Nỗi buồn Na Hai
Xã hội - Ngày đăng : 09:57, 06/12/2013
Nằm ngay dưới chân đèo, bản người Thái Na Hai (xã Sam Mứn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) trông tiêu điều, xơ xác. Hiếm hoi lắm mới thấy vài ngôi nhà gỗ rêu cũ, còn lại hầu hết là những gianh tre nứa lá. "Cơn bão trắng” tràn qua đã cuốn đi của bản Na Hai rất nhiều đàn ông, trai tráng, nhiều gia đình chỉ còn lại đàn bà và những đứa trẻ bơ vơ, không nơi nương tựa…
Những cặp “vợ chồng ma túy”…
Cách đây khoảng chục năm về trước, cứ hết mùa làm nương rẫy, đám thanh niên, trung niên Na Hai lại phải rời nhà đi làm thuê kiếm sống. Những lúc xa bố mẹ, vợ con, nhiều chàng trai của bản đã không giữ được mình, lao vào các cuộc hút sách, tiêm chích ma túy bừa bãi. Và, bi kịch cũng bắt đầu từ đấy.
Một góc Na Hai
Nổi tiếng nhất ở Na Hai là gia đình Lò Văn Hương - Lò Thị Pấng. Vợ chồng Hương sinh được 5 người con thì có tới 7 người gồm vợ chồng Hương - Pấng, con trai, con gái, dâu, rể đều buôn bán, vận chuyển heroin và cùng nhau... đi tù. Thời con gái, Pấng là người có nhan sắc, 16 tuổi Pấng đã có con. Cô con gái đầu Lò Thị Nhung sắc đẹp còn vượt trội nhiều lần so với mẹ, nhưng đóa hoa đẹp nhất Na Hai lại là một bông hoa độc. Bởi bố cô, “bố già” Lò Văn Hương đã quyết đào tạo, rèn giũa con mình thành một “nữ quái” lừng danh. Nhan sắc như một vũ khí tối thượng được Nhung khai thác triệt để trong cặp kè bồ bịch, mở rộng quan hệ, lôi kéo người khác vào con đường buôn bán “cái chết trắng”. Tổng hình phạt án tù dành cho “đại gia đình” này là 68 năm tù và một án chung thân dành cho Lò Thị Nhung. Cũng như mẹ, 15 tuổi Nhung lấy chồng, 16 tuổi đẻ con, hiện nay hai vợ chồng đi tù, cả 4 đứa con đều do bà nội chúng cưu mang. Ngoài ba cặp vợ chồng trong đại gia đình trên còn 6 cặp vợ chồng khác chịu án tù vì buôn bán, vận chuyển các chất ma túy, trong đó hai cặp Lò Văn Hợp - Lò Thị Minh, Trần Văn Hải - Quàng Thị Biên đều bị bắt cùng một ngày.
Có thể nói, tuy là cộng đồng người Thái nhưng sự “bình đẳng giới” ở Na Hai tiến bộ vượt trội hơn bất cứ nơi nào khác ở tỉnh Điện Biên về khả năng buôn bán, vận chuyển ma túy. Theo số liệu Công an xã Sam Mứn cung cấp, nếu xét về số lượng thì tỷ lệ đàn ông và phụ nữ phạm tội liên quan đến ma tuý là 50 - 50. Hiện nay có 9 gia đình chồng đi tù, vợ ở nhà và 9 trường hợp khác vợ đi tù, chồng ở nhà, còn tính cả đối tượng đã chịu án về thì phần đông nghiêng về phía phụ nữ. Riêng xét về mặt “chất lượng” thì các “ông trùm” thua xa so với những “bà trùm”. Tội phạm ma túy là đàn ông thường có án "chỉ từ 18 năm trở xuống", nhưng đối tượng nữ thì đã có 3 án 18 năm và một án chung thân. Các “nữ quái” ở Na Hai đã tận dụng triệt để những lợi thế của mình để vận chuyển ma túy, từ giả mang thai, địu trẻ nhỏ trên lưng đến những thủ đoạn cất giấu tinh vi khác. Ba đối tượng Lò Thị Bình, Lò Thị Minh, Lò Thị Hạnh sau vài lần giấu hàng vào “vùng bí mật trên người” vận chuyển trót lọt, đến chuyến nhiều nhất (20g/một người) thì bị bộ đội biên phòng Tây Trang bắt gọn.
