Bất động sản và vàng: Kẻ cười người khóc
Bất động sản - Ngày đăng : 14:47, 29/06/2013
Đùa với lửa”
Tính trong vòng 2 năm (2011-2013) đã có lúc giá vàng trong nước đạt ngưỡng xấp xỉ 50 triệu đồng/lượng, tại thời điểm đó giá vàng trong nước cao so với giá vàng thế giới 2-2,5 triệu đồng/lượng. 16h30 ngày 26/6 giá vàng SJC cho thị trường trong nước ở mức 37,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 37,55 triệu đồng/lượng (bán ra), giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới gần 6 triệu đồng/lượng. Giá vàng giảm mạnh khiến những người nắm giữ vàng hao hụt giá trị tài sản. Nhiều người đã mua vàng khi giá giảm sâu vào giữa tháng 4, khi đó, giá vàng SJC bán ra hạ về 39,5 triệu đồng/lượng. Nếu bán vàng đi với thời điểm này, những người mua vàng khi đó đã lỗ khoảng 2,3 triệu đồng trong vòng khoảng 2 tháng rưỡi. Những người tích trữ vàng tại thời điểm cao nhất gần 50 triệu đồng/lượng, tính tới thời điểm này mất khoảng 13% giá trị tài sản nếu bán vàng đi.
Anh Nguyễn Văn Oánh, Thanh Xuân, Hà Nội, nét mặt bơ phờ như người mất của cho biết: Nhà anh có một cửa hàng chuyên kinh doanh đồ nội thất. Sau nhiều năm làm ăn dành giụm, gia đình anh để ra được 3 tỷ đồng. Đầu năm 2011 (thời điểm bất động sản ở mức giá cao nhất), anh nghe theo bạn bè đầu tư 6 căn hộ (gần 200m2) ở Xa La, Hà Đông, Hà Nội. Anh mua giá bình quân 22 triệu đồng/m2 (cả tiền chênh lệch) nộp tiền đợt đầu cho 6 căn hộ là hơn 2 tỷ đồng. Sau một thời gian bất động sản liên tục rớt giá, anh phải vay gần 2 tỷ đồng ngân hàng để nộp tiền đợt 2. Anh phát hoảng mỗi sáng dậy là phải trả tiền lãi gần một triệu đồng, còn bất động sản liên tục xuống giá, bán cắt lỗ cũng không có người mua. Sau khi chủ đầu tư giảm giá, anh đành bán lỗ mỗi căn hộ hơn 200 triệu đồng. Anh Oánh chua xót: “Đầu tư bất động sản gần 2 năm, vốn bỏ ra 3 tỷ đồng, lỗ 1,3 tỷ đồng, cộng với lãi vay ngân hàng gần 2 tỷ đồng trong 11 tháng, tổng anh bị lỗ 1,5 tỷ đồng”. Câu chuyện của anh Oánh chưa dừng ở đó. Đầu tư bất động sản, từ 3 tỷ đồng, anh còn 1,5 tỷ đồng. Lúc này lãi suất ngân hàng liên tục hạ, đồng tiền mất giá. Cửa hàng kinh doanh nội thất của anh ế ẩm vì bất động sản đóng băng, hàng hóa lấy về tồn đọng không bán được. Cầm 1,5 tỷ đồng trong tay vợ chồng anh không biết làm gì, gửi vào ngân hàng lại không yên tâm vì nhiều tin đồn thổi. Anh bàn với vợ quyết định mua vàng theo bài học của các cụ ngày xưa: “thời bình mua đất, thời loạn mua vàng”. Lúc này vàng đang ở ngưỡng hơn 47 triệu đồng/lượng, anh quyết định mua 30 cây vàng. Hiện nay vàng xuống ngưỡng 37 triệu đồng/ lượng, nếu bán vàng, tài sản của anh lại bị giảm đi 300 triệu đồng. Chỉ vì “đùa” với vàng và bất động sản, 3 tỷ đồng tiền vốn của vợ chồng anh, sau 2 năm chỉ còn hơn một tỷ đồng.
Khác với anh Oánh, chị Lan ở Cầu Giấy lại gặp may với vàng. Gia chị Lan đình cuối năm 2011 mua một căn hộ tại Làng Quốc Tế Thăng Long với giá hơn 2 tỷ đồng, phải vay 600 triệu đồng nhưng quy ra vàng, tại thời điểm vay tiền, vàng gần 50 triệu đồng/lượng. Số tiền vay 600 triệu đồng của chị được quy ra 12 lượng vàng SJC. Hiện nay vàng xuống ở mức lý tưởng để trả nợ, chị bán xe ô tô được hơn 400 triệu đồng, mua 12 cây vàng trả nợ. Chị vui mừng nói: “Sau gần 2 năm, số nợ của em từ 600 triệu đồng xuống còn 450 triệu đồng. Em rất vui vì vàng xuống giá...”.
Có tiền nên đầu tư vào đâu?
Bất động sản sau khi rớt giá thảm hại vẫn đóng băng, vàng bất ổn, lên xuống thất thường, chứng khoán khó lường, sản xuất kinh doanh đình đốn, tiền nên đầu tư vào đâu? Đây là câu hỏi không dễ trả lời.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia: Nhà đầu tư nên tìm cho mình nhiều kênh đầu tư, thay vì ôm cả cục tiền gửi vào ngân hàng. Nếu có tiền, tôi sẽ đầu tư một phần vào chứng khoán một phần gửi ngân hàng. TS Nghĩa cho rằng, thị trường chứng khoán Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi. Thị trường chứng khoán Mỹ thường thay đổi nhanh khi có một hành động nào đó của chính phủ. Ở Việt Nam, chính phủ đã có nhiều động thái kích cầu nền kinh tế như giải cứu bất động sản, xử lý nợ xấu, nhiều quy định mới về đầu tư thương mại… sẽ là những tin tốt giúp kinh tế thoát khỏi tình trạng ảm đạm như hiện nay. Sắp tới, Chính phủ sẽ không còn chính sách nào mới và hay hơn những chính sách đã và đang dần được thực hiện nên chắc chắn chứng khoán sẽ có đà phục hồi.
Theo tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Ngân Hàng TP Hồ Chí Minh: người dân nên nghĩ đến một kênh đầu tư hiệu quả hơn đó là ngân hàng. Gửi tiền vào ngân hàng sẽ âm ít nhất, thanh khoản lớn nhất mà tính an toàn lại cao nhất. Với sự biến động, lên xuống thất thường của giá vàng trong nước như hiện nay, nếu đầu tư vào vàng chỉ là cái lợi tức thời. Vì giá vàng có thể tăng buổi sáng nhưng lại giảm ngay buổi chiều và ngược lại. Đối với chứng khoán cũng thế, người dân khó nắm bắt nhịp điệu của thị trường. Còn đối với lĩnh vực bất động sản, đầu ra cũng rất khó, bất động sản hiện đang ế ẩm dù đã được chào mời với giá thấp và tặng kèm khuyến mãi. Duy chỉ có ngân hàng có lẽ đem lại nhiều lạc quan hơn cả.