Hồi ức của sĩ quan vượt Trường Sơn về Nam bộ kháng chiến

Xã hội - Ngày đăng : 08:32, 01/05/2014

Hồi ức về con đường Trường Sơn huyền thoại vốn dĩ rất sâu sắc với những người đã từng qua đó, nhưng với những sĩ quan đầu tiên thuộc Đoàn B500 làm nhiệm vụ vượt Trường Sơn đó là danh dự, niềm tự hào to lớn.

Hồi ức của ông Trần Tuấn Sĩ, nguyên Chánh tòa Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP Hồ Chí Minh, một thành viên của đoàn cũng đã nói lên điều này... 

Đoàn B500 gồm 25 người con miền Nam tập kết ra Bắc được lựa chọn kỹ lưỡng. Đó là những đảng viên, sĩ quan, cán bộ đã trải qua thực tế chiến đấu ở chiến trường Nam bộ trong thời kỳ chống Pháp, có thành tích, đã trải qua đào tạo căn cơ ở miền Bắc, có sức khỏe, không có gia đình, vợ con và người yêu ở miền Bắc, đặc biệt là hoàn toàn tự nguyện. Tất cả đều bí mật, ai đã chấp nhận đi rồi thì không được tiết lộ cho bất cứ ai và không còn được trở về thăm đơn vị cũ. Đây sẽ là những cán bộ nòng cốt để xây dựng, tổ chức lực lượng chiến đấu khi vào đến miền Nam. Vì thế, trước khi lên đường, họ được đào tạo các nghiệp vụ chiến trường như sử dụng các loại súng, lái các loại xe, các kỹ năng về điện đài, cách bí mật chụp, rửa hình, tài liệu của địch, học cách mở các loại khóa, võ thuật và kỹ thuật đặc công để có thể đáp ứng nhiều nhiệm vụ kể cả hoạt động tình báo ở nội thành khi vào tới Nam bộ.

Háo hức mong ngày về

Thời điểm ấy, sự háo hức trở về miền Nam luôn thôi thúc trong mỗi con tim. Từ ngày tập trung, trải qua hơn ba tháng học tập và chuẩn bị mà không nghe nói gì về chuyện đi đứng, lại còn nghe nói địch ban hành đạo luật 10/59 lê máy chém đi khắp miền Nam, mọi người ai cũng hết sức sốt ruột. Vì vậy, mỗi khi anh Trần Văn Trà hoặc anh Phạm Hùng đến thăm hỏi, động viên, anh em trong đoàn lại hỏi: “Tại sao chưa đi?”, “Chừng nào đi được?”.

Thế rồi, ngày ấy cũng đến. Khuya 25/12/1959, Đoàn B500 bắt đầu hành trình vượt Trường Sơn dù khi ấy đường chưa thông. Mọi người lên xe ngồi với toàn bộ hành trang. Xe bắt đầu lăn bánh, không ai thốt một lời nào. Động cơ xe cứ liên hồi phát lên tiếng rồ rồ. Gió bên ngoài không ngừng rít bám sát theo xe. Không khí im lặng nhưng không ai ngủ được. Đối với tôi, đó là những giờ phút rất thiêng liêng… sau khi dừng chân tại Làng Ho (Quảng Bình), Đoàn B500 bắt đầu cuộc hành quân bộ len lỏi trong những cánh rừng rậm rạp trên Trường Sơn bạt ngàn, hùng vĩ. Vất vả, gian khổ, đói cơm rách áo và những lần giáp mặt với quân thù cũng lần lượt vượt qua trong sự thương yêu đoàn kết, dựa vào dân, dựa vào cơ sở như lời Bác dặn trước lúc lên đường. Đến Thừa Thiên vào tháng 2/1960, Đoàn dừng lại ăn Tết. Nói là ăn tết chứ chủ yếu là để nghỉ chân và cũng là để có thời gian mở radio nghe tin tức, nghe văn nghệ của Đài tiếng nói Việt Nam. Tuy nhiên, để có hương vị Tết, Đoàn cũng nhờ anh em trạm giao liên mua giùm một ít đậu, nếp để gói bánh tét và phân công người thức canh chừng nấu. Tuy mỗi người chỉ được một khoanh bánh thôi nhưng cũng có ý nghĩa. Nói là ba ngày Tết, song mọi người trong đoàn chỉ nghỉ vỏn vẹn hai ngày là phải hành quân tiếp.

