Hà Thành thương nhớ Tết xưa
Văn hóa- Thể thao - Ngày đăng : 20:41, 30/01/2014
Tết Hà Nội buồn, Tết giờ chỉ là cái lệ, bàng bạc, lâng lâng, có cái gì đó thiêu thiếu… không chỉ là nhận xét của những người nơi khác đến mà nó còn là tâm trạng của rất nhiều người Hà Nội “gốc”!
Nhạt nhòa thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ...
Tết giờ, những cái thể hiện một phong tục đậm đượm của Tết cổ truyền Việt và Tết Hà Nội như: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh dường như… đã biến mất. Thay vào đó, Tết của phong vị này chỉ còn trong lời kể của những người mẹ chăm chỉ, muốn con cái mình sống theo cốt cách gia phong, lễ nghi, vào những đêm 30 hay những ngày nhàn của Tết.
Hà Nội phát triển, thịt mỡ giờ người ta cũng kiêng ăn vì sợ béo phì, sợ gút và… dưa hành, một món ăn truyền thống, có giá trị cho tiêu hóa, đến nay bao nhà khoa học về dinh dưỡng vẫn chau mày rằng chả hiểu sao ngày xưa chỉ bằng kinh nghiệm của mình mà các cụ ta đã “sáng chế” ra món ăn ấy thì giờ đây đã được mang đến tận cửa. Hết cảnh những bàn tay gái đảm chọn rau dưa để về mà chuốt rửa, phơi nắng hanh của cái cữ độ cuối Đông, đầu Xuân để trổ tài muối, ghém cho chồng con ăn nữa…
Bánh chưng ư, lá, lạt cũng đã thành… dĩ vãng rồi. Bánh đã được đặt, được dịch vụ mang đến tận cửa. Chỉ cần bóc, cho lên đĩa, không được hưởng cái niềm vui gói bánh, luộc bánh rộn ràng như xưa. Để cho nhiều con trẻ giờ ăn bánh chưng đấy nhưng nếu hỏi, đố đứa nào biết bánh chưng làm từ cái gì, gồm cái gì và làm như thế nào mà thành.
Hà Nội phát triển, ngoài môi trường, lễ nghi, phong tục tập quán thì cái Tết cũng bị sự phát triển này lấy đi rất nhiều thứ. Kể cũng nhanh thật, ngược về vài chục năm trước thôi, thời gian chưa đủ “giải mã” cho một số kiếp con người mà sông hồ cũng thay đổi nhiều quá! Mấy mươi năm trước, ngày ông Tô Hoài còn phơi phới trung trẻ, cặm cụi ngồi bên ô cửa sổ vùng Nghĩa Đô “thai nghén” tác phẩm để đời “Dế mèn phiêu lưu ký” thì Tô Lịch sông còn rộng miên man. Thấy bảo ngày ấy, ngồi nhà viết văn mà ông Tô Hoài còn đón được cả những luồng gió mát từ sông Tô thốc lên, mang theo cả những mùi ngái của con nước, cá tôm và bùn phèn.
Ngày ấy, gần chỗ ông Tô Hoài ở, sông Tô Lịch mênh mang, kéo dài từ Hồ Tây xuống tận khu dưới, qua cả vùng làng Cót, làng Mọc. Sông Tô thời ấy rộng lắm, để đi lại có cả chục bến đò ngang được hình thành. Mé chếch phía Đông khu Nghĩa Đô mà ông Tô Hoài sống bây giờ còn nổi tiếng với chiếc chợ được coi là cổ nhất, tấp nập nhất; theo kiểu nhất cận thị, nhị cận giang ấy là chợ Bưởi.
Chợ Bưởi được hình thành ở nơi ngã ba do sự hợp lưu của sông Tô Lịch và sông Thiên Phù. Giờ tôi cũng chẳng biết cái sông Thiên Phù ấy nó ở đâu, biến dạng và mất tích lúc nào rồi! “Chợ Bưởi tháng họp sáu phiên. Ngày tư tháng chín cho duyên đèo bòng”, đã có rất nhiều mối tình, lương duyên được nhen nhúm từ đây, ở các phiên chợ, nhất là chợ Tết. Không chỉ là ngày tư tháng chín mà chợ Bưởi còn là phiên chợ nổi tiếng vào những độ giáp Tết.
Tết, những bến đò đông nghịt người! Tre, giang, lá, măng… đặc sản của các vùng Tây và Đông Bắc đã tụ hợp, cắt đường từ sông Cái về đây. Người chen người, chân chen chân; trẻ theo mẹ, theo già đi chợ Tết. Từ đây, mọi thứ đặc sản qua sự lựa lặm đã về với các gia đình. Gói bánh, nấu bánh bên sông Tô Lịch của các gia đình là một hình ảnh rất đỗi làng quê Việt chỉ còn thổn thức một thời với người dân Kinh kỳ Thăng Long.
Quảng An, cái phường trắng ngần những bắp chân thon của các cô thôn nữ một thời ra hồ rửa lá, đãi gạo, gói bánh giờ đây Tết truyền thống cho đúng hương vị cũng đã nhanh chóng bị các ngõ phố, các nhà cao tầng “nuốt” mất. Cái tất bật của những ngày giao thời giữa cũ và mới của một năm cũng không làm cho một vị lãnh đạo quên đi sự phát triển của phường mình. Ông cho biết: Phường tôi giờ có tới 50 quốc tịch chọn làm nơi sinh sống. Đấy là người nước ngoài thôi, chứ cụ thể mà tính thì hiện nay, cả Tây lẫn ta đã có cả trăm thứ hộ khẩu mọi vùng miền về đây.
