Bộ luật TTHS 2015: Những quy định giúp bên bị buộc tội bình đẳng hơn khi tham gia tố tụng
Tòa án - Ngày đăng : 07:28, 30/08/2018
BLTTHS năm 2015 đã bổ sung người tham gia tố tụng mới cũng như quy định về quyền và nghĩa vụ cho những chủ thể này để họ có cơ sở pháp lý bảo vệ mình trước sự nghi ngờ là thực hiện hành vi phạm tội, đó là: Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt (Điều 55, 56, 57).
Khoản 1 Điều 64 BLTTHS năm 2003 quy định về chứng cứ, khoản 1 các Điều 48, 49, 50 BLTTHS 2003 về quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có những quy định ảnh hưởng đến quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo khi chỉ chấp nhận là chứng cứ nếu tài liệu, đồ vật được thu thập bởi các cơ quan tiến hành tố tụng, những tài liệu, đồ vật do chủ thể khác thu thập thì không được coi là chứng cứ. BLTTHS 2015 đã có bước thay đổi về nội dung chứng cứ cũng như bổ sung quyền của người bị buộc tội là quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu (Điều 58, 59, 60, 61); người bào chữa có quyền thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu (điểm h, khoản 1 Điều 73).
Điều 48, 49, 50 BLTTHS năm 2003 quy định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa. Tuy nhiên, để người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện được các quyền này thì lại phụ thuộc vào thiện ý của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Bên cạnh đó, do chưa có nhận thức đầy đủ quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là được chứng minh sự vô tội hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho mình mà vô hình chung người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nhiều khi đã bị gạt ra khỏi quá trình tố tụng, mà cụ thể hơn, họ đã bị gạt ra khỏi quá trình tranh tụng. Có không ít những trường hợp khi người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền tự bào chữa cho mình thì lại cho rằng người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có thái độ không thành khẩn khi khai báo. Điều đó đã hạn chế đi quyền bào chữa của những chủ thể này.
Ảnh minh họa
BLTTHS năm 2015 bổ sung một số quyền mới đã giúp cho người bị buộc tội có chỗ đứng công bằng trong quá trình tranh tụng, trong quá trình chứng minh sự vô tội hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho mình. Những quyền mới đó là: Trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tố tụng kiểm tra, đánh giá (Điều 58, 59, 60, 61 BLTTHS năm 2015).
Đối với bị can, bị cáo, một số quyền mới khác cũng được quy định bổ sung góp phần tạo điều kiện cho người bị buộc tội thực hiện việc gỡ tội cho mình. Đối với bị can, được bổ sung thêm quyền đề nghị giám định, định giá tài sản; quyền được đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu. Đối với bị cáo, được bổ sung thêm quyền đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị triệu tập người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người giám định, người định giá tài sản, điều tra viên tham gia phiên tòa; đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi những người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa.
BLTTHS năm 2015 đã có một loạt những quy phạm pháp luật mới đảm bảo cho người bào chữa thuận lợi trong quá trình tham gia tố tụng hình sự. Cụ thể, BLTTHS năm 2003 quy định, thời điểm sớm nhất mà người bào chữa tham gia tố tụng là từ khi có quyết định tạm giữ. Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 đã thể hiện sự tiến bộ khi quy định thời điểm sớm nhất mà người bào chữa tham gia tố tụng là từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
BLTTHS năm 2015 đã mở rộng quyền của người bào chữa. Người bào chữa có quyền được gặp, hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, quy định này triệt tiêu việc những người có thẩm quyền gây khó khăn cho người bào chữa khi muốn gặp thân chủ của mình. Một số quy định mới khác cũng đã cho thấy một bước tiến lớn góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng, như: Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, bị tạm giữ, bị can. Trước đây, BLTTHS năm 2003 quy định người bào chữa muốn biết về thời gian, địa điểm hỏi cung bị can thì phải đề nghị với cơ quan điều tra báo trước. BLTTHS năm 2015 đã đặt trách nhiệm cho cơ quan có thẩm quyền trong việc báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác cho người bào chữa, tránh việc những người có thẩm quyền chậm trễ, gây khó khăn cho người bào chữa đối với nội dung này.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn người bào chữa, thủ tục đăng ký bào chữa trong BLTTHS năm 2015 được quy định chi tiết, cụ thể và thuận lợi để đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội.