Người Việt đừng chì chiết và miệt thị nhau

Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 12:23, 22/04/2015

Dư luận vẫn chưa hết ồn ào vì chuyện người dân ở Thủ đô vượt rào để được vào tắm miễn phí trong Công viên nước Hồ Tây. Họ đang trách vì sao người cha liều mình kéo con qua hàng rào thép nhọn tua tủa?

Người Việt đừng chì chiết và miệt thị nhau

Hình ảnh người dân trèo vào công viên nước Hồ Tây

Những người có mặt trong cái công viên nước ngày miễn phí ấy đang bị chỉ trích nặng nề. Họ nói rằng những người cha, người mẹ đã không biết cách giáo dục con. Vì một sự tham lam, ích kỷ, vì cái “miếng ăn miễn phí” mà bất chấp nguy hiểm kéo con vượt hàng rào dây thép gai.

Họ hỏi, người cha người mẹ ấy đang dạy con bài học gì?

Lại còn câu chuyện của cô gái bị rách bikini. Có lẽ đây mới là vấn đề mà các tờ báo đã khai thác nhiều nhất trong những ngày qua. Họ bảo, những tốp thanh niên là bầy đàn, là vô văn hóa. Thậm chí có một nhà văn còn bảo, những bậc cha mẹ sinh những thanh niên ấy ra mà không dạy được thì thật đáng xấu hổ.

Cuối cùng thì tất thảy đều đổ cho sự giáo dục? Hai từ giáo dục đúng là tội vạ. Trăm dâu đều đổ đầu giáo dục hết.

Trong những ngày qua, tôi đã cố gắng tìm kiếm xem có một người nước ngoài nào phát biểu cảm nghĩ sau vụ “vỡ trận” của công viên nước Hồ Tây hay không. Nhưng rất tiếc là không có. Tôi muốn nghe người nước ngoài nói hơn là người Việt nói.

Trên mạng xã hội, trên báo chí dày đặc những bài bình luận, những lời nhận xét của người Việt dành cho người Việt. Phần lớn là những ngôn từ giễu cợt, miệt thị, chê bai, nào là người Việt xấu xa, người Việt Nam ham của rẻ, tham lam, vô văn hóa, thiếu ý thức….

Xưa nay, người Việt chúng ta vẫn thế. Tâm lý tiểu nông vẫn đè nặng cho dù có thoát ra khỏi được lũy tre làng. Nhưng tôi hoàn toàn không đồng ý với một số cá nhân khoác trên mình cái mác trí thức Tây học rồi đánh giá dân tộc, đánh giá đồng bào của mình bằng nửa con mắt, bằng những ngôn từ miệt thị nặng nề.

Còn nhớ cách đây không lâu, khi Khu du lịch Đại Nam ở Bình Dương mở cửa miễn phí, người dân trong đó cũng nô nức đi chơi làm kẹt cứng cả đường quốc lộ. Người ta cũng rì rầm đánh giá, bình phẩm rằng người Việt cứ thấy miễn phí là bất chấp giành giật cho bằng được.

Tôi đã thấy hình ảnh ông bố đẩy con trèo qua hàng rào dây thép gai. Nó đúng thật phản cảm, thật thiếu văn minh. Nhưng ông bố ấy dạy con bài học gì ư? Tôi cam đoan rằng, trong cái khoảnh khắc ấy không ít ông bố vẫn sẽ chọn cách đó. Điều duy nhất tồn tại trong suy nghĩ của ông bố đó là làm sao cho đứa nhỏ được vui đùa. Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, ông bố ấy không đáng bị dư luận “ném đá” và miệt thị.

Qua vụ “vỡ trận công viên nước” có ai từng nghĩ vấn đề sâu xa bắt nguồn từ đâu? Để được tắm, được chơi một lần trong công viên nước lại khiến người dân bất chấp nguy hiểm đến tính mạng hay sao?.

Chúng ta vỡ lẽ ra rằng, giữa trung tâm Thủ đô mà điều kiện phúc lợi tối thiểu cho người dân đang bị thiếu thốn trầm trọng.

Giữa một trung tâm văn hóa lớn nhất của cả nước mà người dân vẫn “đói” không gian, “đói” nhu cầu giải trí, vui chơi lành mạnh thì rõ ràng việc quan tâm đến đời sống tinh thần của người dân đang bỏ bị ngỏ.

Chúng ta giải tỏa cả hàng chục héc-ta để xây trung tâm thương mại dành cho người có tiền, bán đất cho doanh nghiệp xây dựng hồ bơi, sân bóng để thu vé. Còn những người lao động cần lao họ chỉ đợi chờ có một lần miễn phí như thế thôi.

Vì thế thay vì chê trách những ông bố, bà mẹ cố đẩy con qua hàng rào dây thép gai thì chúng ta cũng thấy một điều rằng, họ là những người lao động rất đáng thương.

Thu Tâm