Cụm thi đua số VI TANDTC: Xây dựng phong trào thi đua trở thành điển hình của ngành TAND
Tòa án - Ngày đăng : 16:01, 15/12/2013
Phó Chánh án thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành TAND phát biểu chỉ đạo hội nghị
Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành TAND; ông Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Hòa Bình; ông Khà Phúc Dằng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mai Châu; ông Hà Quang Dĩnh, Tỉnh ủy viên, Chánh án TAND tỉnh Hòa Bình; đại diện lãnh đạo 21 đơn vị và cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng…
Thay mặt Cụm trưởng Cụm thi đua số VI, ông Ngô Hồng Phúc, Phó Chánh tòa Toà phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội trình bày Báo cáo đánh giá kết quả thi đua của toàn Cụm. Theo đó, năm 2013, các đơn vị trong Cụm thi đua số VI triển khai công tác trong điều kiện nền kinh tế đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng thấp; tình hình tội phạm diễn biến phức tạp; các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân gia đình và nhất là các vụ án hành chính gia tăng...
Ông Ngô Hồng Phúc, Phó Chánh tòa Toà phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội trình bày Báo cáo đánh giá kết quả thi đua của toàn Cụm
Mặc dù khối lượng công việc nhiều, nhưng do làm tốt phong trào thi đua nên các đơn vị đã khuyến khích cán bộ, công chức nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ. Ngoài ra, các đơn vị trong Cụm thi đua thực hành triệt để việc tiết kiệm, chống lãng phí nên đã tăng thêm thu nhập cho người lao động. Các phong trào thi đua đã có sự chuyển biến về chất lượng, đã gắn phong trào thi đua với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm nâng cao đời sống tinh thần và rèn luyện thể chất cho cán bộ, công chức. Các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Chi đoàn thanh niên, Nữ công, Hội cựu chiến binh đều được kiện toàn và đã nêu cao vai trò nòng cốt trong việc tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, động viên đoàn viên, hội viên tích cực hưởng ứng, lập nhiều thành tích trong công tác.
Mặc dù các đơn vị trong Cụm thi đua số VI đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn cũng như trong xây dựng phong trào thi đua, tuy nhiên, báo cáo cũng thẳng thắn nêu ra các hạn chế, khuyết điểm như: Việc phát động và tổ chức phong trào thi đua của Cụm còn chưa “bài bản”, mang tính hình thức; phong trào thi đua chưa đồng đều; việc bình xét, đề xuất khen thưởng còn nể nang, cào bằng, thiên về khen lãnh đạo; chưa chú trọng đúng mức đến việc khen thưởng đột xuất đối với tập thể, cá nhân. Tuy có kế hoạch xây dựng điển hình tiên tiến, song chưa có hướng dẫn cụ thể nên các đơn vị chưa thống nhất được phương pháp xây dựng điển hình tiên tiến, điều này phần nào hạn chế tác dụng tích cực của phong trào thi đua.
Từ thực tiễn triển khai phong trào thi đua, Cụm thi đua số VI đề nghị Hội đồng Thi đua khen thưởng ngành TAND cần có hướng dẫn cụ thể về quy trình, phương pháp xây dựng điển hình tiên tiến. Hội đồng Thi đua khen thưởng cần xem xét lại tiêu chí thi đua án hủy, án sửa nói chung, nhất là đối với cấp phúc thẩm nói riêng, vì theo quy định hiện hành, cấp giám đốc thẩm không có quyền sửa mà chỉ có quyền hủy bản án. Thực tế nhiều thiết sót của cấp sơ thẩm được cấp phúc thẩm sửa, song cũng với sai sót tương tự, cấp giám đốc thẩm sẽ phải hủy bản án phúc thẩm để xét xử riêng, nên đặt ra tỷ lệ án sửa là không có ý nghĩa đối với các đơn vị chỉ xét xử phúc thẩm. Mặt khác, các đơn vị ở TANDTC không có cán bộ chuyên trách về công tác thi đua, vì vậy đề nghị lãnh đạo TANDTC nghiên cứu có chế độ phụ cấp hoặc bồi dưỡng đối với những cán bộ này và phải thường xuyên tập huấn những nội dung mới về công tác thi đua cho họ.
