Người đàn ông cả đời "đi rước của nợ về nhà"
Xã hội - Ngày đăng : 05:35, 11/12/2014
Cánh cửa không bao giờ đóng
Căn nhà 3 gian cấp 4 ở thôn Văn Giáp, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội nằm nép mình bên những dãy nhà cao tầng. Nơi hiện đang có 2 con nghiện tá túc, với mong muốn ông lang Hiệp giúp mình thoát khỏi cái chết trắng. Ông Hiệp cho biết, những con nghiện tìm đến ông thuộc nhiều thành phần trong xã hội, từ trí thức cho tới nông dân, từ người lương thiện lỡ sa chân vào con đường tội lỗi, cho tới phường giang hồ, thảo gấu.
Họ đa phần đã trải qua vài lần cai nghiện ở các trung tâm, nhưng chỉ sau một thời gian ra ngoài lại tái nghiện, do không đủ bản lĩnh trước sự cám dỗ của ma túy. Vì thế, những người tới nhờ ông cai nghiện đều thuộc dạng có "thâm niên" làm bạn với nàng tiên nâu. Một điều đặc biệt là, ngoài quy định về giờ giấc ăn, ngủ, uống thuốc thì những con nghiện không phải chiụ bất cứ sự quản lý nào. Đó là lý do vì sao cánh cửa nhà ông Hiệp không đóng bao giờ.
Ông lang Hiệp và những bức tâm thư của những người đã được ông cai nghiện thành công
Hơn 10 năm tiếp xúc với con nghiện ông Hiệp thấu hiểu một điều, đã là con người thì ai cũng có phút lầm lỡ, ngoài những lúc vật vã, có thể làm liều, làm điều trái lương tâm, những lúc tỉnh táo, họ hoàn toàn nhận thức được việc nghiện ngập sẽ khiến gia đình khuynh gia bại sản, tan đàn xẻ nghé.
Thế nhưng, đường về với cái thiện đâu có phải lúc nào cũng trải hoa hồng. Cách đây vài năm có trường hợp tìm đến ông Hiệp nhờ cai nghiện, nhưng ở được vài ngày thì anh này tự ý bỏ trốn ra ngoài đi tìm mua ma túy. Sau khi đã lên mây với nàng tiên nâu anh ta quay về, ông Hiệp nhất định không nhận lại, dù anh này đã hết lời van xin, hứa hẹn. Chỉ đến khi người vợ trẻ ôm theo đứa con trai hơn một tuổi, vượt hàng trăm cây số đến cậy nhờ, ông mới chịu nhận lời.
Sau đận đó, anh ta không dám bỏ ra ngoài tìm đến ma túy nữa, mà ngoan ngoãn ở lại nhà ông Hiệp đúng 20 ngày để cai nghiện. Đến khi anh này thờ ơ với ma túy, cũng là lúc ông Hiệp thở phào nhẹ nhõm "y như con tằm nhả tơ vậy", ông Hiệp chia sẻ.
Ông Hiệp bảo, mọi sự ép buộc với người nghiện đều là vô nghĩa. “Đến người thân ép buộc còn chẳng được, huống hồ là một người dưng như tôi. Thế nên, tất cả những người đến cai nghiện ở đây đều phải tự nguyện, tôi sẽ không ép buộc gì cả. Điều quan trọng nhất, là người nghiện phải tự nhận thức được và cho mình một cơ hội làm lại từ đầu. Ngoài ra, bằng bài thuốc đông y của mình, tôi luôn sẵn lòng giúp họ bất cứ khi nào”, ông Hiệp chia sẻ.
Bắt đầu nhận người đến nhà cai nghiện từ năm 2004, ông Hiệp đã lĩnh đủ tai tiếng, nào là gàn dở, hâm hấp, người ta còn đặt cho ông biệt danh “người đi rước của nợ về nhà”…Thế nhưng, với sự nhiệt tình, tâm huyết của mình ông bỏ ngoài tai tất cả. Không chỉ có vậy, có thời điểm, chính vợ và các con của ông cũng kịch liệt phản đối việc ông đưa người nghiện về nhà, nhưng ông nhất quyết không từ bỏ.
Vậy là "trời không chịu đất, thì đất chịu trời", ông vẫn làm cái việc mà ông cho là đúng, mặc ai can ngăn, phản đối hay nói lời miệt thị. Hằng ngày, ông vẫn hái những vị thuốc đông y trồng ở sau vườn để bào chế thuốc cho người nghiện uống, chẳng màng đến những lợi danh ngoài cánh cổng.
Tiếng lành đồn xa, người nghiện đến nhà ông cai tháng sau nhiều hơn tháng trước, gần có, xa có. Đỉnh điểm, có lúc ông tiếp nhận hơn chục người nghiện đến cai. Đi kèm mỗi con nghiện là một người nhà tới chăm sóc cũng đều tá túc tại nhà ông.
Ngoài việc tự học kết hợp với những kinh nghiệm về đông y có từ nhiều năm nay, ông Hiệp còn tiếp tục theo học một lớp đông y ở nội thành Hà Nội nhằm nâng cao trình độ, để giúp người nghiện bớt vật vã trong quá trình cai. Ông nói rằng, cánh cửa nhà ông không bao giờ đóng để đón những người nghiện và rồi lại mở ra để họ trở về với gia đình, bắt đầu một cuộc sống mới.
Giờ đây, khi đã ở tuổi xế chiều, điều khiến ông vui nhất bây giờ chính là các con đã trưởng thành, có công việc tạo ra thu nhập ổn định và những con nghiện lần lượt từ bỏ được ma túy.
