Kháng án chỉ vì thấy nhục!

Tòa tuyên án - Ngày đăng : 10:55, 13/04/2012

Trước vành móng ngựa, bị cáo Nguyễn Thành Lộc (SN 1977, ngụ tại xã Tam Phước, Tp. Biên Hòa) lý sự: “Bị cáo bị nạn nhân gài nên mắc bẫy. Chính vì vậy, bị cáo chỉ phạm tội cưỡng đoạt tài sản chứ không phải tội cướp tài sản. Bị tòa xử không đúng tội, bị cáo thấy nhục nhã lắm?”.

Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Thành Lộc và anh Nguyễn Trọng Thịnh cùng làm công nhân tại Công ty SKS (KCN Tam Phước). Vào giữa tháng 6-2008, Lộc hỏi vay tiền của anh Thịnh nhưng anh Thịnh không cho. Trưa 18-6-2008, nhân lúc tan ca, Lộc rủ anh Thịnh đi uống nước nhưng anh Thịnh không đi vì còn phải tăng ca.

Đến 18 giờ 30, anh Thịnh tan ca ra về thì bị Lộc cùng hai người bạn chặn ở cổng công ty đánh. Sau khi được bảo vệ công ty can ngăn, Lộc buộc anh Thịnh phải giao xe cho một người bạn của Lộc chạy để lên xe của y và phân công một người bạn khác ngồi kèm phía sau để chở ra quán nhậu. Tại đây, Lộc cùng bạn kêu rượu uống và liên tục đánh, ép anh Thịnh uống rượu.

Uống rượu xong, Lộc còn bắt anh Thịnh phải trả tiền bữa nhậu là 147.000 đồng. Do anh Thịnh không có tiền, nên Lộc bắt anh ngày hôm sau phải đưa tiền cho y để y thanh toán tiền nhậu. Do lo sợ bị đánh nên anh Thịnh đến công ty ứng lương được 500.000 đồng đưa cho Lộc thì Lộc bị Công an KCN Tam Phước bắt quả tang.

Bị cáo Lộc tại phiên xét xử phúc thẩm ngày 15-11. (Ảnh: Đồng Nai Online)

Theo đại diện VKSND tỉnh, trong quá trình điều tra và xét xử tại phiên tòa sơ thẩm ngày 16-6-2011, bị cáo Lộc không khai nhận hành vi cướp tài sản, chỉ thừa nhận hành vi cưỡng đoạt tài sản của anh Thịnh. Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của bị cáo, nhân chứng, người bị hại, Cơ quan điều tra, VKS và Tòa sơ thẩm vẫn đủ cơ sở kết luận: bị cáo Lộc đủ yếu tố cấu thành tội cướp tài sản. Hành vi sử dụng vũ lực của bị cáo Lộc và hai người bạn của y để buộc anh Thịnh trả số tiền 147.000 đồng và ngày hôm sau nhận lấy 500.000 đồng của bị hại đủ yếu tố cấu thành tội cướp tài sản.

Tự bào chữa cho mình trước Tòa, bị cáo Lộc cho rằng, bị cáo không biết chữ, nhà nghèo. Tuy vậy, bị cáo vẫn không kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt tù mà chỉ xin Tòa trả lại danh dự cho mình: “Trong khi bị cáo chỉ phạm tội cưỡng đoạt tài sản, cấp sơ thẩm lại kết thành tội cướp tài sản nên bị cáo thấy nhục nhã lắm và mong Tòa phúc thẩm xem xét trả lại danh dự cho bị cáo” - bị cáo Lộc trình bày.

“Vậy bị cáo hãy chứng minh bị cáo chỉ phạm tội cưỡng đoạt tài sản chứ không phải cướp tài sản để tòa xem xét ?” - vị chủ tọa phiên tòa gợi ý. Bị cáo Lộc ấp úng: “Bị cáo đánh, ép anh Thịnh trả tiền nhậu không phải vì mâu thuẫn với anh Thịnh mà do mỗi lần nhìn mặt anh Thịnh bị cáo thấy ghét nên mới hành động như vậy cho bõ tức. Còn việc anh Thịnh nhét vào túi bị cáo 500.000 đồng là nhằm mục đích gài bị cáo vào bẫy trước khi báo cho Công an Khu công nghiệp đến bắt quả tang”.

Mặc dù đại diện VKS và HĐXX phúc thẩm ngày 15-11 giải thích cặn kẽ tội danh cưỡng đoạt tài sản và cướp tài sản khác nhau thế nào nhưng có lẽ chỉ như "nước đổ lá khoai" đối với trình độ mù chữ và lý sự cùn của bị cáo Lộc. Tuy vậy, theo HĐXX phúc thẩm, hành vi phạm tội của bị cáo Lộc là rất nguy hiểm cho xã hội. Việc bị cáo và nhóm bạn đánh anh Thịnh nhằm buộc nạn nhân trả tiền nhậu thể hiện thái độ ngang ngược, côn đồ… cần phải áp dụng mức hình phạt nghiêm. Do đó mức phạt 3 năm tù về tội cướp tài sản mà cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Lộc là đúng người, đúng tội, phù hợp với tính chất, mức độ và hành vi phạm tội của bị cáo.

Phiên tòa kết thúc, bị cáo Lộc vẫn không chút tỏ ra ân hận, lo âu khi phải thụ án 3 năm tù. Bị cáo Lộc chỉ tỏ ra xấu hổ khi Tòa không thay đổi tội danh cho y. Liệu sự xấu hổ này có giúp phạm nhân Lộc sớm cải tà, quy chính, bỏ tính côn đồ, với lý do phạm tội cướp tài sản vì nhìn mặt người khác thấy ghét?

Thành Nhân

congly.com.vn