Đổi đời nhờ “thần tứ linh”- Kỳ 2: Xuyên rừng tìm "thần Kim Quy"

Xã hội - Ngày đăng : 14:04, 10/06/2015

Sau khi xác minh tin đồn là có thật, những tốp người lần lượt băng đồi, vượt suối, họ lật kỹ đến từng viên đá nhỏ, phát quang đến cả bụi rậm ven suối với mong muốn có thể tìm được “vật quý”.

Nhập hội đi săn

Nhờ sự quen biết của một ông anh ở địa phương, tôi được một chân trong nhóm thợ săn trong chuyến đi nhớ đời. Tôi bắt đầu lân la làm quen và dò hỏi lịch trình đi “săn” rùa quý. Nhóm chúng tôi gồm 5 người đều là những thanh niên khỏe mạnh và có sức bền. Mọi người cho biết không nên đi đông, chỉ 5 - 6 người là đủ, vì theo kinh nghiệm của những người lớn tuổi, loài rùa quý có thính giác và khứu giác khá nhạy, có thể phát hiện ra loài khác từ xa… Vậy nên nếu đi đông sẽ phát ra tiếng ồn bị chúng phát hiện ra và bỏ đi mất.

Đổi đời nhờ “thần tứ linh”- Kỳ 2: Xuyên rừng tìm

Một thanh niên gánh đồ vào cửa rừng chuẩn bị cho cuộc săn lùng rùa quý

Để chuyến đi có tổ chức và có tính chuyên nghiệp, sau khi hỏi ý kiến của những người cao tuổi, là những người đã có cơ hội được giáp mặt với rùa quý hoặc cũng là những người có kinh nghiệm đi rừng, chúng tôi bầu ra một đội trưởng, đó là người có kinh nghiệm đi rừng, khỏe mạnh và có tính kỷ luật cao. Công việc được phân cho từng người.

Diện như tôi thuộc “hàng thứ cấp” nên được giao cho nhiệm vụ chuẩn bị cơm nắm, muối vừng. Còn người có kinh nghiệm nhất trong đội, là người đi kiếm thức ăn làm mồi nhử: đó là các loại cây cỏ rừng, hoa quả và đặc biệt thức ăn khoái khẩu của rùa là thịt và xác động vật thối như: lòng lợn, bò, gà … Những thứ mồi bẩn này được gói kỹ trong túi ni lông. 

Ngoài ra còn chuẩn bị thêm các vật dụng như đó (được dùng để đơm cá, được đan bằng tre vót nhỏ và dây rừng) bẫy lồng rập đan bằng tre, lưới dù sợi tơ chuyên dùng để bẫy chim (loại có chiều cao từ khoảng 80 - 100cm). Ngoài ra còn một số vật dụng cần thiết cho chuyến đi rừng như dao phát cây, rựa, rìu, một ít dây thừng, đèn pin, bật lửa…

Sau khi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, nhóm chúng tôi tập trung tại nhà anh Thiên trưởng nhóm để ăn và tranh thủ nghỉ ngơi một chút, sẵn sàng cho cuộc hành trình dài ngày trong rừng. Từ khu dân cư vào đến chân của cánh rừng già, chúng tôi sẽ phải vượt qua hai quả đồi và một ngọn núi rồi mới đến được khu vực mà người ta cho là đã từng có rùa vàng xuất hiện, để tìm kiếm và chọn điểm đặt bẫy và “ngồi rình”.

Đổi đời nhờ “thần tứ linh”- Kỳ 2: Xuyên rừng tìm

Núi Ông Lắc nơi nhóm thợ săn đặt mồi nhử và bẫy để săn rùa

Xuyên rừng săn “vật quý"

Sau một ngày chuẩn bị, ai nấy tỏ ra háo hức, còn tôi thì ngấm mệt và chìm dần vào giấc ngủ. Duy nhất có anh Thiên là không ngủ, có lẽ bởi anh ấy đã quá kỳ vọng vào kết quả sau chuyến đi. Gần 3h sáng, có ai đó đập mạnh vào vai tôi, giật mình tỉnh giấc khi hãy còn ngái ngủ, tiếng đội trưởng hô to: “Cả nhóm tập trung và điểm danh, rồi ăn sáng để còn lên đường nào…!”. Sau khi đã “nạp đầy năng lượng”, ai nấy cũng đã sẵn sàng.

Đồng hồ điểm 3h30 sáng, cuộc phiêu lưu của nhóm chúng tôi bắt đầu. Sau khi trèo qua 2 quả đồi, mặt trời bắt đầu đổ bóng trên đỉnh đầu, ngọn núi Ông Chợ trước mặt. Đi hết ngọn núi này và khe nước Con Xai kéo dài chừng 8- 10 km, chúng tôi sẽ có mặt tại cửa rừng, đó là nơi cần phải đến trước khi chiều ngả bóng. Đoàn dừng lại ăn trưa và nghỉ ngơi, sau đó tiếp tục cuộc hành trình vượt núi Ông Chợ và khe nước Con Xai để đến được với khu rừng già phía trước.

