Chìa khóa kinh tế 2014: Củng cố lòng tin của thị trường & nhà đầu tư
Kinh tế - Ngày đăng : 11:11, 11/12/2013
Thách thức trong năm mới
Năm 2013 đang đi hết những tuần cuối cùng để bước sang năm mới. Kinh tế 2014 sẽ chịu tác động tiêu cực của kinh tế thế giới như thế nào? Những yếu kém của nền kinh tế, mô hình tăng trưởng chậm, cơ cấu chưa được khắc phục dẫn tới tình trạng kinh tế suy giảm… Trước tình hình ấy, doanh nghiệp phải xác định được những nguy cơ, thách thức mới trong năm 2014 đồng thời, nắm bắt được cơ hội, phòng ngừa rủi ro sẽ là một trong những yếu tố quyết định mang lại thành công. Để giúp các nhà điều hành có cái nhìn tổng quan về nền kinh tế tầm nhìn 2014, Tạp chí Kinh tế và dự báo kết hợp với Viện phát triển doanh nghiệp - Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Kinh tế 2014 – CEO & Bài học đắt giá trong tiến trình phát triển DN”. Các chuyên gia đã đưa ra những nhận định và phân tích thiết thực.
Theo TS. Võ Trí Thành, năm 2013, tình hình kinh tế đất nước tuy đã có những dấu hiệu cải thiện (kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát về cơ bản được kiềm chế…) nhưng vẫn đang phải đối diện với những thách thức ngắn hạn như: nợ xấu của hệ thống ngân hàng, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, hàng tồn kho, sự trì trệ của thị trường…
Trong khi đó, đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết số DN ngừng hoạt động nay quay trở lại hoạt động trong tháng 11/2013 là 960 DN, tăng 113,3% so với tháng 10/2013 (450 DN). Tính chung 11 tháng năm 2013, con số này là 12.709 DN, nhưng nhìn chung tình hình vẫn còn khó khăn.
Dẫn lại dự báo của Ngân hàng Thế giới, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết tình hình kinh tế thế giới tuy có những khởi sắc trong năm 2014, tăng trưởng toàn cầu về cơ bản đang trên đà phục hồi, dù còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro và chưa vững chắc.
Ở góc độ kinh tế quốc tế, các cam kết FTA mới mà chúng ta tham gia với mức độ tự do hóa và chuẩn mực cao hơn, tốc độ nhanh hơn... đang đặt ra cho Việt Nam thêm thách thức mới. Không những thế, cường độ cạnh tranh cả trong nước và khu vực tăng mạnh (từ các DN FDI, các DN Trung Quốc và nhất là các nước ASEAN từ sau 2015). Đây thực sự sẽ tiếp tục là vấn đề mà DN Việt Nam phải đối mặt đề tìm phương cách thích ứng hiệu quả nhất trong quá trình phát triển.
Năm 2014, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục là phao cứu sinh của nền kinh tế
Hồi đầu năm 2013, ông Warrick Cleine, Giám đốc điều hành công ty kiểm toán quốc tế KPMG tại Việt Nam trong cuộc trao đổi về triển vọng của môi trường kinh doanh Việt đã nhận định, kinh tế Việt Nam năm 2013 bình ổn dần và sẽ phục hồi mạnh từ năm 2014.
Trong một diễn biến khác, một tờ báo đã đưa ra 8 dự báo về các khía cạnh nổi bật nhất của nền kinh tế năm 2014. Những dự báo này được đưa ra dựa trên báo cáo của các tổ chức quốc tế và trong nước như ngân hàng Thế giới, ngân hàng HSBC, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2013, công ty Chứng khoán MB, công ty Tư vấn Bất động sản Jones Lang LaSalle Vietnam.
Trước hết, tăng trưởng khiêm tốn, lạm phát cao hơn. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam năm 2014 sẽ cải thiện hơn so với năm 2013 nhưng không nhiều. Theo dự đoán của Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2013 của Việt Nam chỉ đạt 5,3% và tăng thêm chỉ 0,1 điểm phần trăm vào năm sau.
Đồng Việt Nam giảm giá trong biên độ hẹp. Việc lạm phát nhiều khả năng cao hơn trong năm sau sẽ khiến tiền đồng mất giá. Tiền đồng bị mất giá còn do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang giảm dần và tiến đến kết thúc gói nới lỏng định lượng, khiến đồng bạc xanh mạnh dần lên.
Vàng đang chịu một kết cục buồn khi rớt giá thê thảm trong năm nay. Lạm phát có cao hơn trong năm sau nhưng nhìn chung vẫn ở mức kiểm soát được (dưới 1 con số) và điều này sẽ khiến giá vàng khó tăng mạnh trở lại.
Doanh nghiệp trong nước vẫn gặp khó. Năm 2013 tiếp tục chứng kiến một lượng lớn doanh nghiệp rời cuộc chơi. Tính đến hết tháng 11.2013, đã có gần 55.000 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động, cao hơn con số của cả năm 2012 và 2011. Sức tiêu thụ của thị trường yếu, tín dụng ngân hàng bị siết chặt, khả năng cạnh tranh thấp, thị trường bất động sản chưa khởi sắc sẽ khiến doanh nghiệp trong nước tiếp tục chật vật tìm chỗ đứng.
Trong bối cảnh kinh tế trong nước tiếp tục đình trệ, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục là phao cứu sinh của nền kinh tế Việt Nam. Có thể thấy, tính đến tháng 11/2013, tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm lên tới hơn 20 tỷ USD, tăng đến 54% so với cùng kỳ năm trước. Các quốc gia đầu tư mạnh vào Việt Nam là Nhật, Singapore và Hàn Quốc.
Nợ xấu sẽ tăng chứ không giảm. Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong năm sau sẽ nhộn nhịp hơn vì nhiều lý do. Đó là tác động từ việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước khi số lượng doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa trong năm sau nhiều khả năng sẽ tăng mạnh khi Chính phủ đang tỏ ra kiên định hơn trong việc tái cấu trúc khu vực này.
Bất động sản tiếp tục đóng băng. Năm 2013 là một năm đáng buồn của thị trường bất động sản khi giá giảm liên tục. Điều này có thể sẽ tái diễn trong năm 2014 khi nguồn cung nhà tiếp tục tăng trong khi sức tiêu thụ vẫn yếu. Tuy vậy, đến cuối năm 2014, thị trường có thể sẽ khả quan hơn nhờ các hoạt động M&A cũng như sự khởi sắc của các hoạt động kinh tế.
Quản trị và nguồn nhân lực
Trở lại với Hội thảo, bà Phạm Chi Lan cũng chia sẻ về những cơ hội trong năm 2014 mà các DN Việt Nam phải nắm lấy.
Đó là việc Chính phủ quyết liệt thực hiện 3 khâu đột phá, đặc biệt về thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, điều này có thể giúp nền kinh tế dần ổn định và tăng trưởng theo hướng bền vững. Đồng thời, việc tái cơ cấu nền kinh tế tạo nên những cải thiện trong môi trường kinh doanh, phân bổ nguồn lực và chính sách khuyến khích công bằng, hiệu quả hơn. Cải thiện môi trường kinh doanh có thể đến từ các FTA mới như EPA, TPP và EU. Đây sẽ là cơ hội thương mại và thu hút đầu tư về mọi mặt cho DN Việt Nam.
Đặc biệt, sau những khó khăn của nền kinh tế vừa qua, các DN cũng đã thấy rõ được tầm quan trọng phải lượng thay đổi phương thức quản trị, nâng cao chất nguồn nhân lực để phát triển trong dài hạn.
Ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tri thức doanh nghiệp quốc tế cho rằng hơn lúc nào hết, chính vào thời điểm này, DN phải tự làm mới mình. Trong kế hoạch sử dụng vốn, phải xem phần vốn nào là vốn của mình, phần vốn nào là phải huy động thêm với đối tác. Cùng với động thái đó, DN phải hợp tác và tái cấu trúc nguồn nhân lực. Chỉ có như vậy, thách thức mới trở thành cơ hội.
Còn TS. Võ Trí Thành thì cho rằng Việt Nam đang ở thời điểm quyết định cho quá trình chuyển đổi hệ mô hình phát triển bằng việc thiết lập cơ sở nhằm vượt qua “bẫy thu nhập trung bình thấp”. Để làm được điều này cần có động lực mới cho đổi mới cũng như các nguồn lực chất lượng cho phát triển. Chìa khóa chính là củng cố lòng tin của thị trường và nhà đầu tư vào sự ổn định kinh tế vĩ mô và công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế.
Đỗ Huyền