Xung quanh chuyện làm từ thiện của vợ chồng doanh nhân Huỳnh Uy Dũng (kỳ 2)

Xã hội - Ngày đăng : 11:06, 04/01/2014

Khi bà Nguyễn Phương Hằng trải lòng những trăn trở về hành động làm từ thiện hàng trăm tỉ đã làm rất nhiều người xúc động. Cũng từ đó, nhiều người mới vỡ ra rằng, muốn làm từ thiện nhiều khi cũng không đơn giản gì.

Sự thổi phồng của dư luận đôi khi khiến những hành động vốn là nghĩa cử đẹp lại bị khoác tấm áo tầm thường bởi thị phi. Hy vọng rằng năm mới 2014, những điều phiền muộn sẽ qua, bình an sẽ đến, không chỉ cho bà Hằng và gia đình mà còn cho tất cả mọi người…

Kỳ 2: Chỉ có tình thương mới tồn tại mãi mãi…

Trong đầm gì đẹp bằng sen

Bà Hằng được biết đến là một doanh nhân giỏi trên thương trường. Từ năm 25 tuổi, bà đã bắt đầu bước vào thương trường, kiếm những đồng tiền đầu tiên bằng việc kinh doanh bất động sản. Ban đầu, tuy vốn liếng không có nhiều, nhưng bằng sự nhanh nhạy nắm bắt thị trường, một chút nhạy cảm của phụ nữ và cả những may mắn, bà Hằng gặt hái không ít thành công. Với bà, thành công nhiều hay ít chứ chưa một lần bà gặp thất bại. Nhất là khi bà gặp và nên duyên với doanh nhân Huỳnh Uy Dũng, một sự kết hợp như cá gặp nước khiến cho công việc làm ăn của cả hai ngày một thuận lợi. Với bà, ông Huỳnh Uy Dũng không chỉ là một người chồng, một người cha trong gia đình, ông còn là tri kỷ, là trượng phu trong lòng bà. Không ít lần bà khẳng định, chỉ có cái chết mới chia lìa được bà và người đàn ông của cuộc đời bà.

Xung quanh chuyện làm từ thiện của vợ chồng doanh nhân Huỳnh Uy Dũng (kỳ 2)

Đền thờ trong Khu du lịch Đại Nam

Được biết ở thời điểm trước và sau khi ông Trần Uy Dũng chia tay người vợ đầu để đến với bà Hằng, chính bà đã trải qua khoảng thời gian “khủng hoảng tinh thần trầm trọng” bởi khi đó, rất nhiều luồng dư luận bủa vây bà. Hiểu và thông cảm cũng có nhưng chỉ là số ít, đa phần mọi người lên án, chửi rủa, coi bà như một tội đồ. Thậm chí, có người dù không hề biết mặt và cũng chẳng liên quan nhưng cũng vẫn mạnh miệng “kết án”, đòi bà phải chết... Họ vu oan bà là Kim Anh, vợ bé Năm Cam và rải thông tin khắp nơi để sỉ nhục bà và gia đình, nhằm mục đích bà sẽ bỏ cuộc. Nhưng, tình yêu vốn không có tội. Khi hai con tim của bà và ông Dũng đã cùng chung nhịp đập, đã hướng đến nhau thì việc ông Dũng chia tay vợ để đến với bà âu cũng là việc cần làm. Ít nhất, ông Dũng đã không dối lừa người vợ đầu ấp tay gối với mình, ông đã rất sòng phẳng với chuyện tình cảm, để tránh sự tổn thương không đáng có cho cả hai người phụ nữ, một ông đã từng yêu thương gắn bó và một là người ông đang yêu và muốn gắn bó đến hết phần đời còn lại.

Là một người phụ nữ, một người vợ, một người mẹ, sau nhiều sóng gió cuộc đời và nhất là sau những biến động không đáng có của một năm qua, bà Hằng thấy mình tĩnh tại hơn khi ngồi nhìn lại. Bà bảo, bà yêu hoa và đặc biệt là loài hoa sen. Loài hoa thật kỳ lạ. Vươn lên từ bùn lầy, nhưng lại toát ra vẻ thanh tao đến lạ kỳ, với một mùi hương không nồng nàn như hoa đại, không quyến rũ như hoa hồng mà chỉ nhẹ nhàng dịu thoảng mà làm nao lòng người. Mấy ai đứng trước hoa sen mà lòng không tĩnh lại?

"Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng
Nhị vàng, bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".

Xung quanh chuyện làm từ thiện của vợ chồng doanh nhân Huỳnh Uy Dũng (kỳ 2)

Mọi người chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa sen trong Khu du lịch Đại Nam

Hoa sen tượng trưng cho cái uy dũng bất khuất của người quân tử, khước từ bóng đêm, biết giữ cho mình tinh sạch giữa chốn bùn nhơ. Trong vùi dập của cuộc đời, hoa sen vẫn thản nhiên tỏa hương thanh khiết như con người giác ngộ. Giữa chốn hồng trần với muôn vàn ô trọc và lợi danh, hoa sen vẫn bình thản giữ lấy thanh cao. Chính vì vậy, hoa sen còn là biểu tượng của nhà Phật, luôn hướng tới sự từ bi hỉ xả. Khi đã ngộ ra thì cũng chính là lúc thấy tâm hồn mình nhẹ lại, thanh thản tự tại với đời. Bởi chính bà và gia đình cũng là những đệ tử của nhà Phật, bằng thiện tâm của mình mà làm rạng danh thêm sự nhiệm màu của giáo lý nhà Phật. Câu chuyện về hoa sen như một lời tự răn, hãy sống thanh cao dù giữa chốn bùn đen, tự nhiên hương sẽ tỏa. Chính vì tâm niệm đó mà giờ đây, bà và chồng càng thanh thản khi quyết định mở cửa Đại Nam để mọi người được chiêm bái như một món quà từ tâm góp sức cho đời.

