Người Si La nơi cuối trời Tây Bắc

Xã hội - Ngày đăng : 14:27, 06/06/2014

Trong 54 dân tộc anh em, Si La được xem như là một trong những dân tộc bé nhỏ nhất với số dân chưa đến 1.000 người. Cuộc sống khắc nghiệt nơi núi cao, rừng thẳm đã có lúc đẩy họ đến bờ vực suy thoái giống nòi.

Thế nhưng, dưới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chung tay của cộng đồng, cuộc sống của đồng bào Si La đang ngày một tốt đẹp hơn. 

 

Và, dẫu nhỏ bé, nhưng những “người anh em” ấy cũng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ an ninh Tổ quốc. Những giá trị văn hoá bao đời của họ được lưu giữ và phục dựng, dệt thêm gấm hoa cho bức tranh văn hoá đa sắc màu của đất nước. Họ mãi là một bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam…

 

Lặng lẽ bên rừng Chung Chải

 

Khi chúng tôi tìm đến người anh em Si La nơi góc trời Tây Bắc, cũng vừa lúc bắt đầu mùa mưa. Trên những bãi ruộng, nước đã về và bà con đang chuẩn bị bước vào vụ cấy. Trung tá Trần Đức Long, cán bộ Đồn biên phòng Leng Shu Shìn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, Điện Biên nói với chúng tôi rằng, không như người Kinh, người Thái biết trồng lúa nước từ hàng nghìn năm trước, người Si La mới quen với cái cày, con trâu và trồng cây lúa nước từ khoảng chục năm nay. Đó là cũng nhờ những mùa vụ trước, Bộ đội biên phòng đã khai hoang, dạy bà con cày bừa, cấy hái, hướng dẫn cho bà con cách chăm sóc cải tạo đất, cách chọn giống, bón phân. Đến nay, bà con đã biết làm lúa hai vụ, đã biết làm thủy lợi dẫn nước về đồng. 

 

Người Si La nơi cuối trời Tây Bắc

 Một góc Can Hồ

 

Người Si La thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến và phần lớn sinh sống ở Lào. Người Si La kể rằng, khoảng gần 150 năm trước, các dòng họ Pờ, Hù, Lỳ, Giàng bên dòng Nậm U nước Lào di cư về phía Đông. Vào đến đất Việt, người Si La men theo sông Nậm Mức về sinh sống ven cánh rừng nguyên sinh phía Tây Bắc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Theo thống kê, trước năm 2005, người  Si La ở Việt Nam sinh sống chủ yếu tại ba bản: Seo Hay, Sì Thâu Chải và Nậm Sin, dân số có chưa tới 1.000 người nhưng có tới 80% tỷ lệ hộ đói nghèo, cứ 10 người thì có một người bướu cổ, 73% trẻ em bị suy dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ sơ sinh bị tử vong chiếm tới 10%. Do sinh sống biệt lập, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết diễn ra phổ biến nên nguy cơ suy giảm giống nòi của dân tộc Si La luôn hiển hiện. 

 

Nói về những cái khó khăn, vất vả của đồng bào, bộ đội biên phòng là người hiểu rõ nhất. Nói về cái đói, cái nghèo trước đây thì người già nhớ nhất. Vợ chồng ông Lỳ Chà Che và bà Hù Cố Bá lấy nhau từ khi 14-15 tuổi, nhà cửa khi đó dựng tạm bằng tre nứa, lợp bằng lá cây, phát được mảnh nương, chọc lỗ trên đất, gieo hạt lúa xuống thì phó mặc cho trời, 8-9 tháng sau mới có hạt thóc để ăn, con cái đẻ ra thì tự trông nhau mà lớn, đói quá thì ra suối bắt cá hoặc vào rừng hái măng để ăn. Bà Hù Cố Bá thành thật: “Ngày xưa, chúng tôi lấy nhau, lúc ấy khổ lắm. Nhà ít người nên phải đẻ nhiều, đẻ nhiều nhưng cũng mất nhiều, không nuôi được. Hai vợ chồng cứ phát rừng, làm nương, đói quá thì đào củ măng, củ mài, hái rau ăn. Ngày xưa đói lắm, không nhớ hết mà kể…”.

