“Nữ quái” tuổi ô mai và những giọt nước mắt sám hối
Tòa tuyên án - Ngày đăng : 10:54, 13/04/2012
My “sói” - Đào Thị Thu Hương tại phiên tòa
Ngày 9-6-2011, TAND Tp. Hà Nội đã đưa vụ án “Hiếp dâm, cướp tài sản” do Đào Thị Thu Hương (tức My “sói”) ra xét xử. Phiên toà dự kiến diễn ra trong 2 ngày đã thu hút rất đông người dự.
Không còn vẻ lấc cấc, bất cần và mái tóc cắt ngắn ngày nào, khi ra toà, bị cáo Đào Thị Thu Hương (tức My “sói”, 15 tuổi, trú tại số 260 Bạch Mai, Hà Nội) trông hiền lành với bộ sơ mi dài tay có hoa văn nhẹ nhàng. Mái tóc tém ngày nào giờ đã dài xuống ngang vai.
Đôi mắt đầy ngấn nước, My “sói” bước vào phòng xử với tâm trạng đầy ân hận, sám hối. Theo sau cô là 7 bị cáo cùng vụ án, những thanh niên còn rất trẻ, hơn My “sói” vài tuổi nhưng từng tôn cô làm “thủ lĩnh” để thực hiện các hành vi hiếp dâm và cướp tài sản mà nạn nhân chính là những đứa bạn cùng trang lứa.
Gần 1 năm nếm cơm tù, chưa đủ dài song cũng khiến “nữ quái” tuổi ô mai này thấm thía cái giá phải trả cho hành động của mình. Có lẽ vì thế mà khi ra trước Toà, Hương có vẻ “ngoan” hơn, luôn cúi đầu trả lời chủ toạ phiên toà mỗi khi được hỏi.
Phòng xử chật kín người dự, đa phần họ đến vì tò mò muốn được tận mắt nhìn thấy dung nhan “nữ quái”. So với vụ án giết người mà hung thủ là Nguyễn Đức Nghĩa thì những việc làm mà “má mì” nhỏ tuổi này gây ra cũng không kém. Người ta rùng rợn về hành vi mất nhân tính của Nghĩa bao nhiêu thì cũng rùng mình về những việc mà Hương đã làm bấy nhiêu.
Chẳng ai hiểu nổi, một cô bé mới bắt đầu dậy thì đã có những thủ đoạn ghê người đến vậy: tổ chức hiếp dâm, bắt người đưa vào nhà nghỉ cho đồng bọn hiếp dâm sau đó quay clip để dùng đó làm “bảo bối” khống chế nạn nhân, bắt phải đi bán dâm phục vụ mục đích kiếm tiền của chúng.
Điều khiến người ta rùng mình là ngoài ý tưởng mà không phải những kẻ giang hồ cộm cán nào cũng nghĩ ra này thì Hương lại dửng dưng như không khi để chính người yêu của mình cùng tham gia vào việc hiếp dâm. Ngay như Thượng tá Bùi Ngọc Bình, Giám thị Trại tạm giam số 1 Công an Tp. Hà Nội, người đã có thâm niên trong công tác canh coi phạm nhân, từng chứng kiến nhiều cảnh phạm tội, cũng phải rùng mình khi tiếp nhận một bị can nhỏ tuổi nhưng gây ra những việc làm như trên.
Theo ông Bình thì Hương là đứa trẻ sống nội tâm nhưng thiếu thốn tình cảm. Sinh ra trong một gia đình khá “cơ bản”, cô bé Hương xinh xẻo trở thành niềm tự hào của cha mẹ nhưng từ khi bố mẹ Hương mỗi người một nơi thì cô trở thành quả bóng bị đá đi đá lại giữa ngôi nhà của mẹ và mái ấm gia đình của bố với dì ghẻ. Ngày đầu tiên cắp sách tới trường, cô bé luôn đạt học sinh khá giỏi ở trường Thực nghiệm rồi sức học tụt dốc theo sự rạn nứt tình cảm của bố mẹ. Đến năm lớp 7, sự nghiệp học hành của Hương thực sự chấm dứt và thay vào đó là những ngày lang thang ở quán điện tử.
Cô bé bắt đầu đi bụi và khi yêu Trịnh Thăng Long, một thanh niên sống bằng nghề tải phim, nhạc vào máy điện thoại di động thì cuộc đời cô thực sự xuống dốc với số ngày bỏ nhà đi sống với người yêu trong nhà nghỉ diễn ra thường xuyên hơn. Một đêm, cả hai vào một quán internet chơi điện tử, vì lo không biết kiếm đâu ra tiền để “nuôi” cuộc sống “dạt vòm”, Long đã vói với người yêu lừa các cô gái trẻ đi bán dâm…
Những ngày trong trại tạm giam, Hương đã khóc rất nhiều, đứa trẻ ấy đã gần như sụp đổ, đánh mất hoàn toàn vẻ mặt lỳ lợm, bất cần khi nhận được cáo trạng của VKS chuyển tới. Hương sợ ngày ra Toà, phải đối mặt với bản án mà với hàng loạt tội thì khung hình phạt sẽ chắc chắn không hề nhẹ. Từ ngày vào trại, Hương đã rất ít được gia đình thăm nuôi nên hôm qua khi ra toà, hành động đầu tiên của Hương là nhớn nhác nhìn ngó xung quanh xem có ai là người thân tới dự không.
Khi nhìn thấy mẹ, mắt cô bé không giấu nổi vui mừng nhưng rồi nước mắt bắt đầu tuôn lã chã khi cô thấy mẹ chạy ra ngoài chỉ sau khi phiên toà bắt đầu được ít phút. Có lẽ không chịu nổi ánh đèn flash của các phóng viên chĩa về con mình hoặc vì lý do gì đó, mẹ Hương đã chạy ra ngoài ngay từ khi phiên toà mới bắt đầu để rồi sau đó quay lại khi phần thủ tục mở đầu phiên xét xử chưa hết.
Trong khi chờ Tòa phán quyết, Hương khóc, dưới hàng ghế dành cho người dự, mẹ Hương và thân nhân của các bị cáo còn lại cũng khóc. Có thể suy nghĩ của họ không giống nhau trong hoàn cảnh này, song có một điều chắc chắn rằng, nước mắt của cả hai đều có chung một điểm là ân hận, nỗi ân hận muộn màng.
Nguyễn Tiến