Cần thể chế nội dung, tinh thần Hiến pháp 2013 vào cuộc sống
Chính trị - Ngày đăng : 09:19, 07/05/2014
Tham dự hội thảo còn có đại diện cơ quan Kiểm toán Nhà nước, các đại biểu nguyên là lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất của nước ta. Sau khi Hiến pháp có hiệu lực thi hành thì nhiệm vụ quan trọng là tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm cho từng nội dung của Hiến pháp đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến sâu rộng và tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Về tư pháp, Hiến pháp có bổ sung quan trọng quy định TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, góp phần bảo đảm vị thế và tính độc lập của Tòa án - một yêu cầu không thể thiếu được trong cơ chế phân công, phối hợp kiểm soát quyền lực ở nước ta. Về chính quyền địa phương, Hiến pháp quy định một cách tổng quát về phân chia đơn vị hành chính, còn những vấn đề về tổ chức, thẩm quyền của từng cấp chính quyền địa phương sẽ do luật định.
Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ nội hàm các chế định về tổ chức bộ máy Nhà nước theo Hiến pháp 2013, để thời gian tới sẽ xem xét, cho ý kiến đối với nhiều dự án luật quan trọng liên quan như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức VKSND… Trong quá trình thảo luận, các chuyên gia, các nhà khoa học cần có những kiến nghị cụ thể để thể chế nội dung của Hiến pháp vào các đạo luật.
Các đại biểu đã tập trung phân tích, làm sáng tỏ những vấn đề chung mang tính định hướng về tổ chức bộ máy Nhà nước; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương và các thiết chế Hiến định độc lập theo Hiến pháp năm 2013. Theo đó, tổ chức bộ máy Nhà nước theo Hiến pháp năm 2013 cần đảm bảo nguyên tắc dân chủ xã hội chủ nghĩa và chủ quyền nhân dân; tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; đồng thời đảm bảo nguyên tắc tính thống nhất, sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực Nhà nước.
Các đại biểu cũng đồng tình và cho rằng, để đưa Hiến pháp năm 2013 vào cuộc sống, không chỉ hiểu tinh thần và nội dung mới của Hiến pháp mà điều quan trọng là cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để sửa đổi, bổ sung, ban hành cho phù hợp. Theo đó, các Luật về tổ chức bộ máy Nhà nước, các Luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là Luật Tổ chức Quốc hội cần phải tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa theo tinh thần của Hiến pháp 2013.
Đồng thời, để nâng cao hiệu quả của hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, tăng cường kiểm soát quyền lực Nhà nước, Luật Tổ chức Quốc hội và Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, cần coi trọng và cụ thể hóa giám sát tài chính ngân sách. Kiểm soát được việc chi tiêu ngân sách nhà nước do Quốc hội quyết định phân bổ, là nhân tố bảo đảm cho bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh…