Truyền kỳ về một lễ hội nơi biên ải
Xã hội - Ngày đăng : 04:30, 03/12/2014
Điều đó được thể hiện qua nhiều lễ hội như: Lễ rước thần để tưởng nhớ người có công khai bản; Lễ cầu mưa để mong mưa thuận gió hòa; Lễ tế trời đất là lễ hội cúng giỗ cha mẹ, cầu mong mối giao hòa giữa trời đất với con người, giữa thần bản mệnh với muôn dân.
Nhưng đặc sắc nhất trong các lễ hội của người Lô Lô nơi biên ải phải kể đến Lễ hội rước đuốc nhằm ôn lại chiến thắng của cha ông với kẻ xâm lấn, cầu mong hòa bình, yên ấm, được diễn ra từ 24-26/9 âm lịch hàng năm.
Những nét văn hóa độc đáo
Tiến sĩ Lò Giàng Páo, một người con ưu tú của dân tộc Lô Lô (Phó Viện trưởng Viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc), chia sẻ: Mặc dù đã trải qua nhiều biến đổi của lịch sử, những lễ hội của tộc người Lô Lô vẫn tồn tại cùng năm tháng dưới nhiều hình thức khác nhau. Lễ hội là một loại hình sinh hoạt tập thể sau những vụ mùa thu hoạch hoặc những dịp để quần chúng tìm đến một niềm tin nào đó: Những khát vọng chiến thắng (như lễ rước đuốc), ôn lại truyền thống (lễ rước thần), ngưỡng mộ tổ tiên, giải tỏa những lo âu và những ước mơ mà cuộc sống thực tại chưa giải quyết được.
Thông qua các lễ hội trong năm, người ta tìm thấy những điển hình của tâm lý cộng đồng, văn hóa tộc người, những quan niệm của dân tộc trước thực tế lịch sử, xã hội và thiên nhiên; những ước mơ, nguyện vọng cao đẹp, những lý tưởng thẩm mỹ và đạo đức ngàn đời của dân tộc. Xem các lễ hội của người Lô Lô ở các vùng, chúng ta thấy nội dung của lễ hội vừa có tính hiện thực, vừa có tính lãng mạn và bay bổng được thể hiện rõ trong dân ca. Trong lễ hội, người dân vừa là người hưởng thụ nhưng cũng là những người sáng tạo văn hóa, là chủ nhân thực sự của đời sống văn hóa do chính mình tạo ra.
Một góc bản làng Lô Lô ở Sủng Là
Đặc trưng của văn hoá dân tộc Lô Lô được thể hiện rất phong phú và đa dạng qua các hình thức sinh hoạt: Ăn, ở, đi lại, chữa bệnh, các nghi lễ, lễ hội, trong chu kỳ của một đời người như lễ sinh nhật, lễ cúng thổ thần, lễ cầu mưa, lễ rước đuốc, lễ tế trời, đất, các lễ chung cho cả đồng tộc giao lưu với nhau hàng năm. Mỗi loại lễ đều nói lên gốc nguồn thông qua các sự tích với các cốt truyện bằng lời kể hay bằng thơ, phản ánh những ước mơ và khát vọng hoà đồng với thiên để cải tạo thiên nhiên, phục vụ cuộc sống con người. Đồng thời, phản ánh giữa cái thiện và cái ác về khả năng chống chọi với thiên nhiên, với thú dữ, với kẻ thù để bảo vệ quê hương, bản quán, bảo vệ sự sinh tồn của cộng đồng dân tộc.