Chẳng tự hào như lãnh đạo phường, bố ông bạn tôi, là xã viên của thời xa thẳm của Hợp tác xã có tên là Nông ngư nghiệp Toàn Thắng thì cứ chặc lưỡi: Đổ xô về mua nhà, mua đất. Mỗi người về, đem về một phong cách, “quan điểm” sống khác nhau, thế là tính cộng đồng của người gốc gác bị “phá” đi. Đường làng ngõ xóm cứ ngày bị thu hẹp thành các ngõ phố tin hin. Cuộc sống phức tạp hơn, tường rào cao và chắc hơn, lại cửa đóng then cài nữa. Khó mà làm quen, khó mà chào hỏi. Chúng tôi giờ cứ thui thủi với bốn bức tường.
Tết giờ là cái thủ tục thôi
Nói chuyện Tết, ông lại hồi cổ và tiếc nuối: Tết giờ là cái thủ tục thôi. Chả còn có thú vị và có cái Tết thực sự nữa. Mọi thứ, có tiền, ra chợ là có hết. Rồi ông lại rầu rầu chuyện của hai năm trước, ấy là khi ông định “dối già” bằng việc tổ chức cái Tết truyền thống. Nghĩa là tự mình làm lấy, tự mình lo lấy Tết cho gia đình nhân đứa trai đầu đưa vợ con đang định cư ở nước ngoài về ăn Tết.
Để cho lũ cháu Việt và lũ cháu nửa Tây nửa ta biết cái giò, đồng bánh chưng ra sao nên ông cặm cụi đi kiếm lá, kiếm lạt. Tất bật đến cả tuần giời ông mới kiếm được đôi ống giang và vài chục lá dong mạn ngược. Bố con, ông cháu tất bật rửa lá, chẻ lạt, gói bánh. Kiếm chỗ khuất tin hin còn lại sau nhà, chiều 30 ông cùng cháu con “nổi lửa” để “trông bánh chưng chờ rạng sáng”.
Lửa liếm đáy nồi, khói bếp lan tỏa, nồi bánh lục ục sôi, đang say sưa kể chuyện Tết cổ truyền cho mấy đứa cháu thì cũng là lúc chuông nhà reo. Mấy anh trật tự phường xuất hiện vì ông Tây sống cạnh bên thấy cháu con ông củi lửa ngùn ngụt mà hoảng hồn vì sợ cháy và kêu điện thoại đến phường. Chẳng phải chuyên gia về việc xử lý khói lửa, vậy nên nồi bánh của nhà ông cũng vì cái sự cố này mà chả ngon lành được. Ông bảo, giờ cuộc sống của mình là của cộng đồng rồi. Muốn cũng chả được nữa.
Xóm Hậu, cái tên man mác thân thương ấy giờ đã bị cái tên phường Dịch Vọng Hậu hiện đại choán lấy. Ngày xưa, đầu những năm 90 của thập kỷ 20 thôi, đường chạy qua khu này chưa được đặt tên là Xuân Thủy. Người ta chỉ dân dã gọi là km 8 Quốc lộ 32 thôi. Ngày ấy, từ Học viện Báo chí giờ xuống trường Đại học Ngoại thương là cả một cánh đồng mênh mông, dân chỉ độc trồng lúa nếp truyền thống để cung cấp nguyên liệu cho làng đặc sản Cốm Vòng. Ấy thế mà thoáng cái, chưa đầy 20 năm sau, giờ đã nhà cửa san sát. Những sinh viên học ở đây những năm này, tỏa đi khắp nơi công tác, giờ quay lại không còn định hình mình đang ở đâu nữa.
Lại đường phố, lại ngõ nhỏ tin hin, nhà cửa các loại san sát, sin sít lấn át cả rồi. Ruộng chả còn để trồng lúa, vậy nên Cốm Vòng, đặc sản một thời nay tìm được cũng khó. Toàn cốm “giả cầy”, “giả quốc” khoác thương hiệu làng Vòng để bán cho khách thôi.
Khu vực Thanh Trì bát ngát xa trông của cô bạn cùng học với tôi ngày nào giờ đây cũng bị cảnh phố hóa chen lấn. Đất đai qua mấy “cữ sốt” của đôi ba năm về trước đã “ăn” gần hết những ruộng rau, ruộng lúa phì nhiêu rồi. Cô bạn tôi, gia đình nề thói, bố lính mẹ giáo viên, Tết này “kiên quyết” bỏ phố lên quê chồng mãi Phú Thọ để ăn Tết. Hỏi, nó sườn sượt bảo, Tết Hà Nội giờ buồn lắm! Làng nó nay phố lắm rồi, toàn nhà lạ, người lạ thôi. Nó đưa con về trên nhà chồng, hy vọng sẽ kiếm tìm và thức tỉnh cho lũ trẻ những cái Tết truyền thống!
Tết Hà Nội buồn, phải chăng đã trở thành câu nói cửa miệng của không ít người. Họ ít bị người ta vặn vẹo để tìm nguyên cớ khi biết rằng những cái truyền thống đang mai một!