Giáo viên bị phụ huynh ép quỳ gối: Thầy giáo hay “thợ dạy”
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 10:55, 09/03/2018
“Thương cho roi cho vọt…” muốn dạy dỗ, đào tạo con trẻ nên người không đơn giản cho chúng một cuộc sống đủ đầy, mà cũng cần có thưởng phạt rõ ràng để chúng có thể hiểu rõ được giá trị cuộc sống xung quanh chúng.
Thời của chúng tôi - thời của những đứa trẻ 8X, hư đốn, ngỗ ngược bị thầy cô véo tai là thường xuyên. Còn cái tội nói chuyện trong lớp nhẹ thì bị cô cho đứng góc lớp một mình nhìn các bạn học, nặng thì bị quỳ gối. Năm tôi học lớp 2, cả nhóm 4 đứa sau giờ học bị cô chủ nhiệm bắt xếp hàng quỳ gối cuối lớp tới gần tối mới được cô cho về. Về tới nhà bố mẹ hỏi sao về muộn, cũng chỉ dám ấp úng quanh co rồi thú tội và lại bị bố vụt cho mấy roi vì không nghe lời cô.
Giáo dục là phải từ Gia đình – Nhà trường – Xã hội. Một đứa trẻ được sinh ra, môi trường sống của chúng quyết định rất nhiều trong việc phát triển nhân cách và tư duy của trẻ. Gia đình đóng vai trò quan trọng nhất trong việc uốn nắn một đứa trẻ thành một cái cây xanh tốt hay cằn cỗi, sau đó mới tới nhà trường và xã hội.
Người thầy, trở thành những người “thợ dạy” đúng nghĩa
Nhưng trong thời đại ngày nay, với hệ thống giáo dục cũng khác xưa, bọn trẻ gần như phải ở trường cả ngày chứ không được tự do bay nhảy như chúng tôi ngày xưa. Điều đó vô tình khiến các bậc cha mẹ xem nhẹ vai trò của mình, và cũng vô tình khiến trách nhiệm của thầy cô thêm nặng nề.
Câu chuyện về một cô giáo bị phụ huynh gây sức ép phải quỳ gối suốt 40 phút vì con của họ bị cô giáo bắt phạt với hình phạt tương tự như thế vào buổi học trước khiến dư luận xôn xao, thực tình đã đi quá xa giới hạn gia đình và nhà trường.
Tôi xin không bàn tới chuyện ai đúng ai sai, chỉ xin đặt mình vào vị trí là một người thầy, một người đã từng công tác trong ngành sư phạm để nói rằng, chưa bao giờ giá trị một người thầy lại bị xem nhẹ đến như vậy.
Nghề giáo viên vốn được coi là một nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, từ ngàn xưa, người thầy đã luôn được trọng vọng và tôn kính thì giờ nghề giáo bỗng như trở thành một “nghề làm thuê” không hơn không kém. Người thầy, trở thành những người “thợ dạy” đúng nghĩa. Ngoài trọng trách to lớn của một “đưa đò”, thầy cô ngày nay còn phải chịu trách nhiệm “làm vừa lòng khách hàng” và những “cục vàng cục bạc” của họ nữa.
Câu chuyện xảy ra với cô giáo trường tiểu học Bình Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An hôm 28/2 vừa qua quả thực là câu chuyện đáng buồn của ngành giáo dục. Ngoài những vấn đề về đạo đức, nhân quyền thì nó còn thể hiện sự yếu kém trong việc quản lý giáo dục, nó cho thấy sự thương mại hóa đang dần lớn trong cái ngành cao quý này.
Hôm qua (8/3) tôi đã có dịp ngồi chuyện trò cùng cô giáo dạy tại một trường tiểu học ở Hà Nội. Cô chia sẻ câu chuyện về một cậu học sinh trong lớp, rất nghịch ngợm và hay nói chuyện. Trong lúc cả lớp đang chăm chú nghe một bạn phát biểu ý kiến thì cậu học trò này lại nói chuyện gây tiếng ồn. Khi đó, cô đang đứng ngay cạnh cậu học trò này. Nóng giận, cô lấy tay đập vào vai trò yêu cầu trật tự.
Câu chuyện tưởng chừng chỉ có thế, nhưng ngày hôm sau và những ngày sau nữa, cô bắt đầu nghe những lời ì xèo từ phía các phụ huynh và sau đó là đơn thư gửi trực tiếp lên ban giám hiệu nhà trường. Rất may, trong câu chuyện của cô, ban giám hiệu và hội phụ huynh đã lên tiếng kịp thời và cô may mắn không bị “truy cứu” hay bắt quỳ gối như đồng nghiệp đáng thương kia.
Nhưng sau câu chuyện đó, cô nói rằng sẽ không bao giờ phạt học sinh nữa, cũng không bao giờ nhắc nhở to tiếng gì cả. Và tất nhiên, tôi nhận thấy, hậu quả của việc này là các con đến lớp dù không thuộc bài, không làm bài tập cô giáo cũng không trách phạt. Không phải là cô không quan tâm, mà là vì cô “không dám”.
Thật buồn cho một thế hệ con trẻ, khi bố mẹ chúng thì quá bận rộn với công việc, không có nhiều thời gian uốn nắn các con, mong hòng đưa con đến trường để được học tập và rèn luyện thì ở trường, nơi các thầy cô, những người được phép dạy dỗ các con lại “không dám” làm điều đó vì sợ những “khách hàng” của mình phật ý. Và cách an toàn nhất mà các thầy cô lựa chọn đó là “dĩ hòa vi quý”, miễn sao không ảnh hưởng tới mình.
Quay trở lại câu chuyện của cô giáo ở trường tiểu học Bình Chánh bị phụ huynh ép quỳ gối. Nếu như Ban giám hiệu nhà trường quyết liệt hơn, lên tiếng bảo vệ đồng nghiệp, bảo vệ lòng tự tôn của nghề giáo, nếu như các bậc phụ huynh nghĩ thoáng hơn, “tôn sư trọng đạo” hơn, nếu như cô giáo kia mạnh mẽ hơn, không bị quá nhiều áp lực từ phía nhà trường và các “khách hàng vàng” thì chắc hình ảnh người thầy đã không trở nên méo mó tới như vậy.
Thử hỏi, sau câu chuyện này, còn bạn trẻ nào muốn học ngành sư phạm nữa không, khi làm nghề mà ngày càng nhiều áp lực từ phía xã hội, tất cả những “sản phẩm” thể hiện trên đứa trẻ đều đổ lỗi do thầy. Từ bao giờ mà chỉ người thầy mới có thể tạo ra một đứa trẻ tốt hay xấu mà không phải bố mẹ của chúng?