TAND TP. Đông Hà, Quảng Trị: Đơn vị dẫn đầu công tác xét xử lưu động của tỉnh
Pháp đình - Ngày đăng : 09:23, 17/04/2014
Hình phạt áp dụng đối với từng bị cáo cơ bản thỏa đáng; chất lượng xét xử, giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và hành chính đảm bảo tính khách quan, toàn diện, áp dụng đúng pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự được Tòa án bảo vệ. Đặc biệt, TAND TP Đông Hà là đơn vị dẫn đầu trong công tác xét xử lưu động của tỉnh, đã tổ chức xét xử 117 vụ (tăng 22 vụ so với cùng kỳ năm ngoái) trên tổng số 122 vụ án hình sự đã giải quyết, đạt 96%, vượt mức chỉ tiêu đã đề ra.
Ông Ngô Ngọc Tính, Chánh án TAND TP Đông Hà chia sẻ: Với nguồn kinh phí xét xử lưu động của TANDTC và sự hỗ trợ của địa phương, Tòa án TP Đông Hà đã tăng cường xét xử lưu động, góp phần tuyên truyền, giáo dục pháp luật, răn đe, phòng ngừa tội phạm trên địa bàn, chiếm số vụ cao nhất trong toàn tỉnh.
Năm 2013, TAND TP Đông Hà được Chánh án TANDTC công nhận “Tập thể lao động xuất sắc”. Có 3 cá nhân được Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”.
Ông Ngô Ngọc Tính, Chánh án TAND TP. Đông Hà cùng tập thể Tòa án thành phố viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và chỉ tiêu, kế hoạch của hệ thống TAND, TAND TP Đông Hà xác định phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2014. Theo đó, đơn vị tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. Quán triệt sâu sắc Chương trình hành động số 10-CTHĐ/TU ngày 11/11/2013 của Thành ủy Đông Hà về thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban chấp hành TW Đảng (khóa XI) “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Quyết định số 337-QĐ/TU ngày 26/12/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy Đông Hà về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị” đến đội ngũ Thẩm phán, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong việc nâng cao tỷ lệ hòa giải thành đối với các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động.
Tiếp tục thực hiện tốt việc phê bình và tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành TW Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, công chức. Đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Thường xuyên học tập để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Nâng cao hiệu quả, chất lượng xét xử, giải quyết các loại án, kiên quyết không để xảy ra việc kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm; hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán; khắc phục việc gửi văn bản tố tụng chậm... Bên cạnh đó, đơn vị đưa ra thi hành kịp thời các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, giải quyết 100% đơn thư, khiếu nại, tố cáo; tổ chức tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng xét xử cho Hội thẩm nhân dân cũng được chú trọng.
Đối với cơ quan - nơi làm việc, lãnh đạo đơn vị luôn quán triệt sử dụng tài sản, kinh phí có hiệu quả, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, luôn đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu.