Cựu Chủ tịch CNC nói về vai trò của Nguyễn Thanh Hóa trong đường dây đánh bạc

Pháp đình - Ngày đăng : 13:49, 19/11/2018

Sáng nay, sau phần xét hỏi bị cáo Phan Sào Nam và dì ruột của Nam, HĐXX TAND tỉnh Phú Thọ đã tiến hành xét hỏi bị cáo Nguyễn Văn Dương, cựu Chủ tịch HĐTV Công ty CNC.

Khi được HĐXX hỏi về việc VKS truy tố các tội danh như cáo đã nêu, bị cáo Nguyễn Văn Dương cho biết hoàn toàn tôn trọng quan điểm của VKS nêu trong cáo trạng và thừa nhận mọi cáo buộc là hoàn toàn đúng.

Tiếp tục trả lời HĐXX về cơ duyên hợp tác với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50), Nguyễn Văn Dương 2 lần khẳng định bản thân được nguyên Thứ trưởng Bộ Công an (đã qua đời) giới thiệu.

Nguyễn Văn Dương cũng khẳng định hoàn toàn tôn trọng lời khai trước đó của bị cáo Phan Sào Nam có liên quan tới bị cáo.

Cựu Chủ tịch CNC nói về vai trò của Nguyễn Thanh Hóa trong đường dây đánh bạc

Bị cáo Nguyễn Văn Dương tại phiên tòa xét xử

Dương khai việc thành lập Công ty CNC sau vài lần trao đổi với Nguyễn Thanh Hóa (Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - C50).

“Anh Hóa có nói về việc thành lập công ty của C50 với chức năng là công ty bình phong. Theo đề án mà tôi được biết thì việc thành lập công ty bình phong để làm kinh tế nghiệp vụ. Mục đích thành lập công ty là để phục vụ cho C50. Sau đó, hai bên ký HĐ hợp tác vào đầu tháng 10/2011 với nội dung làm kinh tế, kinh doanh… Người ký HĐ hợp tác là anh Hóa”, Dương khai.

Nguyễn Văn Dương khai thêm, trong thời gian ký hợp tác với C50, phía C50 cam kết góp vốn và nhân lực. CNC đã tham gia hợp tác trinh sát tình hình tội phạm công nghệ cao và đã có rất nhiều báo cáo trong hồ sơ vụ án. Trong đó có cả tội phạm mạng nói chung và tội phạm công nghệ cao nói riêng. Trong thời gian hoạt động, hàng năm CNC đều có báo cáo với C50.

Về việc CNC đặt trụ sở tại số 10 Hồ Giám, là trụ sở của Tổng cục Cảnh sát, Dương khai trụ sở của CNC thời gian đầu phải thuê bên ngoài, sau đó đến năm 2012 thì đặt tại số 10 Hồ Giám. Bị cáo Dương nói: “Trước đó, bị cáo đề xuất với lãnh đạo Cục C50 là ông Võ Tuấn Dũng (Cục phó Cục C50, người đã đột tử trong phòng làm việc ngày 4/5/2018-PV) để được thuê văn phòng tại số 10 Hồ Giám. Việc này cũng không khó khăn gì vì lúc đó không có người sử dụng, để tránh hỏng hóc thì phải có nhu cầu cho sử dụng”.

Bị cáo Dương khai thêm, tại trụ sở, CNC có thiết kế 1 phòng làm việc riêng cho Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng Cục C50, bên ngoài phòng làm việc có treo 1 biển tên “Phòng làm việc của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa”.

Cựu Chủ tịch CNC nói về vai trò của Nguyễn Thanh Hóa trong đường dây đánh bạc

Bị cáo Dương chăm chú nhìn vào dẫn chứng cụ thể của VKS

Trong những ngày vừa qua, HĐXX đã hỏi về quá trình xin giấy phép thành lập Công ty CNC, song song với việc làm trung gian thanh toán, bị cáo Dương cho biết CNC “đã và đang trong quá trình xin giấy phép đối với game bài RikVip nhưng chưa được cấp phép”.

Đối với Hợp đồng số 010 ký với VTC Online tháng 4/2015 về hợp tác vận hành hệ thống game bài, Dương khai có báo cáo với Nguyễn Thanh Hóa về việc này và được Hóa nói “việc này là cần thiết để thực hiện cổng trung gian thanh toán”. “Vì là công ty nghiệp vụ cần hạn chế người biết nên chỉ một số lãnh đạo Cục C50 được biết, trong đó có ông Võ Tuấn Dũng (Cục phó Cục C50)"- Dương nói.

“Trong thời gian CNC hợp tác với VTC Online, không có cơ quan nào đến kiểm tra đối với CNC, còn đối với VTC Online thì bị cáo không rõ. Nhưng bị cáo nhớ là anh Phan Sào Nam có nói với tôi về việc PC 50 Công an Hà Nội có kiểm tra VTC Online nhưng bị cáo nghĩ rằng CNC là công ty bình phong của C50 nên không sao”, Dương nói tiếp.

Tại thời điểm PC50 kiểm tra đối với VTC Online, bị cáo Dương không nhớ là đã gọi điện cho ai để nhờ vả. Tuy nhiên, trước đó Phan Sào Nam khai có thông báo cho Dương và Dương hứa sẽ nhờ người can thiệp để tiếp tục hoạt động. Bị cáo Dương nói: “Do thời gian đã lâu nên bị cáo không nhớ, bị cáo đã khai đúng sự thực”.

