Dạy luật và dùng luật
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 10:09, 15/02/2017
Có quan điểm đồng tình ủng hộ nhưng đa phần các ý kiến đều cho rằng trường ĐH Luật thành phố Hồ Chí Minh đang xử lý quá mạnh tay và không có tình đối với trường hợp này. Trường là nơi đào tạo pháp luật nhưng lại chưa áp dụng đúng các quy định của pháp luật trong việc ban hành các quyết định của mình. Một môi trường đào tạo cứng nhắc và xử lý tình huống không căn cứ vào các yếu tố “tăng nặng và giảm nhẹ” như pháp luật đã quy định, liệu đây có phải là quyết định đúng đắn?
Sở dĩ, người viết nêu quan điểm như vậy, bởi trong hệ thống các văn bản pháp luật của Việt Nam quy định rất rõ. Luật là thượng tôn, là căn cứ là cơ sở để ban hành các Thông tư, Nghị định (gọi là văn bản dưới luật) để hướng dẫn áp dụng thi hành. Tất cả các quy định của Thông tư, Nghị định đều không thể vượt qua các quy định của bộ luật gốc.
Nội quy, quy chế của các cơ quan, đơn vị, trường học không thể vượt qua thông tư hướng dẫn hoặc các quy định trong Luật. Trường hợp này là Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn do Bộ GD&ĐT ban hành. Đó là quy định mà ai cũng phải biết, đặc biệt là những nhà làm luật và dạy luật như tại trường ĐH Luật Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh cái lý, mọi phán quyết đều phải thấu tình.
Nếu như chiếu theo các Thông tư được Bộ GD&ĐT đã quy đinh, nhận thấy tháng 10/2016, Bộ GD&ĐT ra Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT ngày 5/4/2016, ban hành Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 23/5/2016. Và trong tổng cộng 6 chương, 23 điều của Thông tư không hề quy định nếu sinh viên có hành vi photo giáo trình sẽ bị xử lý cho thôi học hay đình chỉ có thời hạn. Đây là cơ sở pháp lý quy định những hành vi bị cấm và việc xử lý kỷ luật đối với sinh viên chính quy.
Điểm c, khoản 1, Điều 9 của Thông tư này nêu rõ: “c) Đình chỉ học tập có thời hạn: áp dụng đối với những sinh viên đang trong thời gian bị cảnh cáo mà vẫn vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm nghiêm trọng các hành vi sinh viên không được làm; sinh viên vi phạm pháp luật bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo.
Tùy từng trường hợp cụ thể, Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học căn cứ vào quy chế đào tạo để quyết định thời hạn đình chỉ học tập theo các mức: đình chỉ một học kỳ, đình chỉ một năm học hoặc đình chỉ theo thời gian sinh viên bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo.
Có nhiều ý kiến cho rằng việc nhà trường áp dụng quy chế để xử phạt em sinh viên trên là đúng và để răn đe người khác không tái phạm. Đồng thời nhà trường cũng đã phổ biến, truyền thông quy chế này ngay từ đầu năm cho sinh viên.
Tuy nhiên, nội quy của nhà trường được xem là cơ sở pháp lý nhưng không được trái hoặc vượt quá quy định của Thông tư này.
Như vậy, nhà trường đã xử lý sinh viên của mình không đúng Luật. Chưa kể, nhà trường không xem xét đến vấn đề tình cảm. Trong bản tường trình, sinh viên cũng đã viết rất rõ, sở dĩ em photo tài liệu để cho một người em là sinh viên khóa dưới làm tài liệu nghiên cứu tại nhà. Động cơ, mục đích không phải là vụ lợi. Hoàn cảnh sinh viên khó khăn, vì muốn học hỏi, nghiên cứu mà mắc lỗi, nhà trường lại “thẳng tay” áp dụng quy chế một cách cứng nhắc là chưa đúng.
Trong mỗi phiên tòa, bên cạnh phần xét hỏi, đến phần nghị án, Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa đều phải căn cứ vào “hoàn cảnh gia đình của bị cáo, căn cứ vào động cơ, mục đích phạm tội, để xét các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ hình phạt”. Như vậy, yếu tố nhân văn, nhân đạo trong các quy định của pháp luật Việt Nam cũng được thể hiện rất rõ trong khi áp dụng, xử lý các quy định của pháp luật.
Còn nếu như nhà trường cho rằng, sinh viên đã vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), thì tại điểm a, khoản 1, Điều 25 Luật SHTT 2005, Luật số 36/2009 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật SHTT 2005 quy định: Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm: Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân...
Mà nếu như sinh viên có vi phạm pháp luật về SHTT đi nữa thì cũng chỉ chấp nhận phán quyết của Tòa án chứ nhà trường không có quyền ra quyết định xử phạt khi sinh viên vi phạm pháp luật. Mặt khác, Luật SHTT chỉ áp dụng mức phạt tiền cho các hành vi vi phạm bản quyền mà thôi.
Thiết nghĩ, nếu nhà trường cho rằng vì nhà trường là nơi đào tạo về luật nên phải dạy sinh viên tuân thủ luật pháp, điều đó là đúng nhưng chưa đủ, như phân tích ở trên. Không lẽ, nhà trường muốn đào tạo ra một thế hệ những nhà làm luật trong tương lai chỉ biết áp dụng luật như một cái máy mà không cân nhắc đến các yếu tố tình người?
Giá mà, trong xã hội, pháp luật được tôn trọng và áp dụng triệt để như vậy, thì…đã không có những em học sinh bị bỏng đến cấp độ 3 phải sống trong đau khổ, tuyệt vọng khi những người gây ra lỗi cho mình không hề bị “xử lý” hoặc ít ra là xin lỗi. Nếu mà pháp luật nghiêm khắc như vậy…thì đã không có cảnh cô giáo đi taxi vào sân trường đâm gẫy chân học sinh rồi “coi như không có chuyện gì xảy ra”…