Biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm

Tòa án - Ngày đăng : 14:10, 06/04/2019

Áp dụng biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm không chỉ nhằm loại bỏ điều kiện vật chất của người đã thực hiện hành vi phạm tội mà còn góp phần cải tạo, giáo dục người phạm tội, ngăn ngừa tội phạm, đảm bảo trật tự xã hội.

Trong các biện pháp tư pháp đối với người phạm tội, thì biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm được quy định tại Điều 47 BLHS 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), về bản chất nội dung của điều luật vẫn được kế thừa về mặt nội dung cũng như hình thức kết cấu điều luật trước đây đã quy định tại Điều 41 BLHS năm 1999, chỉ có một số thay đổi về từ ngữ pháp lý đã được chuẩn hóa, thể hiện sự chính xác trong kỹ thuật lập pháp.

Nếu như khoản 1 Điều 41 của BLHS 1999 chỉ quy định là “tịch thu, sung quỹ nhà nước” thì khoản 1 Điều 47 BLHS 2015 đã sửa đổi cụm từ trên thành “tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy” đảm bảo sự lựa chọn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc áp dụng biện pháp tư pháp đối với vật, tiền có giá trị sử dụng và những vật, tiền không có giá trị sử dụng hoặc thậm chí còn gây phương hại nếu để chúng tồn tại thì phải tiêu hủy.

Bên cạnh đó, điều luật còn bổ sung thêm việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy đối với “khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội” và “vật thuộc loại nhà nước cấm tàng trữ”.

Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng như sau: Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội cần phải được hiểu rằng công cụ, phương tiện đó chính là điều kiện cần thiết để người phạm tội thực hiện được hành vi phạm tội của mình hoặc thúc đẩy hành vi phạm tội diễn ra được nhanh chóng, mà nếu không có nó thì người phạm tội không thể thực hiện được hành vi của mình, và tùy vào từng vụ án cụ thể mà xác định đó là công cụ hay là phương tiện dùng vào việc phạm tội.

Biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm

Ảnh minh họa

Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có là  những vật, tiền mà người phạm tội có được thông qua việc thực hiện hành vi phạm tội. Khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội là khoản lợi phát sinh từ việc phạm tội mà có, sau khi thực hiện hành vi phạm tội người phạm tội đã dùng vật, tiền mà mình có được để phát sinh lợi nhuận như cho vay lấy lãi, gửi tiết kiệm… và một số tội thì số tiền thu lợi bất chính là tình tiết định tội, định khung hình phạt được quy định là dấu hiệu cấu thành tội phạm của một số tội như: tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192); tội làm, buôn bán tem giả, vé giả (Điều 202)…

Việc áp dụng biện pháp tư pháp tịch thu sung quỹ nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy đối với vật thuộc loại nhà nước cấm tàng trữ, cấm lưu hành thường được áp dụng đối với những vật là đối tượng của tội tàng trữ, buôn bán, lưu hành mà BLHS coi đó là tội phạm như:; tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190); tội tàng trữ trái phép chất mà túy (Điều 249); tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả (Điều 207…

 Đối với những tội phạm được thực hiện do  lỗi vô ý, nhất là đối với các vụ vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, hiện nay giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và đặc biệt khi xét xử vẫn có quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: cần tịch thu đối với phương tiện giao thông của chủ sỡ hữu đã gây tai nạn, vì đây là phương tiện dùng vào việc phạm tội, do đó phải áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS đối với phương tiện này.

Quan điểm thứ hai cho rằng: không tịch thu đối với phương tiện mà phải trả lại cho chủ sở hữu nếu họ đã thực hiện xong việc bồi thường thiệt hại, các nghĩa vụ khác mà bản án đã tuyên, nếu chưa thực hiện xong việc bồi thường, án phí thì có thể tuyên tạm giữ để đảm bảo thi hành án. Bởi lẽ, đây là hành vi phạm tội với lỗi vô ý, điều luật quy định là “dùng” vào việc phạm tội, chủ sỡ hữu trước khi gây tai nạn hoàn toàn không có ý định thực hiện hành vi phạm tội nên không thể áp dụng biện pháp tư pháp là tịch thu phương tiện được.

Việc xác định vật, tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội: Từ một số nhận định và áp dụng pháp luật trong việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước cho thấy, về tính chất cũng như tình tiết vụ án là giống nhau nhưng việc áp dụng khoản 1 Điều 47 BLHS để tịch thu sung quỹ nhà nước với nhận định đó là số tiền thu lợi bất chính của các Tòa án là khác nhau, cũng như nhầm lẫn giữa khái niệm vật, tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có hay khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội. Như vậy, có người phạm tội thì bị tịch thu có người lại không bị tịch thu, trong khi đó chưa có hướng dẫn cụ thể của ngành cấp trên nên việc áp dụng của Cơ quan tiến hành tố tụng vẫn mang tính tùy nghi áp dụng.

Nam Phương