 

Những ngày khó nhọc đó chỉ còn trong ký ức của bà mà thế hệ sau chỉ còn nghe kể lại. Được sự hỗ trợ của Chính phủ, từ năm 2005, tỉnh Điện Biên triển khai Dự án hỗ trợ phát triển dân tộc Si La, tạo tiền đề để bản Nậm Sin thay da đổi thịt. Dù chỉ có hơn 40 hộ dân nhưng bản được đầu tư xây dựng một con đường riêng về tận xã, nhiều hộ gia đình được hỗ trợ làm nhà ba cứng, bà con được tập huấn các mô hình sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt…

 

Được Nhà nước hỗ trợ nhiều trong một thời gian ngắn đã làm một bộ phận người dân nảy sinh tâm lý trông chờ, ỷ lại. Năm 2011, cả bản có 200 nhân khẩu thì có đến 20 người mắc nghiện, tình hình an ninh trật tự và an ninh biên giới trở nên phức tạp. Để nhanh chóng ổn định tình hình và giúp bà con khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Điện Biên đã cử Trung tá Trần Đức Long sang làm Phó Bí thư Đảng ủy xã. Đồng thời, cử một đội công tác tăng cường về bám dân, giúp dân phát huy tối đa những hiệu quả mà dự án đã mở ra. 

Với hạ tầng sẵn có, cán bộ nông nghiệp thì hướng dẫn thời vụ, tập huấn kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh và dịch hại cũng như lựa chọn con giống, vật nuôi cho phù hợp với từng hộ gia đình; bộ đội giúp bà con sửa sang chuồng trại, ruộng vườn, làm sạch môi trường, tổ chức khám chữa bệnh, phát thuốc cho bà con. Sau hai năm, Nậm Sin đã có những thay đổi rõ rệt ngay cả trong nếp tư duy cũng như sinh hoạt của người dân: Đường làng ngõ xóm phong quang, bệnh ở người, bệnh gia súc không phải mời thầy cúng nữa. Theo ông Hù Chà Thái, Chủ tịch UBMTTQ xã Chung Chải, trước đây thì bà con chưa va chạm xã hội, chưa giáo dục khoa học kỹ thuật được nên còn nghèo đói, đến giờ phút này thì bà con đã am hiểu về xã hội, được bộ đội biên phòng hướng dẫn nên đời sống bà con bây giờ cũng đã có người giàu lên và người có mức sống trung bình.

 

Khát vọng hồi sinh

 

Từ Nậm Sin, chúng tôi đi ngược về phía Lai Châu để tiếp tục đến với bản Seo Hay, xã Can Hồ, huyện Mường Nhé, tỉnh Lai Châu. Vượt qua cây cầu bắc ngang sông Đà, chúng tôi đã được ông Hù Chà Khao, Trưởng tộc họ Hù của người Si La đích thân ra tiếp đón. Lối vào bản vẫn còn nguyên vẹn chiếc cổng được người Si La dựng cho lễ cúng bản từ hồi đầu tháng hai. Ông Hù Chà Khao tự hào cho biết, chiếc cổng này được những người đàn ông Si La dựng lên mỗi năm nhằm đem lại sự tốt lành, may mắn, mùa màng bội thu cho cả bản. Trên khung cửa gỗ, ngoài các phên mắt cáo ngăn điều dữ, người Si La còn bó lá dong riềng, bện cỏ tranh, móc mắt xích nan tre cùng hàng loạt các loại gươm, dao, tên, súng bằng gỗ trang trí khắp xung quanh. Ông Hù Chà Khao cho biết, khi làm lễ cúng bản thì chỉ có đàn ông Si La được phép tham dự. Đồ tế lễ gồm chó vàng và gà ác. Tiết của vật hiến sinh tưới lên các biểu tượng này. Sau đó, đầu của các con vật sẽ được chôn dưới cổng để ngăn trừ điều dữ bước vào trong bản. 

 

Ở Seo Hay, nhà cửa truyền thống của người Si La mà chúng tôi bắt gặp là những ngôi nhà trệt được làm bốn mái, hai gian, hai chái và chỉ có một cửa ra vào gọi là “lớ cớ”. Khung nhà được làm bằng gỗ, mái bằng khung tre với các bức vách được thưng bằng gỗ, hoặc phên đan bằng nứa. Nhiều nhà có treo “Plạ” - một hình thức bùa kiêng giống “ta leo”. Đặc biệt, ở người Si La, nhà nào có hai cửa thì đó chính là nhà của trưởng họ tộc. 

 

Người Si La theo chế độ phụ hệ nên người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi. Theo luật tục, khi nhà có khách, phụ nữ Si La không được phép ăn cơm cùng mâm trên nhà. Trang phục của họ cũng có rất nhiều điều lý thú. Chiếc áo bó thân màu đen có những đường chỉ màu thêu nổi, cúc cài nách và được trang trí thêm hàng chục đồng tiền xu trước ngực áo, tạo nên một nét đặc trưng thật nổi bật. Gần đây, phụ nữ Si La còn khâu thêm các đường vải ở ống tay và gấu áo. Riêng thiếu nữ chưa chồng thì đội khăn trắng với vải ghép màu đỏ. Còn phụ nữ có chồng phải vấn khăn đen hoặc xanh có hình hai múi sừng. Có lẽ chính bởi cách búi tóc này mà người Si La có câu hát rằng: “Khi con sâu chít chưa lớn, anh để cho con sâu chít nó lớn. Khi mái tóc em chưa dài, anh đợi đến khi mái tóc em dài. Tóc em dài đủ bới nên sừng. Để anh cưới em làm vợ…”. 

 

Trong không gian rừng núi bên dòng Đà giang thẳm dốc, điệu múa sơn cước của các thiếu phụ Si La tha thướt, dịu dàng, đong đầy nét duyên một thủa. Nhìn điệu múa đắm say ấy, tôi tự hỏi: Liệu đây có phải là những bước chân thiên di khi vượt ngàn băng núi với ước vọng về một miền đất trái ngọt, cây lành còn đang ở trước mặt đợi chờ? Ngoài điệu múa “Chò trì si a”, tạm dịch là “khăn thêu”, người Si La còn gìn giữ một số điệu múa trong các lễ hội như cầu mùa, vào mùa với các động tác mô phỏng hiện tượng thiên nhiên hay trong lao động và có sự giao thoa, cùng ảnh hưởng lớn từ các dân tộc xung quanh như Hà Nhì, Thái, Mông…

 

“Này các chị em ơi. Hãy cùng đi phát nương. Để ta còn đốt nhé. Rồi tra hạt, làm cỏ. Cho mùa năm nay nhiều. Cho năm tới nhiều hơn. Cho đời ta no ấm…”. Ông Hù Chà Khao vừa hát vừa đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng mới cấy bên sườn dốc sông Đà. 64 hộ dân nơi đây chỉ sống nhờ hai vụ lúa, một vụ bắp trên 7ha ruộng này. Ước mơ no ấm trong câu dân ca ngày nào giờ vẫn còn thấm đẫm trong từng lời nói của ông Hù Chà Khao khi kể cho chúng tôi về những ngày mừng cơm mới.

 

Những ngày đó, ngoài các lễ vật như sóc, cua, cá, dưa, gừng, khoai sọ được chuẩn bị hiến tế, người Si La còn gặt trước lúa chín về hong khô, giã gạo làm cơm mới. Dù lễ cơm mới chỉ tổ chức trong nhà trưởng họ nhưng thực chất lại mang tính chất và quy mô của cả cộng đồng. Và khi ấy, người Si La vui say bất tận trong điệu múa, lời ca. Cuộc sống như vừa mới bắt đầu. Trong suy nghĩ của những người khách lạ như chúng tôi, Si La, những con người nhỏ bé với ước mơ bình thường mà khát vọng sinh tồn lại mãnh liệt như dòng Đà giang bên nhà ngày đêm cuồn cuộn thác lũ. 

Vân Phạm