“Bão” thi cử

Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 06:15, 03/08/2016

Năm nay số lượng thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia giảm khoảng 12% so với năm 2015 với tổng số 880.000 thí sinh dự thi. Trong đó, đáng chú ý có khoảng 32% thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT mà không thi đại học (ĐH).

Dễ nhận thấy tỷ lệ thí sinh lựa chọn không thi Đại học tại nhiều tỉnh, thành phố tăng cao so với năm học trước, có nơi tỷ lệ này là 50%.   Đất học Nghệ An cũng có 44% thí sinh dự thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp. Ngay tại Hà Nội, số thí sinh không thi đại học cũng tăng mạnh với 16.390 em.

Đánh giá hiện tượng này, các chuyên gia cho rằng, năm nay, một lượng lớn thí sinh tốt nghiệp THPT sẽ chuyển sang học nghề và tìm kiếm việc làm theo sự phân công của thị trường lao động. Thí sinh cân nhắc thấy đủ năng lực học ĐH, CĐ thì mới đăng ký xét tuyển, còn không đủ năng lực thì đi học nghề… Xu hướng này được dư luận xã hội đánh giá là điều đáng mừng.

Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT đã có 599.429 thí sinh có khả năng đỗ vào các trường ĐH khi điểm số đạt trên điểm sàn. Năm nay cả nước có 420.354 chỉ tiêu tuyển sinh đại học bao gồm 317.639 chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia; 102.615 chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả học bạ THPT.

Vậy là mùa thi ĐH bây giờ mới thật sự bắt đầu khi các thi sinh đăng ký tuyển sinh ĐH khi điểm ngưỡng - mọi năm gọi là điểm sàn- đã được công bố.

Xem ra cái ngưỡng điểm 15 không phải là quá cao và nghe nói có trường còn cho thụt lùi xuống, 14-13 điểm cũng tuyển thì các sĩ tử coi như đã biết việc vào ĐH, CĐ của mình sẽ như thế nào.

Ngưỡng điểm này, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, đây là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH năm nay. Theo GS Bùi Văn Ga, ngưỡng này sẽ ưu tiên đảm bảo chất lượng, trong đó có điểm trung bình các khối thi. Năm nay điểm trung bình môn tăng. Phổ điểm năm nay thích hợp cho các trường xét tuyển. Các thành viên trong Hội đồng quốc gia thống nhất cao về mức 15 điểm dẫu rằng mức điểm này có thể hơi cao so với khối D. GS Ga tự tin khi cho rằng năm nay sẽ không có việc thí sinh đạt 27 điểm mà vẫn trượt ĐH như năm ngoái.

Nét mới của năm nay là chỉ tiêu tuyển sinh của các trường không phải là “pháp lệnh” do Nhà nước giao và các trường thực hiện dựa trên năng lực đào tạo tối đa của nhà trường. Từng trường tùy theo khả năng để tuyển sinh nên việc có tuyển đủ hay không đủ chỉ tiêu không có ý nghĩa như trước đây.

Năm học này có hơn 100 trường ĐH xét tuyển theo xét học bạ ở phổ thông, tương ứng với khoảng 102.000 thí sinh. Ngoài ra có khoảng 320.000 thí sinh sẽ xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia 2016. Do đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào phải làm sao đảm bảo được nguồn tuyển cho khoảng 320.000 thí sinh nói trên chứ không phải cho tổng 420.354 theo như chỉ tiêu đăng ký của các trường.

Tuy nhiên, ngưỡng 15 điểm chỉ đảm bảo chất lượng chỉ tiêu ứng với 5 khối thi truyền thống nhưng không xác định chỉ tiêu các khối còn lại. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn tuyển sẽ dư ra khá nhiều và các trường dồi dào nguồn tuyển.

Trong việc xét tuyển ĐH năm nay, Bộ GD&ĐT luôn lưu ý các trường phải thực hiện nghiêm chỉ tiêu đã đăng ký. Nếu trường nào tuyển vượt chỉ tiêu sẽ bị xử lý nghiêm theo quy chế tuyển sinh và Thông tư 32 của Bộ. Để tạo điều kiện cho thí sinh làm quen với phương thức đăng ký xét tuyển trực tuyến, Bộ GDĐT đã cho phép các thí sinh thử nghiệm việc đăng ký trực tuyến trên trang thông tin điện tử.

Đây đang là thời điểm cân não để các thí sinh và phụ huynh có sự lựa chọn cẩn trọng để có một suất ĐH trong năm học mới này. Hy vọng các thí sinh sẽ có quyết định đúng đắn nhất cho tương lai của mình.

Bảo Dân