Đổi đời nhờ “thần tứ linh”- Kỳ 2: Xuyên rừng tìm

Bữa ăn của nhóm đi săn

Theo đúng như kế hoạch, khi chiều bắt đầu chéo bóng, nhóm chúng tôi có mặt tại khe nước Con Xai, cả nhóm dừng lại, tắm dưới chân thác nước, nơi có các tảng đá to lớn án ngữ và gội đầu bằng lá cây rừng (đây là một loại lá cây trông giống như lá cây Vừng có chất nhựa, mùi thơm dễ chịu - PV). Anh Thiên cho biết, việc tắm bằng lá cây rừng sẽ giảm bớt mùi mồ hôi cơ thể tránh bị rùa quý phát hiện, vừa có thể phòng vắt, muỗi và các loại côn trùng khác, vừa là để hạ nhiệt.

Sau đó, nhóm chúng tôi lại tiếp tục đi bộ thêm khoảng 8km đường rừng nữa, để đến cánh rừng già ở quả núi lớn sừng sững mà các cụ già thường gọi là núi Ông Lắc. Những tán lá cây to bản và lè phè tỏa rộng ra râm mát che hết ánh sáng của mặt trời, không gian như sầm tối lại. Tôi có thể dễ dàng nghe được tiếng chim ngày một nhiều, tiếng thú rừng kêu làm náo động khắp một vùng.

Khu rừng già với nhiều cây cổ thụ, những cây trám già cao hơn 20m với đủ loại chim, sóc thi nhau chuyền cành, những quả hồng chín mọng rơi lộp độp. Đảo mắt khắp một lượt, anh Thiên (trưởng nhóm) quay lại nói: “Vào đây đi đứng cho cẩn thận, để ý rắn độc và loài rết to đó. Cảnh giác cả trên đầu và dưới chân. Buộc dây ủng lại, tất cả hãy chỉnh lại hành lý và tư trang cho cẩn thận kẻo vắt nó bò vào người đấy…”.

Để mọi người ngồi nghỉ tập trung tại một điểm, anh Thiên đi thăm dò và kiếm vị trí để đặt bẫy. Sau chừng 15 phút, anh quay lại và đưa nhóm chúng tôi đến con suối nhỏ có nước trong veo, bên dưới lòng sông toàn đá tảng bám đầy rong rêu. Hai bên bờ suối là cây cối um tùm.

Đổi đời nhờ “thần tứ linh”- Kỳ 2: Xuyên rừng tìm

Lòng và xác động vật thối được thả làm bẫy rùa vàng

“Chúng ta sẽ đặt bẫy ở đây sau đó rút về phía kia dựng lán nghỉ ngơi…!”, anh Thiên nói kèm theo cái chỉ tay về phía một tảng đá lớn. Lúc này tải mồi được đưa ra cho mọi người cắt thành từng miếng nhỏ, chúng tôi chia nhau ra đặt bẫy. Sau hơn 2h hì hục đặt bẫy trong vòng bán kính từ 1- 1,5km, nhóm chúng tôi rời khỏi nơi giăng bẫy và đi ra địa điểm cách đó chừng 5km, nơi có tảng đá lớn mà anh Thiên đã chỉ trước đó và tìm chỗ lợp lán nghỉ ngơi và nằm đợi rùa quý sập bẫy…

Bẫy rùa như thế nào

Bẫy rùa được trưởng nhóm phân ra làm 2 loại để đặt dưới nước và trên cạn. Ở dưới nước bẫy được đặt bằng đó, nhét vào bên trong rất nhiều mồi cài vào các hốc rễ cây ngâm nước hoặc các tảng đá lớn, nếu rùa chui vào ăn mồi thì nằm gọn trong bẫy, hết đường chui ra.

Bẫy trên cạn thì được đặt dọc con suối nơi có những lùm cây tiến (loại cây giống cây dương xỉ - PV). Vì theo những người có kinh nghiệm từ xa xưa truyền lại, rùa vàng rất thích những nơi ẩm ướt và các lùm cây rậm. Ở những vị trí đặt bẫy sẽ có thêm một vài điểm đặt mồi nhử rải rác dọc đường dẫn đến bẫy, sau đó đóng cọc giăng lưới hết xung quanh nếu rùa mò vào ăn mồi thì sẽ mắc vào lưới không ra được. Thịt thối còn được cho vào bẫy lồng tre (hình giáng giống bẫy chuột) sau đó đi rải khắp các bụi cây rậm rạp. 

 

Hoàng Giáp