Ai ngáng trở cải cách?
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 09:20, 30/09/2016
Hóa ra người ta đề ra nhiều chương trình, giải pháp, cải tiến nhưng khâu yếu nhất, là khâu cán bộ lại chưa được quan tâm thấu đáo. Và có một lý do “tế nhị” không nói ra, nhiều cán bộ. công chức không mặn mà với cải cách hành chính bởi nếu dịch vụ công hanh thông thì họ hết đường nhũng nhiễu đòi bôi trơn.
Số cán bộ cắp ô, không hoàn thành nhiệm vụ chính là lực lượng ngáng trở mọi ý đồ, kế hoạch, chương trình cải cách hành chính.
Mới đây, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015 và triển khai kế hoạch cải cách hành chính 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, bộ máy cán bộ công chức viên chức rất đông mà không mạnh thì cải cách hành chính bằng cách nào?
Mô hình chính quyền điện tử tại phường Bến Thành, quận 1, TPHCM. Ảnh: Quốc Ngọc.
Theo các công bố rộng rãi, hiện có hơn 2,6 triệu cán bộ, công chức viên chức hưởng lương Nhà nước, nhưng có tới trên 2 triệu viên chức là quá nhiều. Các chuyên gia nhận xét, nếu thực hiện xã hội hóa rộng rãi hơn, quyết liệt hơn, có thể giảm ít nhất 50% số viên chức. "Khâu xã hội hóa phải đặt ra mạnh mẽ hơn. Hẳn vì vậy, Thủ tướng nhấn mạnh, phải bàn kỹ về vấn đề này, phải nâng cao chất lượng phục vụ, tự trang trải kinh phí, Nhà nước nắm khâu quan trọng. Từ đó giảm số lượng biên chế Nhà nước và quỹ tiền lương, nâng lương cho những người làm việc trực tiếp, những người phục vụ nhân dân”.
Cách đây khoảng 10 năm từng có chuyện công chứng gây phiền hà, cơ cực cho công dân khi cần chứng thực bản sao bởi có quy định phải nộp bản sao giấy tờ có công chứng. Cả thành phố chỉ có mấy phòng công chứng. Trụ sở nhỏ, nhân viên ít lại bị “cò” lũng đoạn khiến thảm họa công chứng thành vấn đề xã hội. Thế nên sau khi nhà nước cho phép các phòng công chứng xã hội hóa hoạt động, áp lực công chứng nhà nước giảm hẳn, cơ quan công chứng không xin thêm người và kinh phí…
Thủ tướng Chính phủ đã quán triệt tinh thần nói thẳng, nói thật, nói vào những việc gai góc vướng mắc hiện nay trong bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ công chức, thể chế pháp luật, trong dịch vụ hành chính công, tiền lương… Chính phủ muốn nghe các Bộ, ngành, địa phương dự hội nghị “hiến kế” các giải pháp để thực hiện công cuộc cải cách hành chính thành công trong giai đoạn tới, mà trước mắt là trong năm 2016 - 2017. Bên cạnh đó, cần đề cao vai trò thanh tra kiểm tra giám sát của cơ quan dân cử và các đoàn thể, để cứ có quyền lực đều phải được giám sát, kiểm tra.
Thủ tướng yêu cầu cán bộ, công chức phải đề cao trách nhiệm. Phải chuyển biến từ Trung ương trong công tác cải cách hành chính, nhưng quan trọng là cấp tỉnh, huyện xã, nơi địa bàn dân cư, để người dân thấy cán bộ hành chính phục vụ nhân dân một cách thực sự. “Anh được hưởng lương từ xã, huyện, tỉnh chính là tiền thuế của dân, chứ không phải ai khác. Quan trọng là cấp tỉnh, huyện xã, nơi địa bàn dân cư phải để người dân thấy cán bộ hành chính phục vụ nhân dân", người đứng đầu Chính phủ nói.
Theo Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2016-2020 là mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 80% vào năm 2020. Bảo đảm sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trong các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 80% vào năm 2020. Quy trình hóa việc giải quyết công việc của cơ quan hành chính theo tiêu chuẩn ISO.