Quyền giám sát của ai?

Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 09:11, 14/10/2015

Câu hỏi quan trọng được đặt ra là ai được quyền giám sát các cơ quan công quyền? Xin thưa đó là nhân dân thông qua đại biểu của mình là các Đại biểu Quốc hội.

Ngỡ điều này là mặc định là đương nhiên, được ghi trong cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp và rất nhiều văn bản pháp quy, nào ngờ lại vừa được sới lên khi thảo luận về dự án luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Hóa ra có chuyện lâu nay có tình trạng các vị ĐBQH và ĐBHĐND lặng thinh, để yên xem sao trước rất nhiều vấn đề liên quan đến an ninh, quốc phòng, quốc kế dân sinh ở ngay trên địa bàn mà cử tri đã bầu họ vào cơ quan quyền lực. 

Có thể kể ra như cho nước ngoài thuê đất, thuê rừng, thuê bờ biển hay các vụ việc khiếu kiện kéo dài vì chính sách thu hồi đất và đền bù giải phóng mặt bằng… thì hầu như các ĐBQH, đoàn ĐBQH ở địa phương đó lại coi như mình không có trách nhiệm. Bây giờ nếu mở báo ra xem khó thấy hình ảnh các vị đại biểu nổi danh một thời: Nhất Thước - Nhì Trân - Tam Lân - Tứ Quốc.

Ở cấp tỉnh thành phố còn đâu dân biểu Khoa (TP HCM) mang can nước cống đến nghị trường truy đến tận cùng vấn đề VSMT. Tại sao vậy? Hóa ra là ta vẫn thiếu quy định luật hóa quyền giám sát của đại biểu dân cử. Người ta coi nhẹ, xem thường, thậm chí cản trở quyền giám sát của ĐBQH. Hẳn vì vậy ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đề nghị cần có quy định ĐBQH là đại biểu của cả nước phải có quyền chất vấn bất kỳ chính quyền địa phương nào và địa phương đó phải trả lời.

Tuy nhiên, ở ta hiện nay chỉ có các ĐB chuyên trách còn nhúc nhắc thực hành quyền chất vấn giám sát còn đa số là đại biểu kiêm nhiệm đều là đại biểu “kính chuyển” chỉ thực hiện chức năng của cán bộ bưu chính. Theo dõi các kỳ họp cử tri không thể hài lòng vì quá nhiều vị vắng mặt và có vị hầu như không hề làm gì trừ việc bấm nút khi biểu quyết. ĐB kiêm nhiệm, thậm chí không hề chất vấn giám sát gì hết. Có ĐB cho rằng nguyên nhân gốc rễ của tình trạng giám sát không hiệu quả là do bộ máy, năng lực và điều kiện chứ không hoàn toàn phải do luật chưa đầy đủ.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng, cần quy định rõ cơ chế biểu quyết đối với kết quả giám sát nhằm hạn chế tình trạng “tác động” đến kết quả giám sát. Từng có tình trạnh sau một cuộc giám sát, trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đó đã sửa lại và thay đổi toàn bộ nội dung dự thảo kết quả giám sát dù bản thân không tham gia đoàn.

Tọa đàm về dự án luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND nhiều ĐBQH đã đề nghị mở rộng quyền chất vấn của ĐBQH với bất kỳ lãnh đạo chính quyền địa phương nào nhằm tạo đột phá trong hoạt động giám sát.

Đề nghị này rất có cơ sở bởi nó xuất phát từ thực tế, có nhiều chuyện cử tri bức xúc, báo chí đăng rất nhiều nhưng đại biểu dân cử các cấp ở địa phương này đều im lặng. Cử tri nhắc lại dự án lấp sông ở Đồng Nai, khi các bộ ngành, Thủ tướng Chính phủ vào cuộc khẩn trương, nhưng các ĐBQH địa phương đều thực hiện “im lặng là vàng”. Nghe nói có đại biểu trung ương ứng cử tại địa bàn lăn tăn chuyện mình ứng cử ở địa phương nói ra không tiện...

Nhiều ĐBQH đã nể nang, né tránh các vấn đề bức xúc của dân, không nói tiếng nói của người dân. Mặt khác, ở ta phạm vi giám sát của Quốc hội quá rộng lớn từ Chính phủ đến Chủ tịch nước, Tòa án, Viện kiểm sát và chính quyền các cấp. Việc giám sát đối với chính quyền 63 tỉnh, thành phố là quá tải đối với Quốc hội và ĐBQH, khi muốn hoạt động giám sát thực chất. Ngoài ra còn có việc chồng chéo giám sát bởi HĐND cũng có hoạt động này,

Thưa các vị đại biểu của dân, do dân bầu ra hãy vì dân mà nói tiếng nói của nhân dân, hoạt động vì quyền lợi của nhân dân. Nếu cảm thấy mình không thực hiện được điều này, xin quý vị  hãy biết từ chối!

Bảo Dân