Lường Thành Đ: "Em rất nhớ bố mẹ"
Bản Na Hai có vài chục hộ được chia thành hai đội thì rất nhiều gia đình trong số đó có người buôn bán, vận chuyển hoặc nghiện ma túy. Cách đây vài năm, chúng tôi đến Na Hai công tác còn ngồi làm việc với Trưởng bản Lò Văn Nhói, lần này trở lại hỏi Trưởng bản Nhói có nhà không thì nhận được câu trả lời: “Nó đi tù rồi! Trưởng bản mới là Quàng Văn Piếng cơ”. Làm việc với Công an xã thì được biết, chỉ vài tháng sau khi làm việc với chúng tôi về xóa bỏ các tệ nạn xã hội trên địa bàn, vị Trưởng bản "chuồn" về bán “hàng” đã bị lực lượng Công an tóm gọn. Sau đó, TAND tỉnh Điện Biên đã tuyên phạt Lò Văn Nhói 14 năm tù. Bị bắt cùng với Nhói còn có Cà Văn Tươi, Bí thư Chi bộ Na Hai. Tươi nhận án 16 năm tù.
Có những thời điểm, cả xã Sam Mứn có hơn 50 tội phạm ma túy đang thi hành án thì riêng bản Na Hai chiếm đến một nửa, gần trẻ em trong bản có bố hoặc mẹ, hoặc cả bố lẫn mẹ đi tù vì buôn bán, vận chuyển ma túy.
Những đứa trẻ bị bố mẹ bỏ rơi
Ngày trước, cụm lớp học Na Hai (thuộc Trường Tiểu học số 2 Sam Mứn) có 4 khối lớp, từ lớp 1 đến lớp 4 nhưng chỉ có vài phòng học vách đất lụp xụp, tả tơi, gió lộng tứ bề. Mỗi phòng lại được ngăn đôi để tách biệt các khối lớp với nhau. Tuy nhiên, cái thiếu thốn, tạm bợ về cơ sở vật chất không phải là điều đặc biệt của cụm lớp học này mà điều đáng nói là một thực tế đau xót hơn: gần một phần ba trong số học sinh đang học tại đây có bố, mẹ hoặc cả bố và mẹ đi tù. Chỉ tay vào một học sinh mặc áo trắng trong lớp 3, cô giáo Phạm Thị M, Cụm trưởng cho biết: Trừ em này ra, tất cả các em còn lại đều có bố mẹ đi tù (cả lớp có tổng số 9 học sinh), trong đó hai em có cả bố lẫn mẹ cùng đi tù vì buôn bán ma túy.
Chỉ cần nghe thế thôi cũng đủ khiến bất cứ ai có lương tri cũng phải rùng mình. Ma tuý đã làm cho gia đình những đứa trẻ này từ hạnh phúc đến tan đàn sẻ nghé nhanh như một cơn mơ, một cái phủi tay. Các em còn ngây thơ quá, nhao nhác như gà con mất mẹ, chúng còn quá nhỏ để hiểu được nỗi mất mát mà mình phải gánh. Lường Thành Đ, lớp trưởng lớp 3 - một em bé sạch sẽ, mắt mũi rất sáng sủa thông minh và học rất giỏi nhưng có bố đang chịu án tù 14 năm, mẹ tù chung thân. Khi được hỏi "em có biết thế nào là đi tù không?", Đạt khẽ lắc đầu bẽn lẽn. Mãi rồi em cũng chỉ trả lời là rất nhớ cha, nhớ mẹ.
