800 ngày lưu lạc của cô bé người Mông
Xã hội - Ngày đăng : 14:01, 17/10/2014
Sập bẫy “mẹ mìn”
Không chịu nổi cuộc sống khổ cực, lại bị kẻ xấu dụ dỗ, cuối năm 2010, vợ anh Thào A Hừ (44 tuổi, người dân tộc Mông ở xã Pa Cheo, huyện Bát Xát, Lào Cai) quyết định ôm hai đứa con nhỏ, để lại ba đứa con lớn cho chồng rồi vượt biên sang Trung Quốc, với hy vọng sẽ có được một cuộc sống giàu sang, an nhàn nơi đất khách. Sợ vợ mình có thể bị lừa bán, anh Hừ đã đi vay mượn tiền bạc, lặn lội sang phía bên kia biên giới để tìm kiếm. Không thông thuộc địa hình, lại bất đồng ngôn ngữ nên chuyện anh Hừ tìm vợ chẳng khác nào mò kim đáy bể. Khi vợ cùng hai đứa con nhỏ vẫn “bóng chim tăm cá” thì đến khoảng tháng 3/2011, đứa con gái lớn của anh Hừ là Thào Thị P cũng đột ngột mất tích.
P lúc đó mới 14 tuổi, đang theo học Trường THCS Pa Cheo. Vì nhà nghèo, mẹ lại bỏ đi nên đầu năm 2011, P bỏ học giữa chừng. Trong đầu của P luôn ấp ủ là sẽ đi tìm mẹ. Một buổi chiều giữa tháng 3/2011, khi P đang làm cỏ lúa trên nương thì có một phụ nữ trung niên, dáng người đậm đến bắt chuyện. Người đó kể rằng biết chỗ ở của mẹ và em P bên Trung Quốc. Bà ta còn ngỏ ý, nếu P muốn sang thăm mẹ, thăm em thì bà ta sẽ giúp. Đang khát khao được gặp mẹ, P như người “chết đuối vớ được cọc”, em đồng ý theo người đàn bà lạ mà không hề mảy may suy tính.
Mấy hôm sau, theo lời hẹn, P hỏi thăm đường rồi đi nhờ ra bờ sông Hồng ngồi đợi. Khoảng gần 30 phút sau thì người phụ nữ đó đi thuyền từ phía bên kia biên giới qua đón. Sang đến Trung Quốc, P được đưa đến một ngôi nhà nằm sâu trong nội địa, tại đây, P gặp được em ruột của mình trong niềm vui khôn tả. Khi P hỏi sao không thấy mẹ ở đó thì người phụ nữ kia nói, mẹ em đang đi làm nương rất xa, không về được.
Cha con Thào A Hừ - Thào Thị P trong niềm vui đoàn tụ
Cũng chỉ ở chơi với em được một đêm, sáng hôm sau, P tiếp tục được người phụ nữ kia đưa đi ra bắt ôtô, nói là lên nương tìm mẹ. Không mảy may nghi ngờ, P theo chân bà ta mà không biết mình sắp sửa bị mang đi bán. Người đàn bà đó đã bán P cho một đôi vợ chồng người Trung Quốc. Theo P kể thì em được cặp vợ chồng đó đối xử tương đối tốt. Họ chỉ sai em làm các việc lặt vặt trong nhà như rửa bát, quét nhà, nhặt cỏ vườn…
Thế nhưng, P cũng chỉ làm giúp việc cho đôi vợ chồng đó được chừng ba tháng. Sau đó, em lại bị người ta đưa đi bằng ôtô liền 3 ngày, 4 đêm đến một nơi toàn đồi núi, rồi bán cho hai người đàn ông và một người phụ nữ. P được đưa về ngôi nhà hai tầng, em bị giam trong một căn phòng đóng kín rộng hơn chục m2. Hằng ngày, cứ đến bữa, P được một người phụ nữ mang cơm vào, còn mọi việc như vệ sinh cá nhân của em đều diễn ra ở cái chòi làm ngoài vườn và có người canh gác.
Tuy không hiểu ngôn ngữ nhưng P cũng lờ mờ nhận ra rằng, em sẽ phải lấy một trong số hai người đàn ông kia làm chồng. Nghĩ đến viễn cảnh sẽ không bao giờ được gặp lại bố mẹ, người thân, không bao giờ trở về Pa Cheo được nữa, P sợ hãi tột cùng. Từ đó, lúc nào em cũng nung nấu ý định phải bỏ trốn cho bằng được. Khoảng một tuần sau, lợi dụng sự sơ hở của những kẻ buôn người, P đã bỏ trốn trong lúc đi vệ sinh. Suốt cả ngày hôm đó, em chỉ biết chạy và chạy, không cần biết mình đang đi về đâu, miễn càng xa bọn buôn người càng tốt.
Trên đường chạy trốn, P gặp một số người dân địa phương tốt bụng, họ cho em ăn, uống và thông báo cho Công an Trung Quốc giúp đỡ. Vì không biết tiếng Kinh nhiều, chỉ giao tiếp bằng tiếng Mông nên sau khi ở đồn Công an được một ngày, P được phía Công an địa phương đưa vào Viện Dưỡng lão ở thị trấn Phủ Tỉnh, huyện Thẩm Khưu, tỉnh Hà Nam.
