Nói lời sau cùng, bị cáo Đinh La Thăng vẫn khẳng định mình vô tội

Pháp đình - Ngày đăng : 13:54, 23/06/2018

Sau 5 ngày xét xử phúc thẩm bị cáo Đinh La Thăng cùng các đồng phạm trong vụ góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào OceanBank, cuối buổi sáng nay (23/6), HĐXX đã tuyên bố kết thúc phần tranh tụng.

Theo đó, trước khi phiên tòa bước sang phần nghị án, HĐXX đã cho các bị cáo được nói lời sau cùng.

Là người đầu tiên được nói lời sau cùng, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định: “Trong suốt 35 năm công tác, luôn nỗ lực cố gắng, phấn đấu rèn luyện, hành động quyết liệt vì sự phát triển của đất nước và hạnh phúc của nhân dân”.

Bên cạnh đó, bị cáo Thăng còn cho biết, khi làm Chủ tịch HĐQT PVN, bị cáo luôn nỗ lực đưa PVN trở thành tập đoàn kinh tế mạnh, hàng đầu của đất nước, là đầu tàu của đất nước, có nhiều đóng góp, trở thành điểm sáng, chứng minh vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhà nước, tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. “Tôi luôn quyết liệt, không tư lợi”, bị cáo Thăng nói.

Nói lời sau cùng, bị cáo Đinh La Thăng vẫn khẳng định mình vô tội

Bị cáo Đinh La Thăng trong phần nói lời sau cùng

Nói về việc góp vốn đầu tư vào OceanBank (OJB), Đinh La Thăng khẳng định việc đầu tư này là giải pháp tình thế cho sự thay đổi chính sách của Chính phủ. Để xử lý hệ lụy, PVN đã tìm đối tác đầu tư và OJB đã đồng ý nên PVN đã đầu tư đúng chủ trương, đúng pháp luật và hiệu quả đầu tư đã được khẳng định.

"Chuyển công tác từ tháng 8/2011, việc bảo toàn vốn đã được tôi hoàn thành. Tuy nhiên, sau này, thực hiện chủ trương tái cơ cấu, PVN xin thoái vốn; tuy lúc đầu Chính phủ đã đồng ý nhưng sau đó lại không đồng ý. Vì vậy, đề nghị xem xét giải quyết vụ án công tâm, khách quan, công bằng và đúng pháp luật", bị cáo Thăng bộc bạch.

Sau cùng bị cáo Thăng nói: “Bản thân tôi dù làm việc gì cũng tôn trọng pháp luật, không bao giờ cố ý làm trái. Vì vậy, khẳng định không có tội”.

Là người thứ hai được nói lời sau cùng, bị cáo Ninh Văn Quỳnh cho biết, bị cáo có 37 năm công tác trong ngành dầu khí, có một số cống hiến cho ngành dầu khí. Bị cáo Quỳnh nói: “Trong thời gian bị bắt, bị cáo ăn năn, hối cải, việc phạm tội một phần do yếu kém về mặt chuyên môn, tin tưởng cấp dưới, phục tùng cấp trên”.

Bị cáo Quỳnh nhấn mạnh: “Bị cáo xấu hổ khi không kiềm chế được lòng tham nhận tiền bất chính, đi ngược lại truyền thống của gia đình…". Bị cáo Quỳnh mong HĐXX cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ để tuyên mức án phù hợp, cho bị cáo sớm trở về với gia đình để chữa bệnh.

Cũng trong phần nói lời sau cùng, bị cáo Vũ Khánh Trường nói: “Những sai sót do bị cáo thiếu hiểu biết pháp luật…Gia đình có công với cách mạng, giàu truyền thống, hiện đang mang bệnh nên mong HĐXX sẽ xem xét lại bối cảnh vụ án, vai trò, mức độ phạm tội của bị cáo để cho ra bản án công tâm, khách quan”.

Nói lời sau cùng, bị cáo Đinh La Thăng vẫn khẳng định mình vô tội

Bị cáo Ninh Văn Quỳnh 

Tiếp đến, bị cáo Phan Đình Đức nói: “Vì sự điều hành công khai, nghiêm túc, bị cáo tin HĐXX sẽ cho ra bản án minh bạch và nhân văn để trả lại sự công bằng, trong sạch cho bị cáo”.

Với các bị cáo còn lại, đều mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ và mong có một bản án công tâm, khách quan, cho các bị cáo cơ hội được sớm trở về với gia đình, xã hội.

