Những sai sót thường gặp trong giải quyết án hôn nhân và gia đình
Tòa án - Ngày đăng : 07:46, 20/07/2016
Qua công tác giám đốc thẩm, tái thẩm, TANDTC thấy sai sót trong giải quyết các vụ án hôn nhân gia đình là rất đa dạng, như: sai sót trong xác minh, thu thập, đánh giá chứng cứ; đánh giá chưa toàn diện các tình tiết khách quan của vụ án; không đưa người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng… dẫn đến quyết định hoặc bản án tuyên chưa đủ căn cứ và bị Tòa án cấp trên hủy để giải quyết lại.
Đặc thù của loại án hôn nhân và gia đình là phải giải quyết nhiều mối quan hệ trong cùng một vụ án gồm: quan hệ hôn nhân, con chung, tài sản. Trong quan hệ tranh chấp về tài sản có nhiều quan hệ đan xen cần giải quyết như: ngoài việc xác định tài sản chung, riêng còn phải giải quyết các quan hệ tặng, cho, mua bán, thế chấp tài sản, quan hệ vay nợ… Không ít vụ án có rất nhiều tài sản là bất động sản, với nguồn gốc hình thành khác nhau và có tại nhiều địa phương khác nhau nên rất khó khăn cho Tòa án trong việc thẩm định, xác minh, thu thập chứng cứ.
Tuy nhiên, Tòa án các cấp đã khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Về cơ bản, Tòa án các cấp đều cố gắng đã xét xử đúng hạn luật định, đúng quy định pháp luật cả về tố tụng và nội dung; việc áp dụng pháp luật có căn cứ vững chắc, có tình, có lý, phù hợp với thực tế, đảm bảo được quyền lợi hợp pháp của các bên đương sự. Các bản án có liên quan đến phân chia nhà đất đa số được vẽ sơ đồ rõ ràng, cụ thể, đúng vị trí, mốc giới nên việc thi hành các bản án được dễ dàng, thuận lợi. Đặc biệt, có rất nhiều bản án sau khi đương sự có đơn đề nghị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, nhưng sau đó các bên đã tự thỏa thuận thi hành bản án.
Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, thì vẫn còn nhiều vụ án hôn nhân gia đình có đơn đề nghị giám đốc thẩm là những vụ án phức tạp, nhiều nội dung tranh chấp, khiếu nại chủ yếu về việc chia tài sản là nhà đất. Các quan hệ về nhà đất vốn đã phức tạp, hệ thống văn bản pháp luật lại chưa đầy đủ, công tác quản lý đất đai của chính quyền các cấp còn thiếu chặt chẽ. Chính vì vậy, Tòa án các cấp đã gặp không ít khó khăn và khó tránh khỏi thiếu sót trong quá trình giải quyết các vụ án hôn nhân gia đình.
Xét xử một vụ ly hôn (Ảnh minh họa)
Qua công tác giám đốc thẩm, tái thẩm, TANDTC thấy sai sót trong giải quyết các vụ án hôn nhân gia đình là rất đa dạng, như: sai sót trong xác minh, thu thập, đánh giá chứng cứ; sai sót trong áp dụng các quy định của Luật hôn nhân gia đình và các luật có liên quan khi xác định tài sản chung, tài sàn riêng, khi định giá và quyết định phân chia tài sản. Nguyên nhân dẫn đến sai sót là do Tòa án các cấp chưa thu thập đầy đủ chứng cứ hoặc đã thu thập đầy đủ chứng cứ nhưng đánh giá chưa toàn diện các tình tiết khách quan của vụ án. Việc thu thập chứng cứ có ý nghĩa rất quan trọng và là cơ sở để Tòa án giải quyết vụ án; chỉ khi thu thập đầy đủ chứng cứ thì Tòa án mới có đủ căn cứ để giải quyết vụ án. Trên thực tế, còn có không ít các trường hợp Tòa án giải quyết vụ án khi chưa đầy đủ các chứng cứ dẫn đến quyết định tại bản án tuyên chưa đủ căn cứ và bị Tòa án cấp trên hủy để giải quyết lại. Sai sót của Tòa án các cấp hay gặp là bỏ sót tài sản khi phân chia tài sản chung, xác định chưa chính xác diện tích đất tranh chấp, chưa làm rõ các yêu cầu của đương sự; lời khai của các đương sự có nhiều mâu thuẫn nhưng Tòa án không tiến hành đối chất để làm rõ...
