“Vua” cổ vật ở xứ Mường
Xã hội - Ngày đăng : 07:10, 18/02/2015
Từ ý tưởng
Ông Bùi Thanh Bình, hiện là Giám đốc Trung tâm bảo tồn phát huy di sản văn hóa Mường, cử nhân văn hóa, nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian, dân tộc Mường. Trong giới sưu tầm cổ vật, nhiều người phong tặng ông danh hiệu “Vua cổ vật”.
Quê gốc ở xã Tân Thành, Kim Bôi, Hòa Bình, xuất thân là người Mường Động, một trong những cái nôi của văn hóa dân tộc Mường. Từ nhỏ, chàng trai trẻ Bùi Thanh Bình đã được tiếp xúc với những vật dụng mang đậm bản sắc đặc trưng của người Mường như cồng chiêng, cối giã gạo, nơm úp cá, những vật dụng săn bắt thú nguyên thủy, sơ khai…
Sau khi tốt nghiệp trường Văn hóa Nghệ thuật Quân Đội, ông Bình làm hướng dẫn viên du lịch cho Công ty cổ phần du lịch Hòa Bình, kiêm phụ trách mảng văn hóa.
Do đặc thù công việc, ông Bình thường xuyên tiếp xúc với khách du du lịch nước ngoài. Đi và đến nhiều nơi, được tiếp xúc với cả bốn vùng Mường lớn: “Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động”.
Ông Bình bên chiếc chiêng cổ
Nhớ lại khoảng thời gian tuổi thơ, ông Bình bảo thời bấy giờ, nhiều bản làng người Mường vẫn giữ nguyên được bản sắc đặc trưng của người Mường cổ. Trong những nếp nhà, không thể thiếu những vật dụng như nơm úp cá, cối giã gạo, những vật dụng săn bắt thú, dưới nền nhà nuôi nhốt trâu bò. Nhưng ngày nay, những nếp nhà văn hóa ấy đã không còn.
Ông tâm sự, khách du lịch khi đến thăm quan họ rất thích tìm hiểu, quan tâm đến di sản văn hóa của người Mường, trong khi đó, bản thân những người gốc Mường lại không nắm được những kiến thức di sản mang tính đặc trưng của dân tộc mình.
Trong những lần đi thực tế, chứng kiến những vật dụng mà bà con người Mường bỏ đi, hay những di sản quý là chiếc cồng chiêng, người dân cũng đem bán, khiến ông không khỏi tiếc nuối.
“Bản thân người dân không ý thức được đó là những di sản quý, không biết được rằng đó là những giá trị văn hóa của ông bà tổ tiên để lại”, ông Bình trăn trở khi bản thân những thế hệ người Mường quay lưng lại với di sản.
Nhận thấy những vật dụng độc đáo của người Mường ngày càng mất đi và tầng lớp con cháu sau này ngày càng xa lạ, lãng quên với những di sản, và không hiểu biết về cội nguồn. Từ đó, ông luôn đau đáu, nghĩ suy phải làm thể nào đó để khơi gợi lại di sản quý báu xa xưa đang có nguy cơ bị mai một.
Nói là làm, ông bắt tay vào sưu tầm những vật dụng thô sơ nguyên thủy của người Mường, với tâm niệm giữ gìn cho thế hệ mai sau biết được ý nghĩa những giá trị của văn hóa dân tộc mình.
Đến hiện thực
Ông Bình chia sẻ, người Mường trong hàng nghìn năm tồn tại và phát triển đã sáng tạo ra một nền văn hóa truyền thống rực rỡ, với một kho tàng văn hóa, nghệ thuật dân gian phong phú, có giá trị cao về nghệ thuật. Tuy nhiên, những di sản này bị cuốn theo dòng chảy của cơ chế thị trường, nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị mai một, và có nguy cơ mất hẳn.
Từ năm 1984, ông Bình bắt tay vào thực hiện việc sưu tầm. Tuy nhiên, công việc sưu tầm cũng không hề đơn giản, với đồng lương “ba cọc ba đồng”, ông chi tiêu tằn tiện, dành dụm đi đến những vùng sâu vùng xa, các thôn bản chỉ để mua lại các vật dụng gần như là bỏ đi của người Mường.
Có những thứ di sản đặc trưng như cồng chiêng, vốn được coi là “đặc sản” của văn hóa Mường, họ lại dùng để làm nồi, xoong, hay vứt chỏng chơ ngoài vườn, khiến ông không khỏi xót xa và chính điều đó càng thôi thúc ông theo đuổi công việc thầm lặng nhưng ý nghĩa này.
Mỗi lần đặt chân đến các bản làng, ông đều dành thời gian tập trung vào việc sưu tầm những vật dụng của người Mường, có những hiện vật quý mà bà con Mường có ý định bán đi, ông lại mò mẫm lặn lội mua cho bằng được.
Trong một lần dẫn đoàn khách du lịch nước ngoài, ông Bình tình cờ phát hiện được một cổ vật có giá trị vô cùng thiêng liêng của một gia đình ở Mường Vang. Đó là một cái chiện chứa con dấu của quan Lang xứ Mường xưa, điều khiến ông Bình dằn vặt là thứ đồ quý lại được gia chủ dùng làm đồ chơi cho con trẻ. Thấy ông đặt vấn đề hỏi mua lại chiếc chiện, giả chủ cười vì nghĩ ông nói đùa, nhưng cuối cùng lại không đồng ý bán.
Phải dăm lần bảy lượt, ghé qua, mỗi lần đến ông đều nâng niu, ngắm chiếc chiện cổ đó và sau cả tháng trời, thấy ông khách lạ mê đồ vật trẻ con, chủ nhà gặng hỏi ông mới tâm sự thành thật là mua về để trưng bày chứ không phải để bán. Lúc này, chủ nhà không một chút lưỡng lự mà tặng ngay cho ông. Chiếc chiện cổ là một báu vật vô giá mà ông Bình đã dành nhiều thời gian và phải có duyên mới sưu tầm được.
Mang cho phóng viên xem chiếc chiện cổ, ông Bình hồ hởi: "Đó là một con chiện duy nhất còn sót lại của người Mường Vang có cách đây hàng nghìn năm, nằm trong địa bàn văn hóa nổi tiếng của người Mường. Sở dĩ người Mường có câu “Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động”, là để nói về sự trù phú, tươi đẹp và cuộc sống văn hóa truyền thống phong phú của người Mường".
Chiếc chiện cổ, báu vật của quan lang Mường duy nhất còn sót lại được ông Bình lưu giữ
Xuyên suốt cuộc hành trình sưu tầm cổ vật, mỗi lần đến các bản làng, ông lại tìm tòi, hỏi người nọ, dặn người kia. Có dạo không còn tiền, ông phải bán tất cả những đồ có giá trị trong người để mua những đồ mà người khác bỏ đi, thậm chí có những cái chủ nhà mang nhóm bếp như cái nơm úp cá, cái bẫy thú thô sơ nguyên thủy vứt bừa bãi, ông cũng đến xin mua về.
Kho cổ vật vô giá
Hơn 30 năm sưu tầm, bảo tồn và ấp ủ nhưng mãi đến năm 2012, ông Bình mới quyết định thành lập khu bảo tàng tư nhân để làm nơi trưng bày những hiện vật mang nhiều nét đặc trưng của người Mường cổ.
Khu đất trưng bày những cổ vật được mua lại của người dân bản địa, nằm nhấp nhô trên một quả đồi, với tổng diện tích trên 4 nghìn mét vuông, ông đã tôn tạo làm nơi trưng bày bộ sưu tập đồ sộ với trên 5000 hiện vật.
Nhà Lang Mường, nơi trưng bày hàng nghìn cổ vật giá trị
Theo ông Bình, mỗi một hiện vật đều có một giá trị văn hóa riêng, mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng.
Khu bảo tàng của ông Bình được thiết kế, bố trí bài bản như một hình ảnh sống động của người Mường xưa. Toàn bộ khu trưng bày kho cổ vật Mường là nơi tổng hợp các hiện vật, cổ vật, các nghề truyền thống, trong đó, nhà trưng bày chuyên đề về quan Lang xứ Mường với các vật dụng gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của các nhà Lang.
Đặc biệt, nơi trưng bày chuyên đề về chiêng Mường gồm các loại cồng chiêng, dòng chiêng Mường với tổng số trên 100 chiếc, ngoài ra còn chiếc chiêng cổ lớn nhất, có đường kính 70 cm, đồng thời, đây cũng là nơi truyền dạy, tập đánh các bài chiêng Mường truyền thống.
Ông Bình cho hay, di sản văn hóa người Mường không thể tách rời với đồ đá, đồ đồng, đồ gốm sứ, đồ đan lát...những thứ vốn luôn gắn với văn hóa tín ngưỡng và văn hóa truyền thống.
Mong muốn lưu giữ và để lại một giá trị di sản Mường cho nhân loại, ông đã trưng bày toàn bộ di sản ngay trên chính ngôi nhà của mình để lưu giữ lại một nét văn hóa không thể mất của người Mường xưa.