Một trong những phần không thể thiếu trong các lễ hội của người Lô Lô là những lời ca, tiếng hát, nó đã góp phần bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách, đạo đức, lối sống cho con người. Tâm hồn dân tộc bắt nguồn từ tình cảm gia đình, làng xóm, bạn bè… từ đạo lý sống, từ hành vi ứng xử giữa người với người, giữa con người với thiên nhiên, đất trời và vũ trụ. “Hỡi những người Lô Lô cổ/Và Clao già ở đất này/Đã phát rẫy làm nương/Đã khai thiên lập địa/Sinh ra mảnh đất đầu tiên/Sinh ra Các hang/Đẻ ra các động…”. Bài cúng lễ truyền thống của người Lô Lô được người già khấn đọc suốt một ngày dài. Khi mặt trời lên ngang đèo, bài cúng kể chuyện người già Lô Lô cổ đưa con cháu men theo rông đá tìm xuống mảnh đất lành phương Nam trú ngụ. Lúc mặt trời đứng bóng, lời thầy cúng gửi lời khấn nguyện của dân bản tới thổ thần, trời đất, cửa làng… Và, tới lúc hoàng hôn khuất rặng pơmu trên đỉnh núi Rồng, ấy là khi bài khấn “Rước đuốc” được xưng tụng bằng giọng kể hân hoan, đầy tự hào về chiến công của người Lô Lô ngàn năm trước đã mưu trí, dũng cảm chiến thắng quân thù.
Sự tích về Lễ rước đuốc
Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hùng Đình Quý, "người con rể quý" của dân tộc Lô Lô cho biết, theo truyền thuyết, trước đây, vùng đất tổ của dân tộc này bị một dân tộc khác tới xâm lược. Chúng tàn sát người Lô Lô, bắt một số người làm nô lệ và đuổi những người khác phiêu dạt tới các vùng núi xa xôi, hiểm trở. Trước kẻ thù chung, dân tộc Lô Lô đã đoàn kết và lập mưu chống trả kẻ thù. Họ thắp nến trên những cặp sừng của hàng trăm con dê, bò rồi xua chúng chạy toán loạn khắp các đỉnh đồi và rừng cây. Quân địch lầm tưởng có hàng trăm ngàn binh mã tới tấn công đã hoang mang hoảng sợ rồi tháo chạy. Thừa dịp đó, người Lô Lô đã xông lên truy kích, đánh thắng 99 trận và đuổi chúng ra khỏi bờ cõi của mình.
Các dân tộc anh em nghe tin người Lô Lô thắng trận đã tổ chức cho 99 người ngồi trên lưng ngựa, ôm 99 ngọn đuốc và chuyển động, múa tạo hình thành 99 con rồng lửa chào mừng thắng lợi. Từ đó về sau, cứ đến cuối tháng 9 âm lịch, bà con dân tộc Lô Lô lại long trọng tổ chức lễ rước đuốc trong ba ngày. Dù là người Lô Lô hoa (Rồng Mể), Lô Lô đen (Nhằng Kò), Lô Lô trắng (Mà Tấy), Lô Lô Xín Cái (Mà Rà), Lô Lô Mèo Vạc (Và Tà), Lô Lô Bảo Lạc - Bảo Lâm (Khế Tố), dù đang sống ở Mèo Vạc, Đồng Văn, Bắc Mê ( Hà Giang) hay Bảo Lâm, Bảo Lạc (Cao Bằng), Mường Khương (Lào Cai)… thì đây vẫn được coi là một trong các lễ hội chính của dân tộc này và được các thế hệ người Lô Lô trân trọng, giữ gìn như một chuẩn mực ứng xử của cả cộng đồng.
Nét duyên thầm của thiếu nữ Lô Lô
Trong ba ngày diễn ra lễ hội thì ngày thứ nhất, bà con sẽ cùng nhau mổ thịt gia súc để ăn bữa cơm đoàn kết và đốt đuốc. Sang ngày thứ hai, những trai tài, gái đảm của bản sẽ tham gia thi đấu bò, đấu vật, đua ngựa và ca hát, diễn những trò vui. Ngày thứ ba là dành để chúc mừng cho những người chiến thắng, chúc một năm an hoà, thịnh vượng. Các trò chơi truyền thống đều mang màu sắc quân sự và ý nghĩa khích lệ mọi tầng lớp nhân dân Lô Lô không kể trẻ già, trai gái cùng tham gia với tâm thế đầy tự hào của một tộc người chiến thắng
Là một trong những chủ nhân của quốc gia Nam Chiếu cổ đại (Vương quốc Nam Chiếu cổ là vương quốc của người Bạch và người Di đã phát triển rực rỡ ở Đông Nam Á trong các thế kỷ 8 và thế kỷ 9. Vương quốc nằm trong khu vực tỉnh Vân Nam ngày nay của Trung Quốc), tự hào là những chủ nhân đầu tiên của vùng đất cực Bắc này, trong ba ngày hội vui, người Lô Lô cũng đem những chiếc trống cổ có niên đại hàng ngàn năm cùng những vũ điệu nguyên sơ ra để trình diễn như một phức điệu đẹp của núi rừng, của lời mừng chiến thắng và cùng cầu mong cho mọi gia đình hạnh phúc, mạnh khỏe... Những cặp trống đồng này có nguồn gốc từ trống đồng Đông Sơn được truyền từ đời này qua đời khác như bảo vật của bản làng.