Hạnh phúc ngày trở về
Kể từ khi được đưa vào Viện Dưỡng lão, mặc dù chưa quen với môi trường sống mới, thế nhưng, nhờ sự đùm bọc, thương yêu của các bác, các bà ở đây, P dần dần hòa nhập, bớt đi cảm giác sợ hãi, không còn cảm giác bị săn đuổi. Hằng ngày, P được ăn bánh bao như mọi người, được tạo điều kiện cho đi học tiếng Trung Quốc. Sợ P bị lạc, Viện Dưỡng lão đã cử người đưa, đón em đi học.
Một thời gian ngắn sau, nhờ học được một số câu giao tiếp đơn giản bằng tiếng Trung, P có thể nói chuyện với những người trong Viện. Khi cơ quan Công an Trung Quốc hỏi muốn ở lại hay trở về Việt Nam, em một mực nói muốn được về quê hương, bởi nhớ nhà, nhớ bố và các anh, chị, em. Tháng 5/2013, truyền hình Trung Quốc phát bản tin về một bé gái Việt Nam khoảng 12 - 14 tuổi bị lạc và đang sống trong Viện Dưỡng lão ở tỉnh Hà Nam. Một doanh nhân người Việt đang kinh doanh ở tỉnh Chiết Giang đã liên lạc với đài truyền hình để tìm hiểu thông tin. Khi biết hoàn cảnh và nguyện vọng của cô bé, vị doanh nhân này đã liên hệ với một số cơ quan truyền thông Việt Nam, bày tỏ mong muốn giúp em được về đoàn tụ cùng gia đình.
Sau khi về Việt Nam, P được sống và học tập tại Nhà Nhân ái Lào Cai
Sau đó, người ta đã yêu cầu P ghi tên cha, mẹ, địa chỉ của gia đình mình ra giấy. Hai mẩu giấy viết bằng tiếng Việt sai chính tả khá nhiều được tung lên mạng internet, nhờ vậy mà các cơ quan truyền thông của Việt Nam đã lần tìm được chính xác địa chỉ, quê quán và thân nhân của P. Hai tháng sau, nhờ sự giúp đỡ tích cực của các cơ quan truyền thông và các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng như của Trung Quốc, ngày 17/7/2013, P đã được đưa tới Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) để bàn giao cho phía Việt Nam.
Ông Lý A Dong, Phó Chủ tịch UBND xã Pa Cheo (Bát Xát), người trực tiếp đi đón P cho biết: Nhận được thông tin từ phía cơ quan chức năng, sáng 17/7/2013, phía Công an Trung Quốc sẽ trao trả P cho Việt Nam để đoàn tụ cùng gia đình. Song, vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, ông Hừ đã được Phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện Bát Xát cùng cán bộ địa phương giúp đỡ việc đi lại, ăn, ở trong những ngày đi đón con.
Ngày 17/7/2013, P được đưa tới Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, chính thức được trở về với gia đình, chấm dứt hơn 800 ngày lưu lạc nơi đất khách. Gặp lại sau hơn hai năm xa cách, cha con P ôm lấy nhau khóc nức nở. Những giọt nước mắt rơi trên khuôn mặt chai sạm của anh Hừ cùng những tiếng nấc nghẹn ngào không thành lời của P khiến nhiều người chứng kiến cảm thấy xúc động. Dọc đường về trụ sở của Bộ đội biên phòng, anh Hừ không giấu nổi nỗi vui mừng, anh bảo: “Tôi tưởng đã mất đứa con này rồi chứ, ai ngờ nó lại được trở về và khỏe mạnh thế này”.
Sau khi về Việt Nam, P đã nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp, các ngành, các cơ quan đoàn thể của huyện Bát Xát cũng như của tỉnh Lào Cai. Em được đưa đi khám sức khỏe, được đưa vào sống và học nghề, học văn hóa ở Nhà Nhân ái - nơi nhận hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về. Ở đây, P được các cô, các bạn giúp đỡ, động viên tận tình nên em hòa nhập rất nhanh, bớt sợ hãi. P tâm sự: "Trước hết, em muốn được học văn hóa, sau đó học nghề để có tương lai tốt đẹp hơn”.
Câu chuyện của Thào Thị P cũng phản ánh một thực trạng đã và đang tồn tại ở một số xã, huyện vùng cao biên giới Việt Nam. Đó là tình trạng lừa bán phụ nữ và trẻ em qua bên kia biên giới. Trong mấy năm gần đây, hoạt động của tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em tập trung ở địa bàn các tuyến biên giới đường bộ, đặc biệt phức tạp tại 6 tỉnh biên giới Việt - Trung. Nạn nhân không chỉ là phụ nữ quá lứa, lỡ thì, văn hoá thấp… mà học sinh, sinh viên, trẻ em nam, con em gia đình khá giả cũng bị lừa bán.
Đặc biệt nổi lên từ năm 2008 đến nay, ở biên giới các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu đã bắt đầu xuất hiện tình trạng buôn bán nam giới (chủ yếu để bóc lột sức lao động). Thiết nghĩ, việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, tuyên truyền để ngăn ngừa phòng, chống loại tội phạm buôn bán người này không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng biên phòng, Công an mà còn là nhiệm vụ chung của toàn xã hội.