Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam - Một thời oanh liệt

Xã hội - Ngày đăng : 14:15, 25/04/2015

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975, Ban THTWCMN đã huy động tất cả lực lượng chuyên môn theo các mũi tiến công của các cánh quân tiến vào Sài Gòn, vừa tác nghiệp, vừa tiếp quản mục tiêu được phân công.

BTHTWCMN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng và Tổ quốc giao phó trong mọi tình huống ác liệt của cuộc chiến tranh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ra đời trong khói lửa

Ngày 23/1/1961, Hội nghị lần thứ ba BCH Trung ương Đảng (Khóa III) đã quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam (TWCMN) thay thế Xứ ủy Nam Bộ. TWCMN đặt dưới sự lãnh đạo của BCH Trung ương Đảng, mà trực tiếp là Bộ Chính trị. Ngày 10/10/1961 tại Hội nghị lần thứ nhất, TWCMN đã chính thức thành lập bộ máy lãnh đạo của Trung ương Cục. Đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư, đồng chí Võ Chí Công, Phan Văn Đáng (Hai Văn) làm Phó Bí thư, các đồng chí Phạm Văn Xô, Trần Nam Trung, Phạm Phú Bường, Võ Văn Kiệt và Nguyễn Đôn là ủy viên.

Ngày 23/11/1961, Hội nghị TWCMN họp tại Mã Đà, căn cứ chiến khu D (Đồng Nai) đã quyết định thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (BTHTWCMN), để nối tiếp nhiệm vụ của Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ. Bộ Chính trị đã chỉ định đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư TW Cục kiêm Trưởng Ban BTHTWCMN, đồng chí Trần Bạch Đằng, Phó trưởng Ban Thường trực, nhà báo Tân Đức và nhà giáo Nguyễn Văn Hiếu là ủy viên. Từ năm 1963 - 1965 Thường vụ TW Cục bổ sung thêm các đồng chí Trần Trọng Tân, Tô Lâm và Tô Bửu Giám là ủy viên BTHTWCMN. Khi thành lập BTHTWCMN chỉ có khoảng 150 người, gồm 6 bộ phận, quy tụ những cán bộ, chiến sỹ thời kháng chiến chống Pháp và từ các phong trào đấu tranh yêu nước của nhân sỹ, trí thức miền Nam. Từ 1962 đến tháng 4/1975, BTHTWCMN đã phát triển lực lượng lên đến 3.700 người, hình thành thêm nhiều bộ phận và tiểu ban chuyên trách như: Bộ phận tuyên huấn II, các tiểu ban: Tuyên truyền, tổ chức, huấn học, báo chí, giáo dục, văn hóa, văn nghệ, hội họa, điện ảnh, trường Đảng, bệnh xá…

BTHTWCMN vừa thực hiện chức năng tham mưu về công tác tuyên truyền của Đảng ở miền Nam, vừa làm các nhiệm vụ chuyên môn như một bộ máy chuyên trách của chính quyền cách mạng, hoạt động vừa công khai, vừa bí mật trong lòng địch. BTHTWCMN được Đảng giao nhiệm vụ vừa theo dõi tình hình chính trị, tư tưởng, nghị quyết, đường lối đấu tranh chính trị, ngoại giao trong công cuộc đấu tranh cách mạng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng thời, vừa tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, rèn luyện về chính trị và tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và động viên, cổ vũ mọi tầng lớp, giai cấp, các giới, các dân tộc ở khắp miền Nam đứng lên đấu tranh giữ vững thành quả cách mạng, đập tan âm mưu dồn dân vào ấp chiến lược, chia rẽ lực lượng cách mạng, phá thế kìm kẹp của địch ở nông thôn; vạch trần tội ác, âm mưu quỷ quyệt của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, nâng cao giác ngộ cách mạng cho quần chúng nhân dân. Động viên toàn thể nhân dân miền Nam tiến lên tuyến đầu chống Mỹ với sự hậu thuẫn và chi viện của hậu phương miền Bắc XHCN. Kêu gọi những người yêu chuông hòa bình, công lý, dân chủ và tiến bộ trên toàn thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.

Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam - Một thời oanh liệt

Đại đội pháo cối 82mm gồm các cán bộ, nhân viên của BTHTWCMN đã nhiều lần pháo kích sân bay địch ở Thiện Ngôn

Càng ác liệt, càng trưởng thành

Được sự chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ TWC, BTHTWCMN đã chủ động sáng tạo, nghiên cứu tình hình, đề ra chủ trương, phương hướng công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng trong và ngoài Đảng, công tác văn hóa, giáo dục quần chúng; biên soạn tài liệu hướng dẫn công tác tuyên truyền cho cấp dưới; chỉ đạo nghiệp vụ cho ngành tuyên huấn các cấp, đào tạo cán bộ cơ sở. Đặc biệt, Ban đã tham mưu kịp thời, sát đúng về công tác chính trị tư tưởng trong từng giai đoạn cách mạng, nhất là những thời điểm bước ngoặt của cách mạng miền Nam: Chống chiến tranh đặc biệt, chống chiến tranh cục bộ, chống chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và cách mạng miền nam sau khi ký kết Hiệp định Pa-ri... Cán bộ là gốc của công cuộc kháng chiến. Dù địch đánh phá ác liệt, Ban vẫn xây dựng được Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc miền Nam, Trường Tuyên huấn miền Nam, đào tạo cán bộ cho Khu ủy, Tỉnh ủy, cán bộ cho ngành tuyên huấn địa phương Nam Bộ. Cuối năm 1961, ngay những ngày đầu mới thành lập, Trường Nguyễn Ái Quốc miền Nam đã khai giảng khóa đầu tiên đào tạo lý luận trung cao cấp. Hơn 80 đại biểu và 300 học viên đã về dự. Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư TWC đã chỉ đạo lớp học. Trải qua 14 năm hoạt động, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc miền Nam đã đào tạo sáu khóa với hơn 1.000 học viên. Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) với truyền thống "cần cù, dũng cảm, tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ" - "làn sóng điện không bao giờ tắt" đã liên tục phát đi những bản tin chiến thắng, những bài viết về kinh nghiệm đấu tranh của đồng bào miền Nam, cổ vũ khí thế ngày càng lớn mạnh của cách mạng miền Nam, làm nức lòng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Tạp chí Tiền Phong là tạp chí chính trị - lý luận của Đảng, mỗi tháng ra một kỳ nhằm nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ đảng viên về các chủ trương chính sách của Đảng, các kinh nghiệm chỉ đạo phong trào. Tạp chí Thời sự Nhân dân phổ biến kinh nghiệm công tác vận động quần chúng cho cán bộ cơ sở, phương thức đấu tranh ba mũi giáp công, phá ấp chiến lược giành quyền làm chủ ở nông thôn, đấu tranh chính trị ở đô thị. Báo Giải phóng ra số đầu tiên ngày 20/12/1964 liên tục nửa tháng một kỳ. Nội dung xuyên suốt là tuyên truyền, cổ vũ, khích lệ, tổ chức quần chúng nhân dân miền Nam chống Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, mở rộng mặt trận đoàn kết trong nước và tranh thủ sự đồng tình của quốc tế. Báo gửi qua đường giao liên tới các Khu ủy, Tỉnh ủy và vào tận đô thị Sài Gòn. Đài phát thanh Giải phóng chính thức phát sóng ngày 11/2/1962 và trở thành đài phát thanh cả tiếng Việt, tiếng Anh, Pháp, Quảng Đông, Triều Châu. Đài đã đóng góp quan trọng cổ vũ khích lệ quân và dân đẩy mạnh thi đua giết giặc lập công."Tìm Mỹ mà diệt, tìm ngụy mà đánh", thi đua giành danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ. Đài phát thanh Giải phóng đã phối hợp chặt chẽ với Đài phát thanh Giải phóng trên đất Bắc (CP90), do đó suốt 14 năm kháng chiến ác liệt, làn sóng điện của đài Giải Phóng vẫn truyền đi liên tục, động viên cổ vũ tinh thần đấu tranh của quân dân miền Nam. Ra đời cùng với đài phát thanh Giải Phóng, Tiểu ban Văn nghệ và Đoàn Văn công Giải phóng đã sáng tác và biểu diễn nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc cách mạng. Nhiều tác phẩm, tác giả sống mãi với thời gian. Văn học nghệ thuật giải phóng rất phong phú, ở các lĩnh vực như văn học, hội họa, điện ảnh, kịch, cải lương, múa. Thành lập 1962, Xưởng phim Giải phóng sản xuất hơn 120 phim tài liệu, phóng sự chiến tranh, tái hiện những hình ảnh hào hùng của quân dân miền Nam chống Mỹ - Ngụy. Xưởng phim Giải phóng đã đoạt sáu giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu, sáu giải Bông Sen Vàng, bốn giải Bông Sen Bạc, 12 giải quốc tế trong đó có hai Huy chương Vàng trong Liên hoan phim quốc tế tổ chức ở Liên Xô.

