Kenny Sang, Đàm Vĩnh Hưng và chân giá trị

Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 11:41, 08/10/2014

Khi mải miết chạy theo giá trị ảo thì rốt cuộc thành quả nhận lại cũng chỉ là những thứ phù phiếm, vô giá trị.

1. Cuối cùng, câu chuyện ồn ĩ về chàng thiếu gia Kenny Sang đã khép lại. Không có một Kenny Sang hào nhoáng với biệt thự sang trọng có hồ bơi, siêu xe và một loạt tài sản kếch xù khác. Kenny Sang chính xác là Nguyễn Thành Sang, một thanh niên con nhà nông ở huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Nhưng có một câu hỏi khiến nhiều người day dứt: Tại sao một con người có thể “hồn nhiên” chối bỏ gốc gác của mình? Tại sao một thanh niên khôi ngô sáng sủa lại đi phủ nhận người đàn ông làm nghề gò hàn không phải cha mình, chối bỏ người đàn bà làm ruộng và phụ bán cơm là mẹ ruột? Câu trả lời rất dễ: Giá trị ảo!.

 Ngay từ lúc đầu, Sang đã tự phong cho mình là dòng dõi quý tộc, xa hoa nhung gấm. Phản ứng đầu tiên của cư dân mạng là lập tức tiếp nhận, lập tức tung hô, cổ súy. Không ai bỏ công quan tâm đến việc xác minh tính chính xác của những thông tin ấy.

Nó cho thấy một thứ chủ nghĩa vật chất đang ngự trị trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Những người hàng ngày dúi đầu vào những dòng tin siêu xe, biệt thự, cuộc sống nhung lụa, tôn thờ những giá trị có khi phù phiếm. Thế là Sang, chỉ bằng những động tác “nổ” đã mặc nhiên thành người của công chúng, mặc nhiên có chỗ đứng trong cộng đồng rộng lớn.

Kenny Sang, Đàm Vĩnh Hưng và chân giá trị

Kenny Sang

Chắc rằng, khi “khởi sự” Sang có lẽ chỉ là một trong những bạn trẻ như thế. Nhưng danh tiếng đến quá dễ, giá trị bản thân (dù là ảo) đến quá nhanh chóng khiến Sang đâm lao theo lao, rơi vào cái bẫy của chính mình. Khi được sự tung hô hưởng ứng của thế giới mạng, nó như một cơn nghiện không có lối thoát. Sang làm tất cả để duy trì hình ảnh quý tộc của mình. Kể cả việc phủ nhận cha mẹ, những con người dù không giàu có nhưng tần tảo, lam lũ vì đứa con của mình.

Sang trơ trẽn lắm. Sang đáng giận lắm. Nhưng từ Sang, người ta biết được cái nguy hại của việc chạy theo giá trị ảo là ghê gớm như thế nào. Nó không chỉ dừng lại ở việc “chém gió” bâng quơ rồi thôi. Nó là một trào lưu nguy hiểm ngấm vào giới trẻ như mưa dầm thấm lâu, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển nhân cách. Nguy hiểm hơn, khi nó được sử dụng để lập danh và thành công. Chúng ta sẽ có một bộ phận giới trẻ thích hưởng thụ, lười nhác và phù phiếm.

2. Cũng là câu chuyện “khoe mẽ”. Việc ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng với đại tiệc sinh nhật lần thứ 43 và món quá tặng là chiếc bánh kem dát 100 chỉ vàng khiến dư luận rình rang.

Vâng, 100 chỉ vàng. Cả một khối tài sản lớn mà nhiều người cả đời chắt chiu cũng không có được. Nếu là một người bình thường được tặng, người ta đã giật mình lóa mắt. Với Đàm Vĩnh Hưng, đó là chuyện bình thường. Tương tự việc mất nhẫn kim cương bạc tỷ hay “dát” đồ hiệu toàn thân bằng bộ sưu tập cũng bạc tỷ.

Đã có người nói rằng, nếu nhà Đàm Vĩnh Hưng có sử dụng bẫy chuột, nó chắc chắn cũng mang hiệu Louis Vuitton! Đàm Vĩnh Hưng là một hình ảnh lớn của công chúng, lắm lúc không phải bằng tài năng mà bằng phong cách quý tộc khác người.

Kenny Sang, Đàm Vĩnh Hưng và chân giá trị

Bánh sinh nhật dát vàng của Đàm Vĩnh Hưng

Đàm Vĩnh Hưng có đáng giận không? Không! Tiền anh làm ra, anh có thể dùng vào bất cứ việc gì anh muốn. Thế nhưng, cũng phải nói lại đôi khi anh xài hàng hiệu, siêu xe hay lâu đài một cách quán tính vô thức. Như thể đó là phương cách duy nhất lưu giữ hình ảnh của anh lâu hơn trong lòng công chúng. Như một cách để chiều lòng những khán giả trung thành.

Đáng trách hơn cả là những người yêu mến anh. Những người thay vì tiếp nhận nghệ thuật bằng cảm xúc, bằng rung động thường tình thì lại cổ súy tôn thờ những thứ khác bên ngoài chuyện ấy. Chính họ, bằng nhu cầu ấu trĩ của mình, đang góp phần làm méo mó giá trị nghệ thuật, và kể cả giá trị cuộc sống nói chung.

3. Khi chúng ta mải miết với “ngài quý tộc” Kenny Sang, với chiếc bánh sinh nhật 100 chỉ vàng của Đàm ca sĩ. Ở đâu đó, có đứa trẻ không có nổi tấm áo đủ ấm trong mùa đông giá. Ở đâu đó, có người phải lay lắt trên hè phố, trong bệnh viện... Đất nước có hàng triệu người nghèo. Và cả con số thống kê gần đây cho thấy, 52 nghìn người đang thiếu đói thường trực.

Không thể buộc người tặng 100 chỉ vàng ấy chia nhỏ ra, mang đến cho những người cần nó hơn. Nhưng những sự kiện như vậy, càng nhen vào trong tâm thức những người có lương tri nỗi ngậm ngùi, chua xót.

Giá trị của con người không nằm ở chiếc áo người ấy đang mặc hay chiếc xe đang đi, căn nhà đang ở. Giá trị đó nằm ở trái tim và khối óc. Con người có tri thức và cảm xúc mới có khả năng mang lại cho mình và những người xung quanh mình cuộc sống tốt đẹp.

Thu nạp kiến thức,  nuôi dưỡng cảm xúc trong sáng có ích hơn nhiều việc chạy theo những chuyện phù phiếm. Nó tương tự như việc một người bằng năng lực của mình làm ra một hộp cơm mang đến vỉa hè cho người bất hạnh hơn mình đáng trân quý hơn nhiều một ngài quý tộc nào đó chỉ chăm vào mỗi việc xoa xuýt trước gương soi trong một lâu đài nào đó.

 

Kiến Giang