Công an và nhà báo

Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 10:46, 26/09/2016

Như vậy là cả Chủ tịch thành phố và Giám đốc Công an Hà Nội đều đã lên tiếng yêu cầu xử lý nghiêm vụ phóng viên bị công an đánh đến chảy máu mồm.

Công an và nhà báo

Hình ảnh chiến sĩ Công an huyện Đông Anh hành hung phóng viên (Ảnh MC)

Nghiêm ở mức độ nào? Kỷ luật cảnh cáo hay là rút kinh nghiệm thì còn chờ xem kết luận cuối cùng của cơ quan Công an.

Trước hết, đến thời điểm này thấy rằng, Công an huyện Đông Anh và lãnh đạo TP Hà Nội đã có động thái kịp thời. Ngay sau khi xảy ra sự việc thì Thượng tá Phạm Nam Thắng, Đội trưởng Đội CSHS Công an huyện Đông Anh đã trực tiếp tới Văn phòng Báo Tuổi trẻ tại Hà Nội để xin lỗi cá nhân nhà báo Trần Quang Thế (người bị một Cảnh sát của Đội hình sự Công an Đông Anh đánh) và tòa soạn Báo Tuổi trẻ.

Tuy nhiên, Thượng tá Thắng nói rằng cán bộ chiến sĩ của đơn vị có “thái độ không đúng” là chưa chính xác. Hành động đánh người chảy máu và đập phương tiện tác nghiệp của nhà báo là hành vi vi phạm pháp luật. Hơn nữa, ông Thắng cũng nói do đây là những chiến sĩ trẻ và bị áp lực do hiện trường lúc đó đông người nên đã “hành xử không đúng”.

Việc này thực sự nguy hiểm, nếu chiến sĩ nào cũng đánh người khi áp lực thì không biết họ còn gây ra những chuyện “tày đình” nào nữa. Những chiến sĩ Công an ít nhiều được đào tạo trong một môi trường kỷ luật, được tôi luyện bản lĩnh thì không thể vì cái gọi là “áp lực” này mà ra tay đánh người.

Công an đi làm nhiệm vụ được cho đang thực thi công vụ. Người đi thực thi công vụ thì có quyền hành rất lớn. Nhỡ có người nào “áp lực” mà xô ngã một chiến sĩ công an thì rất dễ bị khép vào hành vi chống người thi hành công vụ. Một cô gái trẻ đã phải lĩnh 6 tháng tù vì hành vi trên khi tát một chiến sĩ Cảnh sát giao thông. Câu chuyện này vẫn còn rất mới.

Còn nhà báo đi tác nghiệp thì đơn giản chỉ là đi tác nghiệp. Cụm từ “thi hành công vụ” đối với nhà báo là rất xa xỉ. Bởi lẽ rất nhiều lần việc này được đưa ra bàn luận, mổ xẻ nhưng cũng chẳng đi đến đâu. Nhà báo đi tác nghiệp có phải là thi hành công vụ hay không vẫn chỉ là một dấu hỏi.

Trở lại với vụ phóng viên bị công an đánh khi tác nghiệp ở Đông Anh. Người ra tay đánh nhà báo Quang Thế đã được Công an huyện Đông Anh xác nhận là chiến sĩ của đơn vị. Thế nhưng trong vụ việc trên, cơ quan chức năng cần phải làm rõ để xử lý một cách khách quan.

Thứ nhất, chiến sĩ công an đánh nhà báo có phải đang đi thi hành công vụ hay không? Đương nhiên, không phải ai là công an có mặt tại hiện trường vụ việc cũng trong diện đang thi hành công vụ.

Thứ hai, nhà báo có thâm nhập quá sâu vào hiện trường vụ việc và cản trở công tác điều tra hay không? Vì trên thực tế nhiều nhà báo nôn nóng có tin nên đã vi phạm nguyên tắc.

Tuy nhiên xét trên phương diện nào đi chăng nữa, việc chiến sĩ công an đánh người chảy máu, đập phương tiện tác nghiệp của nhà báo giữa thanh thiên bạch nhật là hành vi không thể chấp nhận được.

Công an lập ra là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ pháp luật, đấu tranh với cái ác. Nhà báo sinh ra là để bảo vệ sự thật, lẽ phải. Đánh nhà báo là không tôn trọng sự thật.

Nếu một xã hội không đề cao lẽ phải, không tôn trọng sự thật là một xã hội bất thường. Một xã hội mà công an đánh người dân khi bị “áp lực” lại càng bất thường. Và càng bất thường hơn nữa khi những vụ việc như thế chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm cho xong!

An An