Bên cạnh đó, BTHTWCMN đã tham mưu và trực tiếp thực hiện nhiều hoạt động thông tin đối ngoại. Ban đã tổ chức đón tiếp nhà báo Úc, Pháp, đoàn nhà báo Liên Xô, Cuba, Ba Lan, Trung Quốc, đón đoàn làm phim tài liệu của Tòa án quốc tế Bertrand Russel điều tra tội ác chiến tranh của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, đón đoàn đồng chí Raul Valdes, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, đại sứ Cuba tại miền Nam Việt Nam (3/1969)... 

Những chiến công chói lọi

Năm 1964, Ban đã điều động 800 thanh niên từ các đơn vị thuộc Ban bổ sung vào lực lượng vũ trang, xây dựng Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 (Sư đoàn chủ lực đầu tiên của chiến trường miền Nam). Cũng năm 1964, từ căn cứ Tây Ninh, Ban đã cử nhiều đoàn xuống địa phương tuyển quân và hành quân về Thạnh Phú, Bến Tre vận chuyển vũ khí của "Đoàn tàu Không số" từ miền Bắc vào. Tháng 4/1967, quân Mỹ mở cuộc hành quân Giăng-xơn Xi-ty nhằm tiêu diệt cơ quan trọng yếu của TWC và Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, Bộ Chỉ huy Miền. Ban đã chủ động tổ chức lực lượng du kích cơ quan chiến đấu. Tại Lễ tuyên dương Dũng sỹ diệt Mỹ trong trận càn Giăng-xơn Xi-ty, BTHTWCMN là một đơn vị có thành tích cao nhất trong các cơ quan TWC, tiêu diệt hơn 100 quân Mỹ, diệt 20 xe tăng và xe bọc thép M113, hơn 40 chiến sỹ được phong tặng danh hiệu Dũng sỹ diệt cơ giới, Dũng sỹ diệt Mỹ. Lực lượng tự vệ Ban được tặng Huân chương Giải phóng hạng Nhất. Năm 1968, Ban Tổ chức lực lượng cán bộ, kỹ thuật viên, phóng viên, quay phim, họa sỹ, các đội tuyên truyền vũ trang đồng loạt tham gia trận đánh Tết Mậu Thân 1968. Đoàn cán bộ của Ban cùng các đơn vị mũi nhọn đánh vào nội thành. Cán bộ, chiến sỹ, văn nghệ sỹ của Ban cùng với các chiến sỹ quân giải phóng đã chiến đấu quả cảm, hy sinh anh dũng. Một số phóng viên và nhân viên của Báo Giải phóng xuống mặt trận Sài Gòn được bổ sung vào đội tuyên truyền võ trang Sài Gòn, đã chiến đấu dũng cảm, lập nhiều thành tích vẻ vang.

Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam - Một thời oanh liệt

 BTHTWCMN nhận danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân” trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975, Ban THTWCMN đã huy động tất cả lực lượng chuyên môn theo các mũi tiến công của các cánh quân tiến vào Sài Gòn, vừa tác nghiệp vừa tiếp quản mục tiêu được phân công. BTHTWCMN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng và Tổ quốc giao phó trong mọi tình huống ác liệt của cuộc chiến tranh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vừa công tác, vừa chiến đấu, BTHTWCMN có 548 liệt sỹ, 353 thương binh, hàng trăm Chiến sỹ thi đua, Dũng sỹ diệt Mỹ và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều cán bộ chuyên viên, nhà giáo, cán bộ khoa học kỹ thuật cấp cao và văn nghệ sĩ nổi tiếng được tặng các phần thưởng cao quý. Ba cơ quan thuộc BTHTWCMN là Thông tấn xã Giải phóng, Nhà in Trần Phú, Điện ảnh Giải phóng đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.

Thành tích của BTHTWCMN thể hiện thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng mà trực tiếp là Bộ Chính trị và TWC tại chiến trường miền Nam trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thần thánh của dân tộc Việt Nam. Mới đây, BTHTWCMN đã được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Quang Trung