh nghiệm từ các đợt tăng vốn thất bại trong năm 2013 vẫn còn đó, liệu bài toán này có dễ dàng hơn trong năm 2014?
Một số ngân hàng giữ nguyên mức vốn điều lệ trong năm 2014 như ACB, KienLongBank, Maritimebank (MSB), Phương Nam – Southernbank (PNB), TPBank và Bản Việt (VietCapitalBank).
Minh Hằng