Ngoài ra, những sai sót mà các Tòa án cũng hay gặp phải là không đưa người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án tham gia tố tụng; bị đơn vắng mặt tại nơi cư trú, nguyên đơn làm đơn xin ly hôn với bị đơn nhưng Tòa án chưa tiến hành thủ tục tuyên bố mất tích đối với bị đơn mà đã chấp nhận cho nguyên đơn được ly hôn. Trên thực tế, vẫn có Tòa án không đưa người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng ngay cả khi đương sự khai có người liên quan. Do đó, khi giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó và người này có yêu cầu thì Tòa án xem xét để đưa họ tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nếu không có ai yêu cầu đưa họ vào tham gia tố tụng thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng trong trường hợp quyền lợi, nghĩa vụ của họ có liên quan trong vụ án; nếu không, vụ án không thể giải quyết được. Việc không đưa họ vào tham gia tố tụng nếu họ có liên quan đến vụ án là vi phạm thủ tục tố tụng.
Mặt khác, khi giải quyết chia tài sản chung, có Thẩm phán định giá không theo giá thị trường, hoặc thành phần định giá không đúng quy định của pháp luật, hoặc không xác minh thực tế tài sản tranh chấp. Hơn nữa, khi phân chia tài sản trong vụ án, có Thẩm phán đã không chia đúng với hiện trạng; chia tỷ lệ không tương xứng với công sức đóng góp của mỗi bên, hoặc chia hiện vật không đảm bảo quyền lợi (chưa xác minh làm rõ nhu cầu về chỗ ở của mỗi bên, đặc điểm của tài sản, chưa ưu tiên bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em) theo nguyên tắc về chia tài sản khi ly hôn. Có vụ án, Thẩm phán đã bỏ sót tài sản khi phân chia tài sản chung, xác định chưa chính xác diện tích đất tranh chấp dẫn đến không thi hành án được…
TANDTC lưu ý các TAND địa phương khi chia tài sản chung của vợ chồng thì việc chia bằng giá trị chỉ được áp dụng khi không thể chia được bằng hiện vật. Việc chia bằng hiện vật cần căn cứ vào nhu cầu của mỗi bên, nếu các bên đều có nhu cầu được sử dụng tài sản thì Tòa án cần xem xét để giao cho các bên sử dụng trên cơ sở hiện trạng sử dụng tài sản nhằm đảm bảo giá trị sử dụng và hiệu quả sử dụng của các tài sản sau khi chia cho các bên. Trong trường hợp tài sản chung là quyền sử dụng đất và nhà ở, Tòa án cần làm rõ nhu cầu về chỗ ở của các bên, hiện trạng nhà và quyền sử dụng đất có đảm bảo sử dụng sau khi chia hay không. Trong một số vụ án, Tòa án giao toàn bộ nhà đất cho một bên vợ hoặc chồng trong khi nhà có thể chia, hoặc đất có diện tích rộng và cả hai bên đều có yêu cầu được sử dụng hiện vật nhưng lại chỉ giao cho một bên. Cũng có vụ án, Thẩm phán lại chia cho các bên phần nhà, đất nhưng không đảm bảo được tính năng sử dụng. Một vấn đề nữa mà các Tòa án cần đặc biệt chú ý là khi giải quyết tài sản chung của vợ chồng, Tòa án cần xem xét đến nội dung thỏa thuận của vợ chồng để xác định xem có dấu hiệu trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ về tài sản không để từ đó có cơ sở công nhận hay không công nhận thỏa thuận của các bên trong vụ án hôn nhân và gia đình.