Quyết sách đặc thù

Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 14:44, 02/12/2017

Lâu nay có tình trạng một số địa phương, ngành hàng, thậm chí doanh nghiệp hay “kêu” xin ưu ái về chính sách, thuế khóa cho đơn vị mình.

Tuy nhiên, không phải kiến nghị, đề xuất nào Chính phủ cũng “quyết” được. Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho TP HCM là một ví dụ về quyết sách đột phá cho một địa phương. 

 

TP HCM với dân số chiếm 9% dân số cả nước, song đóng góp gần 22% GDP và khoảng 28% tổng thu ngân sách cả nước. 

 Quyết sách đặc thù

Tăng trưởng kinh tế TP trong 30 năm đổi mới bình quân 10,7 %/năm, gấp 1,6 lần bình quân cả nước. Năng suất lao động của TP gấp 2,7 lần năng suất lao động bình quân cả nước. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, tốc độ  phát triển của TP đã suy giảm, thậm chí tụt hậu so với cả nước ở một số lĩnh vực  như thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu, tính hấp dẫn của môi trường cạnh tranh, các yếu kém về giao thông, úng ngập, chất lượng môi trường có xu hướng xấu hơn...

Thực tế này cho thấy các kiến nghị của Đảng bộ và chính quyền TP HCM về một cơ chế đặc thù cho TP cần được xem xét một cách cần kíp. Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội đã chính thức thông qua một Nghị quyết quan trọng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị. Bí thư Thành uỷ TP.HCM cho biết trong 18 nội dung của cơ chế, chính sách đặc thù của TP có 12 nội dung cần có quy định của HĐND TP. Ngay kỳ họp diễn ra vào tháng 12 tới, HĐND TP sẽ ra nghị quyết nhằm triển khai hiệu quả những nội dung về cơ chế đặc thù cho TP.HCM. Trên cơ sở đó, UBND TP sẽ có chương trình thực hiện trong 3 năm 2018-2020 và kế hoạch triển khai hàng năm.

Các chuyên gia cho rằng với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực, Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM  phù hợp với tình hình phát triển của TP sau hơn 40 năm thống nhất miền Nam và hơn 30 năm đổi mới.

Tiếp xúc với cử tri, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, cơ chế đặc thù sẽ không gây ảnh hưởng xấu đến người dân. Nếu không - chắc chắn Quốc hội đã không thông qua. Có đặc thù là để phát triển tốt hơn nữa. TP.HCM thực hiện cơ chế đặc thù nhưng vẫn đảm bảo cam kết, vẫn giữ vững tốc độ phát triển,  tỷ lệ  đóng góp cho ngân sách, giữ năng suất lao động cao so với cả nước và không làm ảnh hưởng đến kế hoạch ngân sách của trung ương. Mục tiêu của việc thực hiện cơ chế đặc thù là giúp TP phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững hơn vì cả nước.

Trả lời câu hỏi khi được tăng lương cho lao động TP liệu có  công bằng với người dân các nơi khác, Bí thư Nhân cho rằng, do năng suất lao động cao hơn cả nước, công chức TP cũng phục vụ số dân cao hơn mức trung bình cả nước, thì lương cao hơn là điều tất yếu. Tuy nhiên điều đó không gây bất lợi cho người lao động, công chức tỉnh khác vì yêu cầu tuyển dụng hiện nay, kể cả với công chức cũng không cần hộ khẩu  thành phố nữa. Cho nên cơ hội vẫn có cho người tỉnh khác về cạnh tranh.

Trước lo lắng của người dân về việc tăng phí khi triển khai cơ chế đặc thù, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, muốn thay đổi, điều chỉnh cái gì thì HĐND TP phải định hướng. Sau đó phải trình đề án, rồi báo cáo Chính phủ. Ngoài ra còn có bước đánh giá tác động của sự thay đổi. Ít nhất phải 6 tháng nữa mới có thể xong các bước và áp dụng.

Để Nghị quyết của Quốc hội đi vào cuộc sống cần có thời gian. Tuy nhiên, chúng ta có cơ sở để tin rằng, đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố mang tên Bác sẽ vượt lên chính mình, thực sự đóng vai trò đầu tầu phát triển của cả nước!

Bảo Dân