Tham quan trưng bày Văn hóa Đông Sơn: Khám phá sự bí ẩn của nền văn hóa Việt cổ

Văn hóa- Thể thao - Ngày đăng : 13:34, 18/11/2014

Loại hình di vật được lựa chọn trưng bày đa dạng, phong phú bao gồm trống đồng, công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, nhạc cụ, đồ trang sức, đồ minh khí…

Sáng nay (18/11), tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã diễn ra lễ kỷ niệm, giới thiệu và trưng bày di sản, di vật cũng như các công trình nghiên cứu nhân dịp tròn 90 năm phát hiện và nghiên cứu Văn hóa Đông Sơn (1924 - 2014).

Toàn bộ trưng bày thể hiện theo loại hình sưu tập hiện vật, chủ yếu là các hiện vật tiêu biểu đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, Hưng Yên, Lào Cai, Nghệ An, Thanh Hóa, Yên Bái. Loại hình di vật được lựa chọn trưng bày đa dạng, phong phú bao gồm trống đồng, công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, nhạc cụ, đồ trang sức, đồ minh khí… Đây là cơ hội để nhân dân trong nước cũng như bạn bè quốc tế thêm hiểu giá trị, sự hấp dẫn và bí ẩn của nền văn hóa Đông Sơn.

Phát biểu trong buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Đoàn - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đánh giá: “Qua hàng trăm di tích cùng với khối di vật đồ sộ đã được phát hiện và nghiên cứu là minh chứng sinh động cho nguồn gốc bản địa, sự phát triển lâu dài, liên tục và trực tiếp từ các văn hóa tiền Đông Sơn (Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun) đến đỉnh cao văn hóa Đông Sơn và văn minh Đại Việt. Văn hóa Đông Sơn là cơ sở vật chất và là sự thể hiện sinh động hình ảnh Nhà nước Văn Lang - Âu  Lạc được hình thành và phát triển ở khu vực miền Bắc Việt Nam hiện nay từ khoảng hơn hai nghìn năm trước”.

Tham quan trưng bày Văn hóa Đông Sơn: Khám phá sự bí ẩn của nền văn hóa Việt cổ

Ông Nguyễn Văn Đoàn (giữa) trong họp báo kỷ niệm 90 năm phát hiện và nghiên cứu Văn hóa Đông Sơn 

Trả lời câu hỏi của báo giới về việc bảo quản các hiện vật văn hóa Đông Sơn như thế nào, ông Đoàn cũng cho biết: “Hiện nay có hơn 10.000 tài liệu hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng. Trong quá trình lưu giữ và phát huy, công việc bảo quản được đặt lên hàng đầu. Ngoài đồ đồng chiếm số lượng lớn còn có thủy tinh, gỗ, đá… Chúng tôi đưa ra từng giải pháp cho từng loại chất liệu, xây dựng thành quy trình, tiến hành bảo quản định kỳ, và qua mỗi lần trưng bày chúng tôi lại tìm tòi, định hướng để có thể đưa ra biện pháp bảo quản tối ưu phù hợp với điều kiện thời tiết nước ta”.

Tham quan trưng bày Văn hóa Đông Sơn: Khám phá sự bí ẩn của nền văn hóa Việt cổ

Tượng người cõng nhau thổi khèn bằng, khai quật tại Đông Sơn, Thanh Hóa. Bảo vật Quốc gia.

Tham quan trưng bày Văn hóa Đông Sơn: Khám phá sự bí ẩn của nền văn hóa Việt cổ

Ấm đồng, khai quật tại Đông Sơn, Thanh Hóa

Tham quan trưng bày Văn hóa Đông Sơn: Khám phá sự bí ẩn của nền văn hóa Việt cổ

Vòng tay thủy tinh

Hoạt động kỷ niệm 90 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn thu hút không chỉ sự chú ý của những người có thâm niên trong nghề mà còn rất nhiều bạn trẻ. Cô Nguyễn Thị Huệ, giảng viên gần 40 năm công tác tại Khoa Di sản Văn hóa trường Đại học Văn hóa Hà Nội đưa sinh viên đến tham gia buổi học thực tế về sưu tập, xây dựng, bảo vệ, hiện vật bảo tàng cho biết: “Đây là một buổi học thực tế rất hữu ích. Tôi đưa sinh viên đến đây để có thể thấy được thực tế của quy mô chuyên đề, giá trị của nó trong bảo tồn bảo tàng các hiện vật của văn hóa Việt Nam”.

Tham quan trưng bày Văn hóa Đông Sơn: Khám phá sự bí ẩn của nền văn hóa Việt cổ

Cô Nguyễn Thị Huệ cùng sinh viên lớp Di sản Văn hóa trường ĐH Văn hóa 

Cô cũng chia sẻ thêm: “Sinh viên tôi theo từ năm nhất đến năm nay là năm cuối, các bạn đều là những người yêu lịch sử, yêu di sản văn hóa. Việc tham quan các bảo tàng và việc bảo tàng dành cho các không gian riêng cho học sinh sinh viên như những không gian học đường đã góp phần tích cực cho công tác giáo dục lịch sử, giáo dục về di sản văn hóa.  Tôi hi vọng về lâu dài đây không chỉ là những giờ học ngoại khóa mà có thể đưa vào chương trình học bắt buộc để học sinh thêm hiểu và yêu văn hóa nước nhà”.

Bên cạnh hoạt động trưng bày sẽ diễn ra hội thảo khoa học giới thiệu nhiều tham luận với những cách tiếp cận mới, tư liệu mới, nhận thức mới về nền văn hóa Đông Sơn cũng như những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới.

Hiện vật sẽ được trưng bày trong Phòng Trưng bày chuyên đề Bảo tàng Lịch sử Quốc gia dự kiến kéo dài đến tháng 4/2015.

Cầm Dương