Vô trách nhiệm!

Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 09:20, 25/04/2017

Vụ khảo sát tai tiếng về “số lần có thai” với học sinh tiểu học ở quận Cầu Giấy vẫn còn bức xúc thì lại có cuộc khảo sát do một phòng khám nam học phát cho các học trò tiểu học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Các bậc phụ huynh giật mình, tưởng phiếu điều tra gửi nhầm địa chỉ cho con mình. Làm sao có thể chấp nhận được khi con cháu mình vừa vào lớp 1 còn chưa biết đọc biết viết đã bị đè ra để hỏi và buộc phải trả lời từng văn bản về… biện pháp tránh thai đang dùng? Số lần có thai? Số lần sảy thai? Có hút thuốc lá, thuốc lào không? Có uống rượu bia thường xuyên không? Và thật kinh khủng khi các con bị hỏi có sử dụng ma túy không?... Đây là chuyện có thật 100% ở Trường Lý Thái Tổ, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Trước thắc mắc của phụ huynh về phiếu khảo sát kỳ cục trên, bà hiệu trưởng giải thích đây là văn bản do y tế quận Cầu Giấy gửi đến yêu cầu nhà trường phối hợp thực hiện để khảo sát, điều tra thông tin. Vị hiệu trưởng này cho biết bản thân cũng thắc mắc khi thấy có nhiều nội dung không phù hợp với học sinh tiểu học, nhưng được giải thích đây là mẫu chung cho cả học sinh từ bậc tiểu học đến THPT nên… phải chấp nhận. Rõ ràng đây là cách xử lý tắc trách.

Trước phản ứng của phụ huynh quận Cầu Giấy, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã phải nhận khuyết điểm trong nội dung phiếu khảo sát đối với học sinh các bậc học ở Thủ đô. Theo đó đây là mẫu của Bộ đưa xuống theo “quy trình”. Thật lạ, cả một sở chuyên môn không có ai phát hiện cái mẫu khảo sát dành cho sinh viên đại học vẫn dược áp cho con trẻ mới đến trường. Chỉ cần đọc nhanh nội dung câu hỏi, ai cũng dễ dàng yêu cầu điều chỉnh ngay lập tức các câu hỏi không dành cho hoc trò tiểu học, trung học cơ sở, thậm chí trung học phổ thông.

Vụ khảo sát tai tiếng về “số lần có thai” với học sinh tiểu học ở quận Cầu Giấy vẫn còn bức xúc thì lại có cuộc khảo sát do một phòng khám nam học phát cho các học trò tiểu học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Trong phiếu này, họ dẫn ra kết quả năm 2016 với  62,9% số bé trai được khuyến cáo phải can thiệp chuyên sâu vì bộ phận sinh dục có vấn đề như biểu hiện thoát vị bẹn, tinh hoàn ẩn, tinh hoàn lạc chỗ, dương vật dị dạng, lệch lỗ tiểu...Với kết quả này, cứ 10 bé thì có 6 bé phải đi khám để chữa bệnh…

Thì ra ở ngay địa bàn Hà Nội mà vẫn quá dễ dàng để thực hiện các cuộc khảo sát, điều tra cơ bản và tùy tiện công bố kết quả bất chấp hậu quả. Ở đây người ta ngó lơ  sự  phối hợp liên ngành để thực hiện trong nhà trường.

Trăm dâu đổ đầu tằm, chỉ khổ cho các trường phải tiến hành các hoạt động này. Cứ cho là mẫu khảo sát là của Bộ Y tế nhưng tại sao Sở Y tế Hà Nội không chịu phân loại theo lứa tuổi bậc học. Rồi các phòng y tế cũng nhắm mắt nhân bản phiếu điều tra để giao về các trường. Rồi các vị hiệu trưởng dù đã thấy các câu hỏi ngớ ngẩn, cứng nhắc nhưng ngại va chạm, sợ mất điểm thi đua nên vẫn phải thực hiện. Cả một chuỗi hành vi phản giáo dục được thực hiện thuận lợi trong nhà trường.

Đã đến lúc các nhà trường phải dứt khoát không cho phép thực hiện các khảo sát, điều tra có mục đích vụ lợi của các tổ chức, cá nhân mà ảnh hưởng đến môi trường sư phạm. 

Bảo Dân