Tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại TAND

Tòa án - Ngày đăng : 06:23, 20/10/2017

Đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án là một trong các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử.

Đó là việc đổi mới các quy trình, thủ tục mang tính chất hành chính hỗ trợ cho hoạt động xét xử tại Tòa, giải quyết các yêu cầu của công dân trước và sau các phiên tòa xét xử và các hoạt động quản lý, điều hành của lãnh đạo Tòa án các cấp.

Một trong những yêu cầu mà Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” đề ra là: “…đổi mới thủ tục hành chính trong các cơ quan tư pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý; người dân chỉ nộp đơn đến Tòa án, Tòa án có trách nhiệm nhận và thụ lý đơn”.

Thực hiện yêu cầu “đổi mới thủ tục hành chính tư pháp trong hoạt động của Tòa án các cấp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi có công việc tại Tòa án” theo tinh thần chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC, trong những năm qua, các Tòa án đã thực hiện nhiều giải pháp để đổi mới các thủ tục hành chính tư pháp. Các hoạt động cải cách tập trung vào việc đổi mới các quy trình, thủ tục tiếp nhận và xử lý công văn, đơn khởi kiện, hồ sơ kháng cáo, kháng nghị, hồ sơ do Viện Kiểm sát chuyển đến, đơn khiếu nại quyết định tố tụng, hành vi tố tụng, đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; phân công giải quyết vụ án; cấp sao lục bản án, quyết định của Tòa án; quản lý số lượng án thụ lý, giải quyết; tiếp công dân...

Đặc biệt đối với các Tòa án địa phương, được sự giúp đỡ của Dự án “Phát triển tư pháp và sự tham gia từ cơ sở” của Canada, TANDTC đã lựa chọn TAND các tỉnh Hưng Yên, Vĩnh Long, Thừa Thiên Huế để triển khai thực hiện thí điểm mô hình cải cách tư pháp “một cửa”. Từ sau năm 2010, trên cơ sở tổng kết và nhân rộng mô hình cải cách thủ tục hành chính tư pháp, đến nay nhiều Tòa án đã áp dụng mô hình cải cách hành chính tư pháp "một cửa" hay còn gọi là mô hình Tổ hành chính tư pháp. Mô hình này giúp việc cho Chánh án trong việc tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện, đơn khiếu nại và thụ lý các loại án thuộc thẩm quyền, tham mưu lập danh sách các loại vụ án trình Chánh án phân công Thẩm phán giải quyết. Hoạt động này thực hiện theo quy trình khép kín. Người dân, cơ quan, tổ chức đến liên hệ công tác qua Tổ hành chính tư pháp sẽ có cán bộ hướng dẫn mọi thủ tục liên quan đến hoạt động của Tòa án.

Tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại TAND

 Thủ tục hành chính tư pháp được niêm yết công khai tại TAND tỉnh Quảng Bình

 Việc triển khai thực hiện mô hình cải cách tư pháp “một cửa” cho thấy: Việc tiếp nhận, xử lý đơn và công văn tập trung vào một đầu mối giúp cho công tác quản lý, điều hành, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo thuận lợi và kịp thời hơn. Việc giải đáp và hướng dẫn trực tiếp cho người dân thông qua mô hình “một cửa” đã mang lại hiệu quả thiết thực, số lượt người phải đến liên hệ nhiều lần để giải quyết một vụ việc giảm hơn trước; khắc phục được tình trạng nộp đơn tràn lan, không có căn cứ. Tăng cường tính minh bạch, công khai trong các hoạt động của Tòa án, đồng thời bảo đảm quyền giám sát, kiểm tra và tiếp cận công lý của người dân. Việc thực hiện mô hình cải cách tư pháp “một cửa” cũng là điều kiện để cán bộ công chức Tòa án tạo cho mình một phong cách làm việc thân thiện, gần gũi, cầu thị, tăng thêm sự tin tưởng của người dân đối với Tòa án.

 Bên cạnh đó, các Tòa án đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả các mặt hoạt động; công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án; đồng thời luôn chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân; tác phong công vụ cho cán bộ, công chức nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân khi có công việc tại Tòa án.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại các Tòa án cũng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đặt ra. Mô hình cải cách hành chính tư pháp “một cửa” tại các TAND cấp tỉnh và cấp huyện mặc dù đã thể hiện nhiều ưu điểm, nhưng vẫn mang tính chất thử nghiệm, chưa trở thành quy định chung mang tính bắt buộc đối với các Tòa án. Quy trình thực hiện hoạt động hành chính tư pháp tại Tòa án các cấp không thống nhất. Đội ngũ cán bộ thực hiện các hoạt động hành chính tư pháp còn thiếu về số lượng, một số hạn chế về trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm với công việc và cá biệt còn có biểu hiện gây phiền hà, nhũng nhiễu với người dân. Trang thiết bị và môi trường làm việc để tiến hành các hoạt động hành chính tư pháp tại Tòa án các cấp chưa hiện đại, khoa học, đặc biệt là đối với các TAND cấp huyện…

Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả xử lý công việc và công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án; xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện, “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, là chỗ dựa của nhân dân và là nơi bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, các Tòa án cần xác định việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính tư pháp là một trong những nhiệm vụ cấp bách và có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác Tòa án nói chung và chất lượng phục vụ người dân khi có việc yêu cầu Tòa án giải quyết nói riêng. Đảm bảo các vụ việc phải được thụ lý và giải quyết nhanh chóng, loại bỏ những thủ tục rườm rà; ứng dụng quy trình một cửa liên thông, xác định rõ thời gian giải quyết của từng khâu. Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về cải cách hành chính tư pháp cần phải được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của các Tòa án nhân dân.

PV