Cải thiện năng suất lao động quốc gia

Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 09:18, 22/08/2019

Trên các báo, đã từng có nhận xét rằng về năng suất lao động, 4 người Việt mới bằng 1 người Thái và 1 người Hàn bằng 10 người Việt. Vậy đâu là năng suất lao động của người Viêt Nam?

Năng suất lao động của nước ta vẫn thấp trong khu vực! Lãnh đạo và chuyên gia đều có chung nhận xét như vậy. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vẫn nhấn mạnh, chỉ số năng suất lao động thấp không có nghĩa là người Việt Nam không chuyên cần bằng các nước. Thậm chí, có những ngành của Việt Nam năng suất rất cao và một số nước tìm cách hạn chế các sản phẩm Việt xuất khẩu sang. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê mới công bố, năng suất lao động (NSLĐ) của nước ta vẫn thấp so với khu vực và trên thế giới, chỉ bằng 7,3% của Singapore, 19% của Malaysia, 37% của Thái Lan, 44,8% của Indonesia và bằng 55,9% của Philippines.

Các chuyên gia luôn khẳng định người Việt Nam không lười và năng suất thấp không phải vì họ không khéo léo. Năng suất lao động thấp cho thấy GDP không chỉ được tạo ra bởi mỗi lao động, về bản chất, GDP là tổng giá trị gia tăng của lao động, vốn, công nghệ.

Theo đại diện của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), việc so sánh năng suất lao động của Việt Nam với các nước khác có phần khập khiễng. Hiện nay ngành may và ngành da giày cũng tương tự điện tử: Khâu sản xuất ở Việt Nam là khâu gia công cuối cùng. Vì vậy, để có thêm giá trị gia tăng và nâng năng suất lao động, theo đại diện UNDP,  Việt Nam cần tập trung để doanh nghiệp tham gia vào khâu tiền sản xuất và hậu sản xuất (từ thiết kế cho đến marketing bán hàng).

Được biết, tại một doanh nghiệp trong ngành công nghệ cao có năng suất lao động lên tới 230.000 USD một người một năm như Tập đoàn Viettel. Nếu so sánh từng cá nhân người lao động thì không phải là người Việt Nam  không khéo léo, cần cù. Tuy năng suất  từng cá nhân tốt nhưng trong một tập thể, tổ chức, chúng ta lại kém. Chính điều này khiến năng suất lao động Việt Nam kém. Như vậy, điều quan trọng nhất để tăng năng suất là quy hoạch ngành nghề, địa phương và doanh nghiệp, hay nói cách khác là tập trung cho những gì mũi nhọn và đứng đầu. Sau khi quy hoạch, việc ứng dụng khoa học công nghệ hay quản trị tiên tiến mới cần bàn đến.

Các chuyên gia cũng cho rằng NSLĐ không chỉ đơn thuần là vấn đề kinh tế mà còn là văn hóa và truyền thống. Phải tinh tế để đưa ra những giải pháp thúc đẩy NSLĐ liên quan đến yếu tố văn hoá và thói quen của người Việt Nam.

Chủ trì hội nghị cải thiện NSLĐ quốc gia mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập nhiều lần đến vấn đề thể chế chính sách như một điểm nghẽn. Theo người đứng đầu Chính phủ, để tăng năng suất chung của nền kinh tế, đầu tiên là cải cách thể chế. Cần chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực có giá trị gia tăng thấp lên cao hơn. Cải cách khu vực tài chính ngân hàng để dòng vốn chảy vào khu vực có năng suất cao nhất. Chính phủ sẽ ưu tiên các dự án FDI có chọn lọc những ngành có giá trị gia tăng cao, công nghệ cao, đồng thời kết hợp tốt FDI và doanh nghiệp trong nước...Thủ tướng đã kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư và các tầng lớp chung sức tạo nên một cuộc bứt phá mới trong năng suất lao động.

Như vậy, chỉ số năng suất lao động tại Việt Nam chưa cao do xuất phát điểm thấp nhưng tiềm lực  của chúng ta rất lớn. Cần  cải cách thể chế, chính sách, pháp luật, kinh tế, đặc biệt là thị trường lao động, cạnh tranh về thị trường lao động…để cải thiện NSLĐ quốc gia. 

Bảo Dân