Phúc thẩm vụ án VIFON: Đại diện VKS đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm

Tòa tuyên án - Ngày đăng : 18:05, 14/05/2014

Chiều 14/5, trong phần luận tội, đại diện VKSTC đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm bác đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo Mẫn, Liên, Hồng, và đề nghị huỷ án đối với bị cáo Nguyễn Bi về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Bị cáo Nguyễn Bi (nguyên Tổng Giám đốc, kiêm Chủ tịch HĐQT VIFON) và Nguyễn Thanh Huyền (nguyên Phó Tổng Giám đốc) thì đại diện VKSNDTC đề nghị bác kháng cáo về tội “Tham ô tài sản” và tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Đối với tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của bị cáo Nguyễn Bi, xét thấy chưa rõ nên đại diện VKSNDTC đề nghị hủy án với tội danh này để làm rõ.

Phúc thẩm vụ án VIFON: Đại diện VKS đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm

Các bị cáo tại phiên tòa

Trong phần tranh luận, các luật sư bảo vệ cho bị cáo Huyền cho rằng cần phải hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, bởi lẽ đã có nhiều vi phạm trong tố tụng. Cụ thể cấp sơ thẩm đã xác định nguyên đơn dân sự là Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Công ty VIFON, nhưng cả Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đều từ chối tư cách nguyên đơn dân sự. Ngay cả trong văn bản mới nhất mà Bộ Công Thương gửi cho Tòa án cũng đã nói rõ mình không phải là nguyên đơn dân sự. Hơn nữa, việc Giám định viên của Bộ Tài chính được cử tham gia giám định là sai nguyên tắc. Việc giám định chưa khách quan, đúng đắn, có nhiều sai sót. Cần giám định lại toàn diện, một cách khách quan nhất để xem phần nào là 100% vốn Nhà nước, khi nào 51% vốn Nhà nước và khi nào là 100% của tư nhân…

Với bị cáo Bi, các luật sư cho rằng, đối với hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” của bị cáo Bi mà các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã quy kết là không có cơ sở. Bào chữa cho bị cáo Bi, LS Lê Hồng Nguyên cho rằng, theo cáo trạng của VKS thì ngày 4/4/2005, bị cáo Bi ký Quyết định số 01 chi thưởng số tiền 2,26 tỷ đồng. Xuất phát từ quyết định này mà các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã cho rằng bị cáo Bi phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Thực tế, sau khi ký quyết định trên, ngày 15/4/2005, bị cáo Bi về hưu theo chế độ. Đến tháng 10-11/2005, số tiền này không được thực hiện theo quyết định chi thưởng của bị cáo Bi đã ký mà bị cáo Huyền đã dùng thủ đoạn để chuyển hóa số tiền khen thưởng này thành tiền huy động vốn và chiếm đoạt. Do đó, cấp sơ thẩm quy kết đối với bị cáo Bi về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là không có cơ sở. Đồng thời, LS Nguyên cũng có chung quan điểm với các luật sư bào chữa cho các bị cáo khác đồng tình với ý kiến của vị đại diện VKS đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm đối với tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo Bi và bị cáo Huyền.

Phúc thẩm vụ án VIFON: Đại diện VKS đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm

Các luật sư tại phiên tòa

Tất cả các luật sư khi tranh luận đều tập trung vào số tiền 7,9 tỷ đồng thuộc sở hữu của ai, của Nhà nước hay của Công ty VIFON? Theo các luật sư, điều này chưa được các cơ quan tố tụng ở cấp sơ thẩm chưa làm rõ.

Trước đó, trong suốt 3 ngày xét hỏi của HĐXX cũng như các luật sư đã đặt ra cụ thể chi tiết từng vấn đề, từng khoản tiền một. Xuyên suốt quá trình, cả HĐXX đều nhận được câu trả lời về khoản tiền 7,9 tỷ đồng quỹ phúc lợi của VIFON là riêng của công ty, chứ không phải là của Nhà nước.

Bị cáo Nguyễn Thanh Huyền, nguyên Phó Tổng Giám đốc VIFON khai, khi VIFON cổ phần hóa, định giá tài sản là 48 tỷ đồng, đã bán và thu hồi vốn. Sau đó, VIFON đã tham gia liên doanh với 3 công ty, phần vốn góp với hình thức góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất. Đến năm 2004, VIFON đã hoàn thành chuyển nhượng toàn bộ vốn cho đối tác nước ngoài. Sau khi nhận tiền hoàn vốn, VIFON đã thanh toán tiền thuê đất và các khoản khác cho Nhà nước, phần còn lại chuyển cho Bộ Công nghiệp. Bộ Công nghiệp giao lại cho VIFON 7,9 tỷ đồng để lập quỹ khen thưởng của công ty. Bị cáo Huyền khẳng định, số tiền 7,9 tỷ đồng là tiền của Công ty VIFON, chứ không phải của Nhà nước.

Tương tự, bị cáo Nguyễn Bi, nguyên Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT của VIFON đã dẫn ra các văn bản để chứng minh đây là tiền riêng của Công ty. Bị cáo Bi cho rằng, khoản tiền 7,9 tỷ đồng đó đã được Bộ Công thương có văn bản để cho công ty sử dụng, bởi lẽ VIFON đã làm ăn có lãi lớn, Bộ Công Thương đã thu đầy đủ các khoản và trích ra 7,9 tỷ đồng để thưởng cho anh em. Trong đó, một phần dùng để thưởng cho lãnh đạo công ty đã có công trong việc liên doanh với đối tác đem lại lợi nhuận, phần còn lại là 2,3 tỷ đồng sẽ chi cho toàn thể cán bộ công nhân viên của Công ty VIFON. Hơn nữa, Bộ Công thương cũng không có văn bản nào thu hồi khoản tiền này. Các bị cáo khác trong vụ án cũng khẳng định số tiền 7,9 tỷ đồng là tiền của Công ty VIFON.

Đại diện Công ty VIFON cũng khẳng định đó là tiền riêng của công ty mình vì Bộ Công thương đã cho để sử dụng. 

Ngày mai phiên tòa tiếp tục phần tranh luận.

Văn Vũ