Chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ VIFON: Sẽ làm rõ những nội dung kêu oan

Tòa tuyên án - Ngày đăng : 17:56, 09/05/2014

Vụ án xảy ra ở Công ty Vifon đã được đưa ra xét xử sơ thẩm, các bị cáo kháng cáo, có bị cáo kêu oan. Vì thế, chắc chắn phiên tòa phúc thẩm tới đây sẽ làm rõ các nội dung kháng cáo, nhất là kêu oan của các bị cáo…

Bị cáo Nguyễn Bi, cựu Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc Công ty Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (VIFON) bị kết án về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Ông Bi có kêu oan gửi đến các cơ quan chức năng và báo chí cho rằng không phạm các tội đó.

Về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, bản cáo trạng truy tố và Tòa án sơ thẩm kết tội bị cáo Bi chiếm đoạt số tiền 2,28 tỷ đồng. Đây là khoản tiền tài vụ Công ty chuyển cho ông Bi qua tài khoản với nội dung “tiền huy động vốn”, vì ông Bi có góp vốn với Công ty nhưng khi về hưu chưa quyết toán. Khi cơ quan điều tra cho biết, đây là tiền hoàn thuế của Công ty thì gia đình ông Bi đã chuyển trả lại, từ khi ông Bi chưa bị khởi tố bị can vào tài khoản. 

Ông Bi đối chiếu Điều 140 BLHS cho rằng mình không vay, không mượn, cũng không nhận số tiền này từ việc thực hiện một hợp đồng dân sự với Hội đồng quản trị VIFON nên không phạm tội này. 

Chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ VIFON: Sẽ làm rõ những nội dung kêu oan

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm

Về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”, bị cáo Bi bị kết án do hành vi hai lần ký quyết định chia thưởng từ nguồn tiền chuyển nhượng vốn liên doanh của Công ty, một lần 290.000 USD, một lần trên 3,5 tỷ đồng (bị cáo Huyền đã chiếm đoạt). Ông Bi cho rằng, việc ký các quyết định này đúng quy định, sau khi đã làm đầy đủ các nghĩa vụ thuế, đóng góp quỹ… nên không sai.

Bị cáo Nguyễn Thanh Huyền (nguyên Kế toán trưởng, Phó Giám đốc) bị kết án phạm tội tham ô tài sản và cố ý làm trái... Bị cáo có đơn kêu oan về tội tham ô tài sản. Lý do kêu oan là ngày 1/2/2005 Bộ Công nghiệp có văn bản số 615/CV-TCCB chấp thuận cho VIFON được bán tiếp 51% vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đối chiếu các thời điểm rút tiền bị kết luận tham ô tài sản của bị cáo Nguyễn Thanh Huyền thì thấy có hai khoản lấy sau thời điểm cổ phần hóa, đó là khoản trên 2,32 tỷ đồng ở thời điểm 28/3/2005 và khoản 1,66 tỷ đồng trong các phiếu chi từ ngày 5/8/2005 đến 30/6/2006. Hai khoản này không phải là tài sản của Nhà nước, do đó nếu trừ đi hai khoản này thì số tiền bị cáo phải chịu trách nhiệm về tội tham ô chỉ còn khoảng 5,9 tỷ đồng…

Bản án sơ thẩm cũng đánh giá, các bị cáo Nguyễn Bi, Đàm Tú Liên, Ka Thị Thu Hồng và Dương Thị Mẫn đều có nhân thân tốt, khai báo thành khẩn, hậu quả từ hành vi cố ý làm trái... đã được khắc phục hoàn toàn, bản thân bị cáo Nguyễn Bi đã nộp lại ngay khoản tiền 2,2 tỉ đồng của VIFON khi chưa khởi tố bị can, quá trình công tác tại VIFON các bị cáo đã có nhiều đóng góp xuất sắc, riêng bị cáo Nguyễn Bi được tặng thưởng Huân chương Lao động, được xem là người có công rất lớn đối với sự nghiệp phát triển vững mạnh của Công ty VIFON... để cân nhắc khi lượng hình.

Theo quy định của pháp luật và thực hiện cải cách tư pháp, những vấn đề bị cáo kháng cáo, kêu oan sẽ được xem xét lại một cách thấu đáo để bảo đảm bản án đúng pháp luật, không oan sai cũng không lọt tội phạm.

Minh Lý