HĐXX công bố lời khai của bị cáo Dương tại CQĐT: “Cuối năm 2015 anh Phan Sào Nam gọi điện cho tôi thông báo là PC50 mời anh Nam lên làm việc, tôi gọi điện cho anh Hóa thông báo nội dung, anh Hóa bảo “để tao gọi điện”, sau đó tôi thấy VTC Online không bị xử lý gì”.

Trước những chứng cứ HĐXX đưa ra, Nguyễn Văn Dương xác nhận lời khai trên là đúng sự thật.

Cựu Chủ tịch CNC nói về vai trò của Nguyễn Thanh Hóa trong đường dây đánh bạc

Luật sư Trần Hồng Phúc, luật sư bào chữa cho bị cáo Dương 

“Thời điểm 2015 trên thị trường có rất nhiều game phổ biến nên tôi đã đề xuất có những cách xử lý, tuy nhiên tại thời điểm đó C50 chưa có chế tài xử lý đối với những hoạt động này. CNC tham gia hóa trang vào hoạt động này, nắm bắt tình hình để đề xuất hướng xử lý, nên chúng tôi đã làm”, bị cáo Dương nói.

Tiếp tục trả lời HĐXX về việc CNC và VTC Online có khoảng thời gian 1 tháng tạm ngừng hợp tác, cũng như đổi tên Game bài RikVip thành Tip.Club, Nguyễn Văn Dương nói: “CNC là công ty nghiệp vụ nên cũng có nhiều bí mật, nếu để lộ bí mật thì không được nên tôi có nói với anh Phan Sào Nam là đang trong giai đoạn “nhạy cảm”. Sau khi có ý kiến của C50 tôi cho tạm dừng hợp tác với VTC Online vào tháng 8/2016 nhưng chỉ dừng hợp tác trong khoảng 1 tháng sau khi hai bên ký thanh lý HĐ số 010. Sau đó bị cáo trao đổi với anh Nam về việc thay đổi pháp nhân và thay đổi tên của game bài (từ RikVip thành Tip.Club) để đảm bảo tính bí mật cho CNC”.

Tuy nhiên bản chất hệ thống game bài và cổng trung gian thanh toán không thay đổi. Toàn bộ doanh thu giai đoạn 1 tháng 4/2015-8/2016 được chuyển về công ty CNC. Dương cũng không quên nói về sự giúp đỡ của Nguyễn Thanh Hóa và lãnh đạo C50 đối với CNC: “Về sự giúp đỡ của C50 và anh Hóa đối với công ty, vì các anh cũng muốn tham gia vào cộng đồng người sử dụng mạng, nắm bắt tình hình tội phạm mạng nên tôi nghĩ là cần thiết, đó là ý thức chủ quan để tôi hợp tác với VTC Online”.

Cựu Chủ tịch CNC nói về vai trò của Nguyễn Thanh Hóa trong đường dây đánh bạc

Các bị cáo tại phiên tòa sáng nay

Tại tòa, Nguyễn Văn Dương khẳng định không có ý kiến gì đối với tội danh Tổ chức đánh bạc. Tuy nhiên bày tỏ sự “ngạc nhiên” về tội Rửa tiền mà bản thân bị cáo bị truy tố. Bị cáo Dương nói: “Tôi không nhận thức được đó là hành vi rửa tiền. Sau quá trình điều tra và được cơ quan điều tra phân tích, tôi nhận thức mình là nhà đầu tư hoạt động nhiều lĩnh vực. Sau khi tham gia vào dự án này tôi tiếp tục đầu tư vào dự án khác, nhất là thời điểm nhà nước khuyến khích xã hội hóa phát triển hạ tầng giao thông nên tôi đã tham gia vào dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn”.

Theo cáo trạng, tổng số tiền Nguyễn Văn Dương hưởng lợi là 1.650 tỷ đồng. Bị cáo cho biết bản thân không thể nhớ hết nhưng đó là số liệu cơ quan điều tra đã làm việc với kế toán của CNC nên bị cáo hoàn toàn tin tưởng vào kế toán của mình.

Bị cáo Dương cũng cho rằng, nếu được tại ngoại sẽ nỗ lực hết mình thu hồi tài sản để khắc phục hậu quả.

Cũng trong phần xét hỏi, luật sư Trần Hồng Phúc, luật sư bào chữa cho bị cáo Dương hỏi về việc bị cáo có ăn năn về hành vi rửa tiền hay không, bị cáo Dương cho biết đến thời điểm này chưa nhận thức được về hành vi rửa tiền nên rất khó trả lời là có ăn năn hay không.

Bị cáo Dương cho hay nếu được tại ngoại sẽ thu hồi lại được 329 tỷ đồng từ các đối tác để khắc phục toàn bộ số tiền cho nhà nước, bị cáo Dương nói: “Tôi cũng nhờ HĐXX thu hồi số nợ 60 tỷ đồng từ CTCP Phát triển Cầu đường Sài Gòn để tính vào phần khắc phục hậu quả nộp cho nhà nước”.

Khi được Luật sư Trần Hồng Phúc “gợi ý” để Dương nói về tình trạng bệnh tật hiện nay, Dương từ chối trả lời và mong được HĐXX cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Mạnh Hùng