Cần nhiều nguồn lực
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 17:07, 22/05/2017
Theo đó, Thủ tướng quyết định lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các đối tượng quy định tại Nghị định 100/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội trong năm 2017 là 4,8%/năm, tương đương 0,4%/tháng. Thủ tướng yêu cầu định kỳ hàng năm, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện sơ kết, đánh giá; đề xuất, kiến nghị điều chỉnh lãi suất cho phù hợp.
Mặc dù mức lãi suất cho vay nhà ở xã hội đã được ban hành, tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, do khó khăn về nguồn vốn nên nhiều dự án nhà ở xã hội đang gặp cảnh “tiến thoái lương nan”. Báo cáo dẫn kết quả, hết năm 2016, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội đã giải ngân hết, trong khi nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ loại hình nhà ở này theo quy định chưa được triển khai.
Vì vậy, 191 dự án đang tiếp tục triển khai (quy mô khoảng 163.800 căn hộ, tổng mức đầu tư 71.800 tỷ đồng) đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Một số chủ đầu tư đang xin chuyển đổi thành các dự án nhà ở thương mại.
Hình minh họa
Bên cạnh đó, hàng ngàn người có nhu cầu mua nhà ở xã hội chưa thể tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ của Nhà nước sau khi gói 30.000 tỷ kết thúc, do các ngân hàng chưa có vốn và những vướng mắc chưa được tháo gỡ.
Mới đây, Bộ Tài chính công bố, lấy ý kiến vào dự thảo Quyết định về cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất do thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Tuy nhiên, các phương án này bị các chuyên gia cho là “loằng ngoằng, khó hiểu”. Điều này cũng cho thấy sự lúng túng, thiếu thống nhất giữa các bộ ngành trong việc triển khai chính sách. Các ngân hàng hàng thì vẫn “án binh bất động” do chưa có vốn để cho vay.
Vừa qua, thông tin Quỹ phát triển nhà ở TP. HCM cho vay mua nhà với lãi suất 4.7% đối với cán bộ, công chức của thành phố đã gây chú ý trong bối cảnh nhả ở xã hội đang khát vốn. Theo đó, cán bộ công chức, viên chức có hộ khẩu ở thành phố, làm việc tối thiểu 3 năm được vay tối đa 500 triệu đồng trong 15 năm để mua nhà. Trước đó, tại nhiều diễn đàn, khi bàn về mô hình Quỹ phát triển nhà ở, đã có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng hoạt động của quỹ này chồng chéo với ngân hàng chính sách…
Tuy nhiên, nếu nhìn về thực tế thì rõ ràng TP. HCM đã làm được, Quỹ này đã giải quyết nhu cầu nhà ở cho hàng ngàn người với số vốn hàng trăm tỷ đồng. Mô hình này nên được xem xét, nghiên cứu nghiêm túc để triển khai ở các địa phương khác. Bởi lẽ, để phát triển nhà ở xã hội cần sự tham gia của nhiều tổ chức, cần nhiều nguồn lực khác nhau, và điều quan trọng nhất là cần có… vốn.