Người trên "trung ương" là ai?
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 16:25, 16/03/2017
Trong nội dung Công văn số 55 của UBND tỉnh Bắc Ninh gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải có nêu đề nghị Thủ tướng "chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra nguyên nhân sự việc, điều tra các cá nhân từ trung ương đến địa phương đứng sau bảo kê, đe dọa cán bộ chuyên môn, lãnh đạo Sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh làm sự việc ngày càng trở nên nghiêm trọng".
Thông tin này khiến dư luận nhiều ngày qua hết sức bất ngờ và đặt câu hỏi "các cá nhân từ trung ương đến địa phương" là những ai?
Xin được nhắc lại nguyên nhân dẫn đến sự việc này xuất phát từ Dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa (ĐTNĐ), kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu.
Dự án này được Cục đường thủy nội địa Việt Nam phê duyệt cho Công ty CP Trục vớt luồng Hạ Lưu (địa chỉ huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) thực hiện. Thế nhưng tỉnh Bắc Ninh lại không đồng ý với dự án này. UBND tỉnh khẳng định rằng trên địa bàn sông Cầu không có điểm nào khan cạn gây khó khăn cho tàu thuyền như nội dung dự án nêu.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh
Sau khi Công văn của UBND tỉnh gửi Chính phủ thì lãnh đạo Cục đường thủy nội địa (ĐTNĐ) cũng lên tiếng về vấn đề này. Ông Trần Văn Thọ, Cục phó Cục ĐTNT phát biểu trên báo chí cho rằng, Cục và UBND tỉnh đã trực tiếp phối hợp đo đạc và khẳng định rằng trên khu vực sông Cầu có ít nhất 3 điểm không đảm bảo chuẩn tắc luồng.
Như vậy trong câu chuyện này đã nảy sinh một mâu thuẫn giữa chính quyền tỉnh Bắc Ninh và Cục ĐTNĐ. Mâu thuẫn trong chủ trương là một chuyện nhưng rất có thể đằng sau đó là mối mâu thuẫn về lợi ích.
Cục ĐTNĐ cho rằng mục tiêu số 1 của đơn vị là khai thông luồng lạch, để tàu thuyền chạy an toàn đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp, Cục không hưởng bất cứ lợi lộc gì. Trong khi đó, Công văn của UBND tỉnh Bắc Ninh vừa gửi lại nêu, việc chỉ đạo dừng nạo vét, tận thu khoáng sản trên sông Cầu được nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao?
Nếu không có Công văn của tỉnh Bắc Ninh thì có lẽ người dân không biết được tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", "ông nói gà bà nói vịt" tồn tại đã lâu ở những cơ quan nhà nước như thế.
Mở rộng vấn đề, UBND tỉnh Bắc Ninh còn cho rằng mặc dù gửi rất nhiều văn bản dừng dự án nhưng trên sông Cầu thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang vẫn cho khai thác rầm rộ dẫn đến sự việc càng trở nên phức tạp.
Đáng nói hơn nữa, Công văn của UBND tỉnh Bắc Ninh nêu thông tin khiến dư luận khá sốc rằng, có một số cá nhân từ trung ương đến địa phương đã có hành vi đe dọa các cán bộ chuyên môn và cá nhân Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh. Công an tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết đã có căn cứ về việc đe dọa này và đang trong quá trình điều tra.
Nội dung của các tin nhắn đe dọa cũng vừa được tiết lộ phần nào, đó là yêu cầu tỉnh không được làm mạnh tay và "phải biết điều cho người khác làm ăn".
Từ đó cho thấy vấn đề trên hết sức phức tạp, nghiêm trọng. Cá nhân ở trung ương, địa phương là những ai? Có những lợi ích gì trong việc nạo vét luồng lạch, tận thu sản phẩm trên sông Cầu? Rất có thể là sự móc nối, câu kết có hệ thống kiểu "xã hội đen' để cùng đạt được một lợi ích nhất định.
Ngày 16/3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản hỏa tốc truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương điều tra đối tượng bảo kê, đe dọa lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh báo cáo kết quả cho Thủ tướng trong tháng 3. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phải báo cáo Thủ tướng về dự án nạo vét, tận thu sản phẩm trên sông Cầu.
Đây là phản ứng kịp thời, rất cần thiết của Thủ tướng Chính phủ nhằm làm sáng tỏ sự việc nghiêm trọng này.