Trong phần tham luận, các đại biểu đã nghe 11 báo cáo của các đơn vị có thành tích xuất sắc tham dự bình bầu Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ thi đua của ngành TAND. Các tham luận đều tập trung vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thi đua khen thưởng; nêu bật những thành tích đạt được từ phong trào thi đua, đánh giá những giải pháp, những cách làm hiệu quả để giải quyết tốt những tồn tại, khó khăn, vướng mắc của đơn vị góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành, nhất là Nghị quyết số 37 ngày 23/11/2013 của Quốc hội về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của VKSND, TAND và công tác thi hành án. Tại hội nghị, Vụ Thi đua - Khen thưởng cũng đánh giá công tác thi đua khen thưởng và phong trào thi đua của Cụm thi đua số VI, nêu những định hướng công tác thi đua khen thưởmg của ngành trong những năm tiếp theo.
Toàn cảnh hội nghị tổng kết
Về công tác thi đua khen thưởng năm 2014, Cụm thi đua số VI quán triệt sâu rộng hơn nữa tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong phong trào thi đua của ngành TAND là “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, với phương châm “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, nhằm đảm bảo TAND là chỗ dựa tin cậy của nhân dân trong việc bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của công dân, bảo vệ pháp chế XHCN. Năm 2014, toàn Cụm nghiêm túc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch của ngành TAND về công tác thi đua khen thưởng, coi công tác thi đua khen thưởng là một nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy và thủ trưởng đơn vị nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Phong trào thi đua phải gắn với việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn cụ thể của từng đơn vị trong Cụm góp phần tích cực vào việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cơ quan TANDTC năm 2014. Năm tới, Cụm thi đua số VI chú trọng việc phát hiện và xây dựng các điển hình tiên tiến làm hạt nhân để nhân rộng và đẩy mạnh các phong trào thi đua ở từng tập thể, đơn vị.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành TAND ghi nhận và đánh giá cao những cách làm hay trong phong trào thi đua cũng như hiệu quả của phong trào thi đua đối với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của từng đơn vị trong Cụm thi đua số VI. Trên cơ sở các thành tích đã đạt được, các đơn vị cần rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu, những cách làm hay để áp dụng rộng rãi, tiếp tục xây dựng phong trào thi đua của Cụm ngày càng phát triển, góp phần thực hiện xuất sắc những nhiệm vụ trọng tâm công tác của ngành trong những năm tới.
Năm 2104, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành TAND yêu cầu các cấp ủy, lãnh đạo mỗi đơn vị cần nâng cao nhận thức về công tác thi đua khen thưởng, quán triệt tầm quan trọng của công tác này để làm sao phong trào thi đua phải ngấm vào máu thịt từng cán bộ, công chức để họ tự nguyên đăng ký tham gia và làm theo. Lãnh đạo mỗi đơn vị phải xây dựng công tác này ngay từ đầu năm, phải có kế hoạch dài hạn, ngắn hạn, đột xuất gắn với nhiệm của của ngành, của đơn vị. Sau mỗi đợt phải có sơ kết, tổng kết đánh giá khen thưởng kịp thời, tạo thành nề nếp, cần phải coi công tác thi đua là đòn bẩy, là động lực thúc đẩy công tác chuyên môn; chú trọng phát hiện nhân rộng điển hình tiên tiến để làm hạt nhân trong các phong trào thi đua. Ngày 1/1/2014, bản Hiến pháp mới sẽ có hiệu lực, trong đó khẳng định Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, như vậy vị thế của ngành Tòa án được đề cao, nên mỗi cán bộ, công chức cần phấn đấu hơn nữa xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Lãnh đạo các đơn vị bỏ phiếu bình bầu các danh hiệu thi đua
Lãnh đạo 21 đơn vị Cụm thi đua số VI ký giao ước thi đua
Trong phần bình bầu, suy tôn các danh hiệu thi đua, các đơn vị đã bỏ phiếu và nhất trí suy tôn 5 đơn vị là Vụ Tổ chức - Cán bộ, Tòa Dân sự, Tòa Lao động, Trường Cán bộ Tòa án, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội được tặng thưởng Cờ thi đua của ngành TAND; Trường Cán bộ Tòa án được tặng thưởng Cờ thi đua của Chính phủ. Các đơn vị cũng nhất trí bầu Trường Cán bộ Tòa án là Cụm trưởng; Cơ quan TANDTC thường trực phía Nam là Cụm phó Cụm thi đua số VI năm 2014. Cuối hội nghị, 21 đơn vị thuộc Cụm thi đua số VI đã cùng ký vào bản giao ước thi đua và cam kết xây dựng phong trào thi đua của toàn Cụm trở thành điển hình của ngành TAND.
Trần Minh Giang