Vạn sự tùy duyên, như hoa ưu đàm nở trong đá

Gia đình bà Hằng là một trong những gia đình phật tử có thiên duyên lĩnh hội được những thâm thúy sâu xa nhất của giáo lý nhà Phật, chính vì vậy mà khi Khu du lịch Đại Nam từ lúc bắt đầu xây dựng đến khi đi vào hoạt động đã xảy ra rất nhiều chuyện lạ mà theo bà và ông Huỳnh Uy Dũng thì chỉ có thể giải thích bởi một lẽ: đó là nhân duyên của trời đất kết thành. Trong đó, câu chuyện mang nhiều nét tâm linh nhất là việc hoa ưu đàm nở trong đá. Bà Hằng rưng rưng kể lại câu chuyện với lòng thành kính vô biên.

Được biết, hoa ưu đàm còn gọi là ưu đàm bát la, ưu đàm ba la, ưu đàm bạt la, ưu đàm bà la, ô đàm bà la, ô đàm la, ưu đàm bát, ưu đàm, ô đàm, là phiên âm Hán-Việt của từ "udumbara" trong tiếng Phạn hay tiếng Pali, có nghĩa là “loài hoa linh thiêng mang điềm lành từ Trời”, có truyền thuyết nói rằng "3.000 năm mới nở một lần". Theo kinh Phật, loài hoa này nở để báo hiệu chuyển luân vương hoặc một vị Phật giáng sinh. Kinh văn nhà Phật đều có nói về loài hoa ưu đàm thường tượng trưng cho những gì hiếm có khác thường, chỉ trên tiên giới, không có ở trần gian. Hoa chỉ xuất hiện khi có Đức Phật hay vị Kim Luân Vương, Chuyển Luân Thánh Vương xuất hiện, đó là điềm lành hiếm có của nhân gian. Kinh Phật có ghi vào thời khắc Đức Thích Ca Mâu Ni ra đời có hoa ưu đàm nở, tức là thể hiện sự hiếm hoi lắm nhân loại mới gặp được một vị Phật tại thế.

Xung quanh chuyện làm từ thiện của vợ chồng doanh nhân Huỳnh Uy Dũng (kỳ 2)

Ông Dũng bên hoa ưu đàm

Chính vì những truyền thuyết linh thiêng về loài hoa này mà bất cứ phật tử nào trong đời cũng một lần được chiêm ngưỡng loài hoa của Phật. Chính vì vậy khi nghe ông Nguyễn Xuân Thới, Trưởng ban quản lý đền thờ Đại Nam báo tin, có 7 bông hoa lạ nở trên chậu sen từ buổi tối ngày 30/3/2012 (tức ngày vía Phật Bà), bà Hằng và chồng vội đến xem và hết sức ngỡ ngàng khi thấy những bông hoa này đúng như trong mô tả của sách nhà Phật, chính là loài hoa ưu đàm linh thiêng. Gia đình bà đã thật sự xúc động và cảm nhận, chính sự từ tâm của gia đình đã lay động đến đức Phật. Sau đó có thêm nhiều hoa ưu đàm nữa tiếp tục nở trong chậu sen ở đền thờ Đại Nam. Hoa ưu đàm xuất hiện ngay trong chánh điện của đền thờ Đại Nam - nơi ánh nắng mặt trời không lọt vào nhưng hoa vẫn nở. Đây là lần thứ hai hoa ưu đàm nở tại Khu du lịch Đại Nam. Chính những hữu duyên này càng thôi thúc bà và gia đình cố công làm thêm nhiều việc thiện cho đời.

Người ta nói, không ai tránh khỏi luật nhân quả cho những việc mình làm, những lời mình nói và kể cả những suy nghĩ khởi lên trong tâm. Bà Hằng cho biết "Tôi xem những gì mình gặp phải là những nhân duyên từ nhiều đời trước, tốt có xấu có, nhưng đã là nhân duyên thì phải điềm đạm để mọi thứ diễn ra tự nhiên, chỉ cần mình không làm gì sai, không có tâm ác thì mọi điều sẽ qua đi. Chắc chắn không ai thoát khỏi luật nhân quả, tôi và chồng tôi là người của nhà Phật nên làm gì cũng cân nhắc kỹ hậu quả. Tôi thật sự biết ơn những thị phi, những trắc trở mà mình phải mang vì điều đó giúp tôi biết trân trọng cuộc sống và những điều may mắn có được, biết rằng cuộc đời là vô thường, chỉ có tình thương mới tồn tại mãi mãi".

Một năm đã khép lại, còn biết bao hoài bão và mong ước chưa thành hiện thực nhưng không bao giờ là quá muộn để bắt đầu. Chúng ta hãy bắt đầu một năm mới với những yêu thương và hy vọng vào những điều tốt đẹp sẽ đến.

Thuận Thiên