VietinBank không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại do Huyền Như gây ra cho ACB, NaviBank
Tòa tuyên án - Ngày đăng : 16:34, 27/12/2014
Bào chữa cho bị cáo Đoàn Lê Du, nguyên Trưởng phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng Chi nhánh VietinBank Tp. Hồ Chí Minh, luật sư Phan Hồng Việt và luật sư Huỳnh Thanh Thi tập trung phân tích về các yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng theo Điều 179 BLHS.
Theo đó, các luật sư đồng tình với ý kiến của các luật sư đồng nghiệp bào chữa cho các bị cáo liên quan khi khẳng định chỉ Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có thẩm quyền giải thích luật, pháp lệnh. Tòa án cấp sơ thẩm không có thẩm quyền này mà chỉ có quyền áp dụng các quy định pháp luật hiện hữu trong xét xử.
Theo bản án sơ thẩm “các bị cáo đã bỏ qua các bước của quy trình lập hồ sơ cho vay là không có mặt người vay, không có mặt người bảo lãnh…, đây chính là hành vi khác vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng”. Các luật cho rằng, từ nhận định này Tòa án cấp sơ thẩm buộc tội bị cáo Du là chưa có căn cứ.
Theo các luật sư, đến nay, thực tế là không có/chưa có một văn bản pháp quy nào quy định hành vi cho vay không có mặt người vay, không có mặt người bảo lãnh là vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng. Đồng thời các luật sư chỉ ra sự nhầm lẫn của bản án sơ thẩm về nhận định Quyết định 169 của VietinBank ban hành căn cứ theo Điều 93 Luật các tổ chức tín dụng. Từ đó, các luật sư cho rằng việc lập luận “ngược” của bản án sơ thẩm là không đúng và đã hồi tố bất lợi cho các bị cáo.
Sau khi phân tích, các luật sư cho rằng, bản án sơ thẩm tuyên bị cáo Du phạm tội nhưng cũng không có sự lập luận chắc chắn khi áp tội danh này.
Các luật sư còn viện dẫn, bản án sơ thẩm tuyên xử bị cáo Huyền Như phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có toàn bộ tiền của ACB và NaviBank, phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ tiền chiếm đoạt này. Huyền Như không kháng cáo, không bị kháng nghị về tội danh cũng như phần trách nhiệm dân sự này. Đại diện VKS cũng xác định VietinBank không phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại do Huyền Như gây ra cho ACB, NaviBank. Như vậy toàn bộ thiệt hại cũng như hậu quả mà Huyền Như gây ra đối với ACB, NaviBank qua Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng cần coi là rõ ràng, đầy đủ.
Các luật sư đặt vấn đề, liệu có hợp lý nếu cho rằng ngoài Huyền Như ra thì Du và các bị cáo cùng nhóm lại tiếp tục “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” cho ACB và NaviBank thêm một lần nữa?
Sau khi phân tích và đưa ra căn cứ pháp lý, các luật sư xác định hành vi của bị cáo Đoàn Lê Du chưa đủ các yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo Điều 179 BLHS. Từ đó các luật sư đề nghị HĐXX tuyên hủy phần bản án sơ thẩm liên quan đến tội danh và hình phạt đối với bị cáo Đoàn Lê Du để điều tra, xét xử lại, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không làm oan người vô tội. Bị cáo Du đề nghị HĐXX đồng ý với ý kiến luật sư, chấp nhận kháng cáo.
Bào chữa bị cáo Vũ Nguyễn Xuân Tiên, nguyên Phó phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng Chi nhánh VietinBank Tp. Hồ Chí Minh, luật sư Hoàng Như Vĩnh và luật sư Hà Mạnh Tường cho rằng, bản án sơ thẩm xét xử không khách quan, tuyên buộc oan ức đối với bị cáo Tiên.
Theo đó, các luật sư tập trung phân tích về chức năng, nhiệm vụ của bị cáo Tiên tại Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng.
Các luật sư cho rằng, tất cả các lời khai của các bị cáo, lời khai của Tiên và được đại diện VKS thừa nhận tại phiên tòa sơ thẩm đều xác định bị cáo Tiên không duyệt bất kỳ hồ sơ cho vay và cũng không duyệt cho vay bất kỳ khoản vay nào. Bị cáo Tiên chỉ thực hiện việc kiểm soát trên phần mềm hệ thống máy tính của ngân hàng và ký vào Lệnh chi thuộc hồ sơ (giấy) đối với 6 khoản vay đã được bị cáo Đoàn Lê Du ký duyệt cho vay.
Đồng thời, bị cáo Tiên là Phó phòng giao dịch phụ trách kế toán chứ không phải phụ trách kiểm soát hồ sơ cho vay. Vì vậy, việc buộc tội bị cáo Tiên duyệt cho vay là hoàn toàn nhầm lẫn và không có căn cứ.
Theo các luật sư, chứng cứ duy nhất để buộc tội bị cáo Tiên là bản cung ngày 21/8/2013. Xét nội dung bản cung với nội dung làm việc chưa đầy 02 trang đánh máy, nhưng có đến 08 lỗi sai nội dung, thể hiện có sự sao chép bản cung của các bị cáo ở Phòng giao dịch Điện Biên Phủ. Chưa kể bản cung có nhiều sai sót và vi phạm nghiêm trọng tố tụng.
Bên cạnh đó, các luật sư còn tập trung phân tích về sự nhầm lẫn nghiêm trọng của cơ quan tiến hành tố tụng về thời gian và dòng tiền của các khách hàng bảo lãnh thẻ tiết kiệm đứng tên nhân viên ngân hàng NaviBank và ACB đang tranh chấp trong vụ án này.
Các luật sư cho rằng, trong 6 hồ sơ vay có bảo đảm bằng thẻ tiết kiệm do bị cáo Xuân Tiên đã ký giải ngân, có 5 hồ sơ không liên quan đến dòng tiền mà NaviBank, ACB và các cá nhân là nhân viên của 2 ngân hàng này đang tranh chấp trong vụ án. Chỉ còn một hồ sơ vay với số tiền 290 triệu đồng được giải ngân vào ngày 08/9/2011 có liên quan. Tuy nhiên, hồ sơ này được giải ngân khi hồ sơ đã đảm bảo thủ tục theo quy định của VietinBank.
Sau khi phân tích, đưa ra chứng cứ và căn cứ pháp lý, các luật sư đề nghị HĐXX tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm có liên quan đến bị cáo Tiên, giao hồ sơ vụ án cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại vụ án hoặc tuyên bố bị cáo Vũ Nguyễn Xuân Tiên không phạm tội “Vi phạm quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng” theo Điều 179 BLHS. Bị cáo Tiên đồng ý với quan điểm của luật sư.
Bào chữa cho bị cáo Huỳnh Trung Chí, nguyên nhân viên Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng Chi nhánh VietinBank Tp. Hồ Chí Minh, luật sư Trịnh Vĩnh Phúc đồng tình quan điểm của các luật sư đồng nghiệp đã bào chữa cho các bị cáo bị truy tố, xét xử theo Điều 179 BLHS.
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc tham gia bào chữa tại phiên tòa
Luật sư Phúc cho rằng, tất cả các bị cáo bị truy tố, xét xử theo Điều 179 BLHS và cả Điều 285 BLHS trong vụ án này thực sự là nạn nhân của Huyền Như, bị Như lợi dụng để gây án.
Luật sư Phúc tập trung phân tích về tình tiết định tội, về hậu quả của hành vi; về căn cứ pháp luật để buộc tội; về hoàn cảnh, động cơ, mục đích, vai trò và mức độ phạm tội của bị cáo Chí; về trách nhiệm của 17 nhân viên ACB liên quan đến trách nhiệm nhận ủy thác; về nhân thân của gia đình bị cáo…
Sau khi lập luận và đưa ra căn cứ pháp lý, luật sư Phúc cho rằng, hành vi của bị cáo Chí là một tai nạn nghề nghiệp chứ không phải là hành vi cố ý sai phạm nghiêm trọng mà bị cáo đang gánh chịu, thực tế cho thấy bị cáo cũng là nạn nhân của vụ án lừa đảo này.
Theo đó, luật sư Phúc đề nghị HĐXX xem xét nhằm cá thể hóa vai trò của bị cáo Chí để đánh giá lại mức độ sai phạm và ghi nhận thêm những tình tiết giảm nhẹ của bị cáo. Bị cáo Chí đồng ý với quan điểm của luật sư.
Bào chữa cho bị cáo Lương Thị Việt Yên, nguyên Trưởng phòng giao dịch Võ Văn Tần Chi nhánh VietinBank Nhà Bè, luật sư Nguyễn Đức Huy và luật sư Nguyễn Đức Chánh tập trung phân tích làm rõ về việc ai là người chỉ đạo mở tài khoản cho Dương Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Bé Năm; về trình tự thủ tục hồ sơ mở tài khoản đối với việc mở tài khoản của Bé Năm và Nguyệt; chức năng, nhiệm vụ của từng cá nhân ở Phòng giao dịch Võ Văn Tần…
Sau khi phân tích, các luật sư cho rằng, hồ sơ này xuất phát từ bị cáo Võ Anh Tuấn, và chính bị cáo Võ Anh Tuấn là người trực tiếp chỉ đạo việc mở tài khoản trên. Bị cáo Yên chỉ biết khi có Lệnh chi 80 tỷ vượt quá hạn mức đối với hai tài khoản này, bị cáo có gọi điện hỏi ý kiến Võ Anh Tuấn. Võ Anh Tuấn nói rằng khách hàng do anh tiếp thị, khách hàng lớn, đề nghị giải ngân…
Sau khi phân tích và viện dẫn căn cứ pháp lý, các luật sư đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Yên hoàn toàn đồng ý quan điểm của luật sư và giải thích thêm về thời điểm biết được việc mở hai tài khoản là tiền đã chuyển vào.
Ngoài ra, tại phiên tòa, một số luật sư bào chữa và bảo vệ cho một số bị cáo và đương sự kháng cáo khác liên quan đến nhóm tội cho vay lãi nặng, giải tỏa kê biên.
Sáng ngày 29/12, phiên tòa tiếp tục phần đối đáp.