EVFTA có hiệu lực: Tăng cường chống gian lận xuất xứ
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 11:30, 15/06/2020
Thực tế, trong bối cảnh xung đột thương mại toàn cầu liên tục gia tăng, thời gian qua đã có hiện tượng khi bị áp dụng biện pháp (phòng vệ thương mại) PVTM, các doanh nghiệp sản xuất chịu ảnh hưởng ở nhiều nước đã tìm cách khắc phục bằng việc chuyển sản xuất ra nước ngoài.
Ảnh minh họa
Trong khi đó, do có chính sách thuận lợi thu hút đầu tư, Việt Nam lại là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp khi quyết định dịch chuyển sản xuất. Và khi tiếp nhận năng lực sản xuất mới, xuất khẩu từ Việt Nam tăng nhanh, từ đó dễ trở thành đối tượng theo dõi, điều tra áp dụng các biện pháp PVTM bổ sung của nước nhập khẩu.
Các đối tác này thường nghi ngờ hàng hóa Việt Nam chưa đáp ứng điều kiện “chuyển đổi đáng kể” trong nước, tập trung vào các mặt hàng đang bị áp thuế PVTM được xuất khẩu với số lượng lớn, gia tăng đột biến sang các nước hoặc các mặt hàng bị nghi ngờ về năng lực sản xuất của Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện chủ trương chủ động hội nhập giai đoạn 2000 - 2016, có tới 15 vụ việc điều tra lẩn tránh thuế PVTM với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam (trung bình một vụ/năm). Đặc biệt, chỉ từ năm 2017 đến quý I-2020, đã có thêm 7 vụ việc mới (trung bình mỗi năm 2 vụ).
Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng khi Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu không có các biện pháp tích cực để xử lý vấn đề lẩn tránh bất hợp pháp biện pháp PVTM, nhất là thông qua gian lận xuất xứ (GLXX), có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, ngành hàng trong nước; về lâu dài, còn tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế trong bối cảnh đất nước đã tham gia hàng loạt FTA có yêu cầu cao về xuất xứ như EVFTA.
Theo ông Âu Anh Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), có 2 hình thức gian lận xuất xứ hàng hóa: Đó là nhóm hành vi gian lận, giả mạo giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) Việt Nam, ghi nhãn hàng hóa tại nước ngoài trước khi nhập khẩu về Việt Nam để tiêu thụ; nhóm hành vi gian lận, giả mạo C/O Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang lợi dụng các quy định hiện hành để gian lận trong khai báo mã số hồ sơ nguyên liệu “đầu vào” và sản phẩm “đầu ra”, hoặc lợi dụng việc kiểm tra hồ sơ xin cấp C/O còn chưa chặt chẽ để nộp chứng từ giả… Cụ thể, một số sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang châu Âu như xe đạp, giày, mũ da...; nhưng sau khi điều tra chống bán phá giá đã phát hiện ra đây là hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc.
Các chuyên gia kinh tế cho biết, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại không những gây tổn hại cho quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ và những đối tác quan trọng khác, mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới những doanh nghiệp tuân thủ tốt các quy định. Các doanh nghiệp sẽ bị chậm trễ khi thực hiện thủ tục xuất khẩu, đồng thời hàng hóa của Việt Nam sẽ bị áp thuế cao hơn. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần tích cực hơn trong triển khai các giải pháp chống các hành vi gian lận xuất xứ.
Để ngăn chặn tình trạng gian lận C/O, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, từ năm 2017, Bộ Công Thương đã xây dựng danh sách hàng hóa trong diện cảnh báo nguy cơ lẩn tránh thuế; gửi thông tin tới các đơn vị liên quan nhằm tăng cường kiểm tra, theo dõi và phối hợp với cơ quan điều tra nước ngoài trong các vụ việc chống lẩn tránh thuế. Đồng thời, tích cực phổ biến các quy định trong lĩnh vực này và thông tin cho doanh nghiệp những thay đổi pháp lý liên quan.