Phương hướng đổi mới thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo tinh thần cải cách tư pháp
Pháp đình - Ngày đăng : 10:12, 28/02/2014
Quyền của Hội đồng xét xử GĐT, TT với những vấn đề còn bất cập tồn tại và phương hướng đổi mới theo tinh thần cải cách tư pháp. Đây cũng là vấn đề đang đặt ra cho việc nghiên cứu, thể chế trong Luật Tổ chức Tòa án (sửa đổi) hiện nay.
Những bất cập từ thực tiễn
Thủ tục GĐT, TT là thủ tục xét xử đặc biệt của quá trình tố tụng giải quyết vụ án tại Tòa án, được tiến hành trên cơ sở có kháng nghị của người có thẩm quyền đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, nhằm kiểm tra tính hợp pháp và có căn cứ của các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Thủ tục GĐT, TT là phương tiện để Tòa án kiểm tra việc xét xử của Tòa cấp dưới, sửa chữa, khắc phục những sai lầm có thể có của Tòa án trong việc giải quyết vụ án, bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án có căn cứ hợp pháp, đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước hoặc lợi ích của người thứ 3 không phải là đương sự trong vụ án. Thông qua công tác GĐT, TT, hệ thống Tòa án có thể tổng kết, rút kinh nghiệm, hướng dẫn các Tòa án vận dụng đúng pháp luật nhằm nâng cao chất lượng giải quyết vụ án, bảo đảm cho việc áp dụng thống nhất pháp luật.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bất cập lớn hiện nay là với quy định hiện hành (Bộ luật Tố tụng hình sự, dân sự), thủ tục GĐT, TT một vụ án phải tiến hành rất nhiều lần. Như một vụ án xét xử GĐT, TT ở TANDTC có thể phải tiến hành tới ba lần: Lần đầu tiên là Tòa chuyên trách, có thể thực hiện tới hai lần ở Hội đồng Thẩm phán. Nếu vụ án này đã GĐT, TT ở Tòa cấp tỉnh thì riêng thủ tục GĐT đã thực hiện tới bốn lần. Đây là một bất cập lớn trong tổ chức Tòa án cũng như quy định về thẩm quyền GĐT, TT, làm cho thủ tục xét xử đặc biệt có xu hướng trở nên phổ biến và còn nhiều hơn số lần xử sơ thẩm, phúc thẩm trong cùng một vụ án.
Ông Trịnh Xuân Toản, Ủy viên chuyên trách, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương nhận định: Thực tế cho thấy, có những vụ án bị xét xử kéo dài tới hàng chục lần xuất phát từ các quy định trong BLTTDS, BLTTHS về thẩm quyền của Hội đồng GĐT, TT. Hội đồng xét xử GĐT, TT thực hiện quyền hủy án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại dẫn đến một trình tự tố tụng mới, lại bắt đầu xét xử sơ thẩm, đưa vụ án tiếp tục rơi vào tình trạng lòng vòng lên tới hàng chục lần xét xử và kéo dài hàng chục năm.
Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược CCTP đã xác định, một trong những nhiệm vụ CCTP là “từng bước hoàn thiện thủ tục GĐT, TT”, “xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của TAND”, vì thế đổi mới những quy định về GĐT, TT là hết sức cần thiết để đáp ứng yêu cầu CCTP đề ra.
Do đó, phải đổi mới việc tổ chức thực hiện thẩm quyền GĐT, TT vì đây là hai vấn đề bất cập lớn nhất hiện nay. Hiện, trình tự GĐT được tiến hành tới ba lần chỉ ở một cấp xét xử là TANDTC. Chính vì vậy, có ý kiến cho rằng, hệ thống Tòa án hiện nay không phải ba cấp mà tới năm cấp, thậm chí là sáu cấp Tòa án. Những bất cập này cần phải được khắc phục trong một hệ thống tổ chức Tòa án hợp lý hơn, theo đó cần bảo đảm, mỗi cấp Tòa án về cơ bản phải tương đương với một cấp xét xử và hệ thống xét xử cần phải có điểm dừng.
Đổi mới quy định về nhiệm vụ, quyền hạn
Việc Tòa án được tổ chức theo bốn cấp xét xử theo Kết luận số 79-KL/TW năm 2010 về Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược CCTP đến năm 2020 chính là giải pháp quan trọng để khắc phục bất cập trong việc cấp Tòa án không tương ứng với cấp xét xử hiện nay.
Cụ thể, TAND sơ thẩm khu vực có thẩm quyền xét xử sơ thẩm hầu hết các vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án; TAND cấp tỉnh có thẩm quyền phúc thẩm các vụ án thuộc thẩm quyền TAND cấp huyện có bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị… Theo cách tổ chức này, mỗi cấp Tòa án là một cấp xét xử, trừ TAND cấp tỉnh có thẩm quyền sơ thẩm và phúc thẩm. Đối với thẩm quyền GĐT, TT chỉ thuộc về Tòa cấp cao và Tòa án tối cao. Đặc biệt việc GĐT, TT ở mỗi cấp Tòa này chỉ thực hiện một lần, tương ứng mỗi cấp Tòa án chỉ có một cấp xét xử. Như vậy, định hướng cải cách hệ thống tổ chức Tòa án theo Kết luận số 79 đã giải quyết được bất cập trong việc tổ chức cấp GĐT, TT hiện nay.
Vấn đề đổi mới quy định quyền hạn của Hội đồng GĐT, TT đáp ứng yêu cầu CCTP cũng đang được đặt ra. Theo ông Trịnh Xuân Toản, với quyền hủy án để xét xử lại từ đầu, mỗi Hội đồng GĐT, TT hiện nay tạo ra một trình tự tố tụng mới, bắt đầu từ thủ tục sơ thẩm. Đây là lý do quan trọng đưa số lần xét xử vụ án tới hàng chục phiên tòa, một tình trạng gần như không có điểm dừng, đây cũng là trăn trở của cơ quan có thẩm quyền. Do vậy, quyền hạn của Hội đồng GĐT, TT cũng cần được nghiên cứu đổi mới theo hướng thay vì hủy án để xét xử lại từ đầu, Hội đồng GĐT có thể ra bản án, quyết định mới.
Cơ sở để Hội đồng GĐT thực hiện quyền hạn này xuất phát từ mục tiêu của giám đốc thẩm là kiểm tra lại việc xét xử của TAND cấp dưới, trên cơ sở phát hiện có sai lầm hoặc vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có kháng nghị của người có thẩm quyền; đồng thời trong phạm vi quyền hạn của Hội đồng là được quyền xem xét lại toàn bộ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị hoặc phần của bản án, quyết định bị kháng nghị; Hội đồng GĐT, qua việc nghiên cứu hồ sơ và qua phiên họp GĐT, thực sự thấy có sai lầm hoặc vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp dưới, đồng thời thấy cần phải xét xử thế nào là đúng thì Hội đồng GĐT có quyền, có trách nhiệm ra bản án mới để xét xử cho đúng.
Ngoài ra, đổi mới quy định về quyền kháng nghị GĐT, TT theo hướng cho chính các đương sự được quyền kháng cáo GĐT và không quy định quyền kháng nghị của Tòa án, Viện kiểm sát. Và, việc kháng cáo GĐT của đương sự phải dựa trên các căn cứ nhất định của pháp luật (khác với giai đoạn phúc thẩm là chỉ không đồng ý với bản án đương sự có quyền kháng cáo). Như vậy, Tòa án sẽ tập trung vào chức năng xét xử mà không làm thay phần việc của đương sự là kháng nghị GĐT, vừa giảm bớt thời gian giải quyết vụ việc, giảm dần áp lực quá tải công việc. Đây cũng chính là mục tiêu CCTP, vừa tạo điều kiện cho người dân tiếp cận công lý, vừa giảm áp lực công việc cho Tòa án và quan trọng hơn là trả đúng vị trí chủ thể trong quan hệ tố tụng.
Các ý kiến đều cho rằng, những quan điểm đổi mới này, trước hết cần được nghiên cứu và thể hiện trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời tiếp tục được nghiên cứu thể hiện trong các Luật về tố tụng khác.