Đường về thênh thang
Ông Hiệp nói rằng, bí quyết cai nghiện thành công, đó là bản thân những người nghiện phải nhận thức được và tự cho mình một cơ hội
Trong số 370 con nghiện đến nhờ ông Hiệp cai nghiện, thì đại đa số đều có những hoàn cảnh bi ai. Họ tìm đến ông khi đã vào bước đường cùng. Sau nhiều năm, nàng tiên nâu đã khiến họ trắng tay, thứ duy nhất họ có được, đó chính là quyết tâm đoạn tuyệt với nó.
Cách đây hơn 20 năm về trước, anh Nguyễn Văn B. (45 tuổi) ở Thạch Thất, Hà Nội vốn là một trai làng hiền lành, chân chất nên được mọi người quý mến. Nhưng, quê anh vốn là nơi "chó ăn đá, gà ăn sỏi" nên sau khi lập gia đình, anh B. quyết định khăn gói quả mướp theo đám bạn lên vùng lục khu, tỉnh Cao Bằng làm phu vàng, những mong cuộc sống gia đình vơi bớt phần khó khăn. Dù không nỡ xa chồng, nhưng vì cuộc sống, vì tương lai, người vợ trẻ đành cắn môi, cố nén để tiếng khóc không thành lời khi tiễn chồng ra bến xe lên miền "đất hứa".
Một tháng trôi đi, rồi một năm, hai năm…những lần anh B. gửi tiền về cho vợ cứ thưa dần theo thời gian rồi ngừng hẳn. “Ở trên đó rừng núi thâm u, cả năm không được ra khỏi bãi vàng, chúng tôi phải làm việc quần quật trong khi thường xuyên phải chịu đói, khát. Nhiều người đã bỏ mạng tại bãi vàng, có người còn chết mất xác. Vì quá sợ hãi, tôi đã nhiều lần bỏ trốn, nhưng không thoát khỏi tai mắt của bọn cai vàng. Chán nản, người đi sau theo người đi trước, dính vào ma túy như một cái kết buồn cho ước mơ đổi đời ở bãi vàng, nơi rừng thiêng nước độc. Được chủ bãi vàng trả công đồng nào, thì tôi nướng vào ma túy đồng đó”, anh B. nhớ lại thời gian đen tối của cuộc đời.
Sau đó, một kế hoạch tẩu thoát của các phu vàng được vạch ra. Lần này, may mắn đã mỉn cười với anh, khi anh trốn thoát khỏi sự truy đuổi của bọn cai bãi vàng về được nhà. Nhưng, cũng từ đây, gia đình anh gặp nhiều sóng gió, thời gian vui vẻ, sum vầy thì ít mà chia ly, buồn tủi chiếm phần nhiều.
Sau một thời gian giấu vợ con, mang đồ đạc trong nhà đi bán lấy tiền chích ma túy, anh bị phát hiện trong một lần vật vã vì thiếu thuốc. Thời gian đầu, anh còn ngượng ngùng, e sợ, sau đó thì công khai việc nghiện ngập, rồi như bị con ma rừng điều khiển, anh thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với vợ khi chị ngăn không cho anh mang đồ đi bán.
Cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn, nay lại thêm phần túng bấn. Hai cô con gái của anh, mới tí tuổi đầu đã đứt học giữa đường, phải đi làm thuê lấy tiền giúp mẹ trang trải cuộc sống. Tính từ ngày anh B. về cho tới giờ vợ, con anh phải sống chạy ăn từng bữa toát mồ hôi hơn 10 năm nay. Khi không chịu nổi cảnh khổ, vợ anh đã viết đơn ly hôn, dù anh B. tỏ ra ăn năn và quyết không ký, nhưng vợ anh vẫn quyết ra đi.
Căn nhà mái bằng anh tự xây bằng tiền vay mượn của người thân, bạn bè để chuộc lỗi với vợ, con bỗng trở nên hoang tàn, trống vắng. Vợ bỏ đi đâu anh B. không biết, còn 2 cô con gái lên Hà Nội làm thuê cho công ty may, anh nhiều đêm vắt tay lên trán, nước mắt tràn mi.
Anh B. tâm sự: “Giá như tôi bản lĩnh hơn, thì đâu uổng công vợ đưa đi cai nghiện 3 lần mà vẫn tái nghiện”. “Lần nay, tôi quyết tâm cai nghiện bằng được. Tôi được bạn bè mách đến nhà "bố Hiệp" để cai nghiện. Tôi đến đây được 15 ngày rồi, giờ không còn cảm giác thèm thuốc nữa. Bây giờ có đặt ma túy trước mặt, tôi cũng không thèm. Khi bỏ được ma túy rồi, tôi sẽ đi tìm vợ về, chăm chỉ làm ăn, tôi sẽ cho hai con gái đi học lại”, anh B. mường tượng về một tương lai không ma túy - Đường về nghĩ sao mà thênh thang quá!.
Cũng giống tâm trạng vui mừng của anh B. khi thoát khỏi cái chết trắng, rất nhiều con nghiện đã làm thơ, viết tâm thư bày tỏ sự biết ơn đối với "bố Hiệp". Ông Hiệp tự hào mang cho tôi xem những bức ảnh chụp gia đình của những người đã từng được ông cai nghiện thành công, rồi với nụ cười hiền hậu toát lên sự ấm áp tận tâm hồn: “Tôi mãi chấp nhận là người đi rước của nợ về nhà!”.