Trong ba ngày hội, những ngọn đuốc luôn được thắp sáng trong đêm. Giữa những bản làng nhấp nhô quanh triền đá, hàng trăm ngọn đuốc như những đám lân tinh lấp lánh sáng. Lấp lánh như đôi mắt cười vui của những cô gái Lô Lô đang mải cài khăn, quấn váy tham dự trò đấu võ chọn mỹ nữ của những người trai giỏi trong bản. Lấp lánh sáng trên nụ cười của những thiếu nữ Mông bản bạn. “Dù không có 99 người ngựa xếp hàng và múa tạo hình thành 99 con rồng lửa như cha ông thủa trước, nhưng người Lô Lô nhìn ánh sáng từ ngọn đuốc mà thêm phấn chấn, thêm tin tưởng vào sức mạnh của tình đoàn kết và sức mạnh của chính nghĩa”, bà Lò Thị Mỷ, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn đã nói với chúng tôi như vậy.
Truyền lại đến muôn đời
Ngoài các hoạt động tập thể như ca hát, nhảy múa và thi đấu thể thao ra, thì hoạt động được coi là quan trọng nhất là bài khấn của “Lễ rước đuốc” được thầy cúng đọc bằng tiếng Lô Lô cổ trong buổi lễ cúng. Bài khấn đã được Tiến sĩ Lò Giàng Páo dịch sang tiếng Việt với lời khấn mộc mạc mà đầy nhân văn: “… Hỡi những người anh em/Đất tổ bị dày xéo/Nỗi nhục tính sao đây/Nóng lòng như lửa đốt/Hỡi ông bà tổ tiên/Hãy phù hộ con cháu/Phép lạ cho muôn người/Đuổi lũ giặc cướp đất/Cuối cùng tìm ra kế/Thắp nến gắn vào sừng/Những chú bò, chú dê/Để đánh lừa kẻ địch…”.
Điều đáng ghi nhận là hầu hết bà con đều thuộc lòng bài khấn và thuộc câu truyện mang huyền tích lịch sử của dân tộc mình. Những ngày hội, bà con hát qua đêm sang ngày, hát từ sớm mai tới khi mặt trời xuống núi. “Chuyện xa rồi ngày ấy/Nạn giặc cướp đất mình/Dồn dân ta lên núi/Dồn người mình vào hang/Hun khói ớt ngoài cửa/Không lối nào để thoát/Bỏ xác nơi hang cùng/Chết treo trên đỉnh núi…”. Lời hát của họ kể về nỗi khổ bị quân giặc xâm lược, rồi chuyển sang ca ngợi các chiến binh dũng cảm giải phóng quê hương. Họ hát cho nhau nghe về truyền thống giữ đất, giữ bản và tình đoàn kết, về chiến thắng của dân tộc mình trước kẻ thù xâm lược: “ … Quân giặc đang thua to/Hỡi tất cả quân sỹ/Hãy tiến lên đánh đuổi/Đánh đến cùng mới thôi…”.
Trên biên cương cực Bắc hôm nay, lễ hội rước đuốc vẫn thường được tổ chức linh đình và nhịp trống vẫn vang lên rộn rã. Nếu tiếng trống năm xưa dùng để báo tin giặc giã, ngọn nến năm xưa lập mưu đánh đuổi kẻ thù thì ngọn đuốc hôm nay là niềm vui chiến thắng, tiếng trống đang vang lên lúc này là một nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Lô Lô. Tiếng trống thay cho lời hứa quyết tâm giữ gìn mảnh đất cha ông để lại. Quyết tâm của một dân tộc chiến thắng!