Cứu sống bé trai 15 tháng tuổi bị đuối nước

Sức khỏe - Ngày đăng : 16:43, 21/08/2020

Ngày 21/8, thông tin từ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, đơn vị mới cứu sống một bé trai 15 tháng tuổi bị đuối nước ở xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa).

Theo đó, ngày 5/8,  bệnh nhân Lê Việt Đ. (15 tháng tuổi), ở xã Quảng Bình vào viện trong tình trạng rất nguy kịch, đe dọa tử vong.

Thông tin từ người nhà bệnh nhân, trước khi vào viện khoảng 1 giờ, gia đình phát hiện bệnh nhi bị đuối nước ở ao gần nhà. Khi nạn nhân được vớt lên đã trong tình trạng hôn mê sâu, da tái lạnh, ngừng thở và ngừng tim, được sơ cứu tại chỗ.

Sau đó, bệnh nhi được gia đình chuyển đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Tại khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh nhân trong tình trạng rất nguy kịch, đe dọa tử vong, biểu hiện hôn mê sâu, đồng tử giãn rộng, phản xạ yếu với ánh sáng, thở yếu, tụt huyết áp, da tái lạnh. Bệnh nhân nhanh chóng được hỗ trợ hô hấp, thở máy, dùng thuốc vận mạch nâng huyết áp.

Cứu sống bé trai 15 tháng tuổi bị đuối nước

Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo và không có di chứng sau điều trị

Sau 30 phút cấp cứu, tình trạng bệnh nhân có cải thiện về huyết động, tuy nhiên còn hôn mê sâu. Nhận định đây là trường hợp rất nặng, nếu cứu sống được thì tổn thương não gây di chứng não là rất lớn. Bệnh nhân nhanh chóng được áp dụng phương pháp điều trị hạ thân nhiệt chỉ huy, đây là một phương pháp hiện đại nhằm giảm tối đa các tổn thương não.

Sau thời gian tuân thủ ứng dụng phương pháp điều trị, toàn trạng bệnh nhân đã có nhiều cải thiện: Huyết áp ổn định, thân nhiệt duy trì đảm bảo, chức năng các cơ quan được cải thiện. Bệnh nhân được cai thở máy, ý thức tỉnh, tự thở oxy sau 4 ngày, tự bú sau 1 ngày cai thở máy. Sau 15 ngày điều trị, bệnh nhân được xuất viện với ý thức tỉnh táo hoàn toàn, không có di chứng.

Bác sĩ Ngô Việt Hưng, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa thông tin, đuối nước là cấp cứu thường gặp tại Thanh Hóa. Hàng năm bệnh viện tiếp nhận, cấp cứu và điều trị cho nhiều bệnh nhân đuối nước. Với các trường hợp nhẹ, phần lớn bệnh nhân được cứu chữa kịp thời và không có di chứng. Tuy nhiên, một số bệnh nhân đã có dấu hiệu hôn mê sâu, ngừng tim, ngừng thở sau đuối nước khi vào viện, dù đã được khẩn trương cấp cứu và hồi sức tích cực nhưng tổn thương não quá lớn gây di chứng suốt đời ảnh hưởng đến tương lai bệnh nhân, gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Việc đào tạo, tập huấn cho những người tham gia cứu vớt bệnh nhân đuối nước biết cách sơ cứu ban đầu kịp thời, đúng cách là rất cần thiết. Khi tình trạng bệnh nhân ổn định hơn, cần khẩn trương vận chuyển an toàn đến các đơn vị hồi sức chuyên sâu, để được hỗ trợ điều trị bằng các phương pháp hiện đại nhất, nhằm giảm tỷ lệ tử vong cũng như giảm các di chứng não, hạn chế gánh nặng cho gia đình và xã hội, Bác sĩ Hưng cho biết thêm.

Thành Phan