Kết thúc lời nói sau cùng của các bị cáo, chủ tọa Nguyễn Vinh Quang tuyên bố, do tính chất phức tạp của vụ án, để đưa ra được một bản án công tâm, khách quan, HĐXX quyết định nghị án kéo dài, sẽ tuyên án với các bị cáo trong vụ án vào 15h ngày 26/6 tới đây.

Trước đó, trong phần tranh tụng, bị cáo Đinh La Thăng đề nghị đại diện VKSND giải thích việc 244 tỷ đồng cổ tức PVN nhận từ OceanBank là tiền thật hay là ảo? OceanBank sau khi bị mua 0 đồng vẫn giữ nguyên vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng vậy 4.000 tỷ đồng mới này là tiền thật hay là ảo?

Bị cáo Thăng đề nghị tranh luận: “VKSND có nêu tôi ký người đại diện 20% là sai và là căn cứ ra nghị quyết góp vốn. Vậy nếu đại diện VKSND là Chủ tịch PVN thì ký thế nào? Nếu chỉ ký đại diện 15% theo luật, 5% còn lại ai quản lý khi PVN chưa được thoái vốn?”.

Đáng chú ý, bị cáo Đinh La Thăng nêu các câu hỏi: “VKSND làm rõ vì sao PVN không được thoái vốn? Trách nhiệm trong việc PVN không được thoái vốn dẫn tới mất 800 tỷ đồng thuộc về ai? Đại diện VKSND cho biết, nếu không giải quyết hệ lụy ngân hàng Hồng Việt với hơn 300 tỷ đồng và hàng trăm con người thì ai là người chịu trách nhiệm?”.

Nói lời sau cùng, bị cáo Đinh La Thăng vẫn khẳng định mình vô tội

Bị cáo Đức nói lời sau cùng trước HĐXX

Cuối phần tranh tụng của mình, bị cáo Thăng đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan kiểm toán, thuế, thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước với ngân hàng thuộc về ai? Báo cáo của các doanh nghiệp trong đó có OceanBank sau khi được thanh tra giám sát có đủ khẳng định, niềm tin để các doanh nghiệp khác căn cứ vào đó để quan hệ, giao dịch hay không?

Trước các đề nghị tranh luận nêu trên, đại diện VKSND không trả lời cụ thể, chỉ nhắc lại các nội dung đã nêu trong án sơ thẩm. Cụ thể, bị cáo Đinh La Thăng ký thỏa thuận góp vốn số 6934 năm 2008 với Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch OceanBank trước khi họp HĐQT (sau là HĐTV) PVN và chưa được Thủ tướng đồng ý.

Về mua 0 đồng, đại diện VKS nói: “Ngân hàng Nhà nước trên cơ sở pháp luật đã mua 0 đồng đúng quy định. Chúng tôi đánh giá việc này, Ngân hàng Nhà nước, Bộ tài chính mỗi cơ quan có nhiệm vụ khác nhau… Chúng tôi tôn trọng và thấy việc mua này đúng căn cứ, tức các cổ đông đã mất quyền nghĩa vụ…”.

Về câu hỏi tiền ảo, đại diện VKS nói: “Một số người nói là tiền ảo, chúng tôi không nói tiền của PVN là tiền ảo mà có thật, tiền chuyển đi - nhận về là có thật. Còn theo thanh tra ngân hàng kết luận là lãi của OceanBank là không có thật; 244 tỷ đồng là do hành vi trái pháp luật… PVN cần bảo toàn vốn của mình”.

Nói lời sau cùng, bị cáo Đinh La Thăng vẫn khẳng định mình vô tội

Các bị cáo tại phiên tòa sáng nay

Về việc bán ngân hàng hoặc thoái vốn như luật sư, bị cáo nêu, đại diện VKS cho rằng: “Vấn đề này qua thanh tra, kiểm tra, Ngân hàng Nhà nước đã thấy ở ngân hàng này, Chủ tịch Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn cùng các lãnh đạo khác đã chiếm đoạt số tiền rất lớn. Riêng Nguyễn Xuân Sơn đã chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng…các lãnh đạo khác chúng tôi không tính. Ngân hàng lỗ lũy kế thì bán ngân hàng, mà đã phát hiện các lãnh đạo chiếm đoạt của các cổ đông thì người cho phép bán sẽ chịu trách nhiệm rất nặng nề…”.

Mạnh Hùng