Vinh danh một Thẩm phán say mê khoa học
Tòa án địa phương - Ngày đăng : 15:29, 06/07/2016
Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh Phạm Minh Tuyên, ngoài công tác chuyên môn, được giới nghiên cứu luật pháp biết đến là một nhà nghiên cứu chuyên ngành luật hình sự, trong đó chuyên sâu về đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy, có nhiều đóng góp có tính khoa học và thực tiễn cao.
Tính từ năm 2003 đến nay, TS Phạm Minh Tuyên đã có khoảng 30 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành như Tạp chí Tòa án nhân dân, Tạp chí Kiểm sát, Tạp chí Nghề luật với các bài viết như: “Trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về ma tuý”; “Việc định lượng đối với các tội phạm về ma tuý trong Bộ luật Hình sự năm 1999”; “Việc xử lý hành vi lây truyền HIV cho người khác”; “Một số bất cập và những kiến nghị đối với các quy định của Bộ luật Hình sự về các tội phạm ma tuý theo pháp luật hiện hành”; “Một số vấn đề về bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong Luật Tố tụng hình sự năm 2003”; “Một số vướng mắc trong việc áp dụng Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và những kiến nghị sửa đổi”; “Những vướng mắc về tổng hợp hình phạt tù có thời hạn với án treo trong thực tiễn xét xử hiện nay”; “Một số vấn đề sửa đổi, bổ sung phần chung Bộ luật Hình sự năm 1999”; “Một số vướng mắc và biện pháp xử lý tội phạm trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin và viễn thông ở Việt Nam”; “Về những quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015” …
Bên cạnh đó, TS Phạm Minh Tuyên còn có nhiều tham luận tại các Hội thảo như: “Trăn trở án oan sai trong hoạt động xét xử” tham luận tại Hội thảo do Liên đoàn Luật sư tổ chức năm 2009”; “Bạo lực gia đình nhìn từ góc độ bình đẳng giới” tham luận tại Hội thảo quốc tế năm 2010 do Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức; “Bảo vệ quyền của người dân tộc thiểu số và người tàn tật theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, thực tiễn áp dụng và những vấn đề vướng mắc” tham luận tại Hội thảo quốc tế do Vụ hợp tác quốc tế tổ chức năm 2010 tại TP Hồ Chí Minh; “Cơ chế phối hợp liên ngành trong đào tạo chung ba chức danh” ; “Phân biệt thẩm quyền quản lý hành chính với thẩm quyền tố tụng hình sự của những người có chức danh quản lý hành chính của Tòa án và vấn đề tăng thẩm quyền và trách nhiệm cho Thẩm phán”; “Triệt phá tội phạm liên quan đến động vật hoang dã tại Việt Nam”; “Phòng ngừa tội phạm người chưa thành niên của Tòa án thông qua hoạt động xét xử các vụ án hình sự kết quả - những bất cập hạn chế và nguyên nhân”… trình bày tại nhiều diễn đàn khoa học khác nhau.
Trong hoạt động nghiên cứu của mình, TS Phạm Minh Tuyên là một trong những chuyên gia có uy tín về phòng chống tội phạm ma túy, đây là lĩnh vực mà ông theo đuổi từ khi làm Luận văn Thạc sĩ và Luận án Tiến sĩ (năm 2002 đến 2016).
Ông cũng là tác giả của các tác phẩm nghiên cứu đã xuất bản như: “Quy trình giải quyết vụ án hình sự (2012); “Các tội phạm về ma túy - cơ sở lý luận và thực tiễn xét xử” (2013); “Các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ - cơ sở lý luận và thực tiễn xét xử ở Việt Nam” (2015).
TS Phạm Minh Tuyên nhận kỷ niệm chương Ảnh Nguyễn Dương
Từng trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, từ Chánh tòa đến Phó Chánh án rồi Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, lượng công việc mà trách nhiệm phải giải quyết rất lớn, nhiều người đặt câu hỏi làm thế nào mà TS Phạm Minh Tuyên có thể tham gia nghiên cứu khoa học với số lượng sản phẩm dày đặc như thế. Bên lề lễ vinh danh, TS Phạm Minh Tuyên chia sẻ: Đúng là công việc của một Thẩm phán, một Chánh án rất bề bộn nhưng là một người say mê nghiên cứu khoa học thì chính trong công việc bận rộn, thậm chí có thể nói là “lao tâm khổ tứ” của mình, tôi lại có điều kiện suy nghĩ, kiến giải để viết thành bài báo khoa học. Việc nghiên cứu của tôi vì vậy gắn liền với thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn và những đề xuất kiến nghị của chúng tôi cũng gắn với thực tiễn hoạt động xét xử của Tòa án.
Trong quá trình nghiên cứu, TS Phạm Minh Tuyên đã có những kiến nghị về việc cần đưa việc giám định hàm lượng các chất ma túy làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như bỏ hình phạt tử hình đối với hành vi “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” “tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy” trong Luận án Tiến sĩ. Năm 2007, vấn đề giám định hàm lượng các chất ma túy trong các vụ án hình sự đã chính thức được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17/2007; vấn đề bỏ án tử hình đối với hành vi “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” đã được hủy bỏ năm 2009 khi sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.
Về các kiến nghị viết trong các bài viết khoa học đã được công bố như kiến nghị về thời hạn xóa án tích, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đã được các nhà khoa học đồng tình và Phó giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Độ đã phát biểu tại kỳ họp Quốc hội tháng 11/2015. Về các kiến nghị và giải pháp nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa hình sự cũng như các kiến nghị cần đưa “nguyên tắc suy đoán vô tội” và “quyền im lặng” vào các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Hiến pháp năm 2013 đã quy định “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” (khoản 5 Điều 103). Dự thảo sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự cũng đã ghi nhận đưa vấn đề “suy đoán vô tội” là nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự, vấn đề quyền im lặng cũng được nhiều nhà khoa học đồng tình… Quả thật, những kiến nghị khoa học của TS Phạm Minh Tuyên rất thiết thực.
TS Phạm Minh Tuyên là giảng viên kiêm chức của trường Đại học Luật từ năm 2002, tham gia giảng dạy môn Luật hình sự và Tố tụng hình sự cho các lớp Trung cấp Luật do Trường Đại học Luật mở tại tỉnh Bắc Ninh từ năm 2002 - 2006; giảng viên kiêm chức của Học viện Tư pháp và Học viện Tòa án, tham gia giảng dạy môn Luật hình sự và Tố tụng hình sự từ năm 2005 đến nay.
Ông cũng là giảng viên kiêm chức tham gia giảng dạy các lớp Cao học tại Viện Nhà nước và pháp luật thuộc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh từ tháng 8/2006 đến nay, đã hướng dẫn 25 học viên làm Luận văn Thạc sĩ và đang hướng dẫn một nghiên cứu sinh làm luận án Tiến sĩ.
TS Phạm Minh Tuyên chia sẻ: Chính trong quá trình giảng dạy, tiếp xúc với các học viên đến từ các Tòa án, các cơ quan trong cả nước tôi lại học thêm được nhiều điều, biết thêm nhiều tình huống pháp lý xảy ra trong thực tiễn. Cho nên, đi giảng bài cũng là một cách học.