Mới 9 tuổi, Tòng Thị L đã phải chịu cảnh "bố mất, mẹ đi tù"
Hoàn cảnh của em Tòng Thị L thì khác đôi chút, bố chết khi đang thi hành án trong tù chưa lâu thì một hôm đi học về, đợi mãi không thấy mẹ về nấu cơm cho ăn, hỏi hàng xóm L, mới biết mẹ đã bị bắt khi em đang học trên lớp. 9 tuổi đã phải sống trong cảnh không có bố mẹ nên thời gian đầu sau khi mẹ đi tù, cứ thấy cô giáo đến đón đi học là L lại khóc. Đi học về mới biết bố mẹ bị bắt như L là tình cảnh chung của hầu hết các em học sinh có bố mẹ đi tù. Những em học sinh này đều phải ở với bà hoặc chú bác, nhưng những người thân đó của các em nếu không dính đến ma tuý thì lại rất nghèo, không đủ khả năng chu toàn cho việc ăn học của các em. Thế nên các cô giáo vừa phải dạy chữ, vừa an ủi vỗ về chăm sóc cho lũ học trò “gà con lạc mẹ”. Em nào ở xa thì cô giáo đến đón đi học, em nào dép đứt thì cô giáo khâu hoặc mua dép mới cho. Thậm chí, có em đang ngồi học, bất chợt nhớ mẹ ôm mặt khóc. Dỗ dành mãi không được, cô giáo lại đi mua kẹo bánh về cưng nựng.
Thông thường mỗi năm, khi mùa đông đến, các thầy cô trong trường lại quyên góp để mua áo ấm cho các em. Nhưng vì số lượng có hạn nên phải lựa chọn em nào có hoàn cảnh khó khăn nhất. Đó là công việc vô cùng khó khăn và tế nhị - cô giáo M tâm sự - bởi vì hầu hết các em đều có hoàn cảnh éo le, thiếu thốn như nhau, nhiều em bố mẹ không đi tù thì bố lại nghiện ma tuý nên nhà cũng nghèo “rớt mùng tơi”. Thậm chí, có những ông bố khi lên cơn nghiện đã mang cả cái áo con mình được tặng đi bán để lấy tiền hút hít như trường hợp của em Quàng Văn C. Khi không thấy em C mặc áo ấm đến trường, trên người phong phanh mỗi manh áo cộc, chúng tôi hỏi mãi em ấy mới dám nói ra sự thật...".
Nếu các cô giáo vất vả trong “dậy” và “dỗ” thì những người phải thay thế bố mẹ đẻ các em cũng không kém phần lao đao trong việc nuôi các em ăn học. Bố mẹ "đi vắng", 4 chị em Lường Thành Đ sống cùng bà nội. Với khoản trợ cấp của một vợ liệt sỹ, bà nội Đ không đủ tiền đóng học cho các cháu. Chị cả của Đ là Lường Thị Oanh, học giỏi nhưng chỉ đến hết lớp 6 phải nghỉ học để ở nhà phụ bà làm ruộng nuôi các em. Tương tự là mẹ vợ của phạm nhân Lò Văn Cương, Quàng Văn Bình, mẹ chồng Lò Thị Bình... đều phải cưu mang những đứa cháu bị bố mẹ bỏ rơi.
Vĩ thanh
Chỉ vì lợi nhuận khổng lồ do ma túy đem lại, nhiều người dân Na Hai từ làm ăn lương thiện đã bị lôi kéo vào vòng xoáy tội ác khi tham gia gieo rắc “cái chết trắng” cho xã hội. Vì tham tiền mà nhiều người đã bất chấp tất cả để đi buôn ma túy. Khi nhận sự trừng trị thích đáng của pháp luật, ở trong tù, các ông bố, bà mẹ ấy có nghĩ đến những đứa con bơ vơ, nương tựa lay lắt nhờ tấm lưng còng của ông bà nội ngoại? Liệu những bản án mười mấy năm tù có cảnh tỉnh được những tâm hồn đã nhúng sâu vào vũng bùn tội lỗi?
Nguyễn Đức Bảo