Hồi ức của sĩ quan vượt Trường Sơn về Nam bộ kháng chiến

Lãnh đạo TANDTC chụp ảnh lưu niệm cùng các cán bộ hưu trí (ông Trần Tuấn Sỹ đứng thư ba hàng trên từ phải sang)

Cuộc chiến với vắt

Dẫu trên lưng, trên vai trĩu nặng hành trang nhưng đi được một thời gian thì chúng tôi quen dần với gió mưa, đường dốc. Cái nhọc nhằn hằng ngày mà chúng tôi phải đối mặt là không thể nào thoát khỏi loài vắt. Vắt đen ngóc đầu bò lổm nghổm trên mặt đất, vắt xanh uốn mình thi nhau chuyền trên lá cây để bám vào người đi đường. Chúng với đỉa là họ hàng với nhau. Khi thì một con, lúc thì hai, ba con. Nếu đứng lại chốc lát, vắt bò ra bám vào thì gỡ mệt nghỉ. Vào mùa mưa hành quân rất cực vì mặt đường trơn, vừa cực vì nhiều vắt đeo bám. Chúng bám vào bàn chân rồi chui vào bên trong. Nếu mặc quần dài thì chúng chui lên tới háng lúc nào không biết. Thậm chí, vắt còn bò vào nách hoặc lên tới cổ. Chúng hút máu đến khi nào cái bụng phình to mới chịu nhả ra. Đến lúc đó, nơi vắt cắn máu cứ tiếp tục trào ra do khi cắn vắt có tiết ra chất chống đông máu. Chính vì vậy khi phát hiện máu chảy xuống tới bàn chân, ống quyển hoặc máu thấm đỏ quần áo mới biết mình đã bị vắt cắn tự bao giờ. Lúc đó, đang mang nặng nên việc phải vội vã, loay hoay cầm máu chổ vắt cắn cũng đã thấy mệt rồi, chưa kể bị mất nhiều máu trong khi ăn uống kham khổ, sức khỏe sa xút nghiêm trọng. Có thể nói, những ai vượt Trường Sơn từ năm 1959 đến gần cuối năm 1969, tức thời kỳ sơ khai của việc xoi mở đường Trường Sơn mới thấy chống vắt thật sự là một cuộc chiến, mới thấy tài chống vắt của anh em dân tộc thiểu số làm nhiệm vụ giao liên. Nếu phát hiện vắt bám vào chân này thì họ dùng lòng bàn chân kia gạt vắt xuống ngay. Hoặc, họ dùng một miếng tre vót mỏng giống như một lưỡi dao để gạt vắt. Lúc đầu, các thành viên Đoàn B500 cứ mỗi lần bị vắt cắn là lúi húi cúi xuống, ngẩn lên để gỡ nên mất nhiều công sức và thời gian. Về sau, anh em có sáng kiến là mặc quần đùi trong lúc hành quân để dễ phát hiện nếu bị vắt bám vào chân và mang theo ống đựng nước bồ hòn để chấm cho vắt nhả ra. Nước này nếu có thêm muối hoặc xà bông thì càng tốt. Khi đã có cách trị vắt hiệu quả, chúng tôi hầu như phải giữ tốc độ, đi 50 phút nghỉ 10 phút rồi vội vàng tiếp bước.

Làm thầy thuốc chữa bệnh bất đắc dĩ

Chiều rừng núi Tây Nguyên sắp tàn ánh nắng, một anh tên Vinh về đơn vị nghiêm nét mặt nói với chúng tôi ở buôn có một cháu nhỏ mắc bệnh nhưng chưa biết bệnh gì, cháu bị sốt liên tục, ho hoài không ăn được cơm đã hai ngày nay. Vì những ngày tập kết ra Bắc, sáng thứ bảy hàng tuần tôi đều được y tá đại đội hướng dẫn cách phòng những bệnh thông thường như tiêu chảy, sốt rét, sưng phổi, cảm cúm, v.v… nhất là chú trọng đến bệnh viêm phổi khi có triệu chứng sốt cao, ho nhiều nên khi nghe anh Vinh nói vậy, tôi loại trừ bệnh sốt rét, bởi bệnh này là có cơn rõ rệt. Mà ở vùng cao thì vào ban đêm, khí hậu thường rất lạnh, trẻ con ở đây không được giữ ấm cẩn thận nên dễ bị viêm đường hô hấp. Tôi mang theo 4 viên Sulfamide bỏ vào giấy gói lại, rồi cùng anh Vinh xuống buôn. Vào tới nơi, tôi thấy một người đàn ông trạc ngoài năm mươi, thân hình vạm vỡ, vận khố ngồi bên bếp lữa cầm một cọng lá dừa đã thắt hình con rít, đập nhè nhẹ trên thân người cháu nhỏ miệng lẩm nhẩm đọc gì đó không rõ. Tôi không can ngăn cha đứa nhỏ làm bùa phép. Tôi đưa cho ông ấy bốn viên thuốc và nhờ anh Vinh bảo cho đứa nhỏ uống ngay một viên, còn lại 3 viên thì để dành cho đứa nhỏ mỗi sáng uống một viên trong ba ngày kế tiếp. Đồng thời, tôi nói anh Vinh bảo cha cháu nấu cháo đập trứng gà bỏ vào cho đứa nhỏ ăn lấy sức. Trên đường về, tôi dặn anh Vinh tranh thủ đến thăm chừng cháu để nếu bệnh tình không được cải thiện thì tìm cách khác giải quyết kịp thời. Điều đó không những vì tình người, tình nghĩa đồng bào với nhau mà còn vì tình quân dân nữa. Một tuần sau, trong lúc đi theo một chiến sỹ trẻ của đơn vị ra rẫy bẻ bắp tình cờ tôi gặp lại cha cháu bé. Tôi chưa kịp hỏi thì ông báo cho tôi biết là con của ông đã hết bệnh, đi lại được rồi. Ông ngỏ lời biếu tôi một con heo. Tôi lắc đầu từ chối bảo ông cứ để con heo đó mà nuôi tiếp, rồi đem bán lấy tiền mua vải cho con mặc. Ông đứng lặng thinh. Đối với đồng bào dân tộc ở núi rừng Tây Nguyên, thời điểm đó, thuốc đem lại tác dụng cho họ rất nhanh, bởi có mấy khi họ được khám bệnh và cho thuốc điều trị. Đó cũng là một may mắn đối với người hoàn toàn không phải là thầy thuốc như tôi.

Sau hơn 1 năm vượt Trường Sơn, những sĩ quan đầu tiên từ miền Bắc đã về tới miền Nam ruột thịt. Cùng với lực lượng ở các chiến khu, các cán bộ, sĩ quan Đoàn B500 được phân công xây dựng lực lượng kháng chiến, những đơn vị quân đội chủ lực dần được hình thành, góp phần quan trọng trong thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Nói về chiến công của những sĩ quan đầu tiên vượt Trường Sơn, Thượng tướng Trần Văn Trà đã viết: “Vinh dự biết bao, các thành viên Đoàn B500 là những người con mở cửa, đột phá vào chiến trường khói lửa đành rồi, nhưng quan trọng hơn là đột phá quyết định chi viện miền Nam bằng cái vốn quý: cán bộ chiến đấu. Các đồng chí xứng đáng là những đứa con tin yêu của Đảng”. Đặc biệt ông nhấn mạnh: “Sau các đồng chí có hàng ngàn, hàng vạn con người xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, có cả những quân đoàn đạp lên xác thù vào thêm sức cho quân dân miền Nam về giải phóng Sài Gòn, tiếng tăm vang dội mà ai cũng biết. Nhưng ít người biết được sự việc âm thầm, cực nhọc mà cao cả của hai mươi lăm người về chuyến đi đầu này cũng như anh em khai phá mở đường”.

Quang Trung (ghi)